Cải Tạo Vườn Cà Phê “Tín Hiệu” Đáng Mừng Ở Lâm Đồng
Phát biểu tại buổi làm việc với Đảng uỷ và UBND xã Gung Ré (huyện Di Linh - Lâm Đồng) mới đây, TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh đã cải tạo vườn cà phê (ghép chồi hoặc trồng tái canh) bằng các giống cà phê đầu dòng được 18.000 ha. Đây là một “tín hiệu” rất đáng mừng. Bảo Lâm là địa phương đi đầu, có phong trào cải tạo vườn cà phê khá nhất. Di Linh và các địa phương khác cần học kinh nghiệm của Bảo Lâm để từng bước nâng cao hiệu quả canh tác cà phê.
Huyện Bảo Lâm hiện có 27.225 ha cà phê (chỉ sau Di Linh và Lâm Hà). Vào những năm 2002 - 2003, Bảo Lâm bắt đầu triển khai Chương trình cải tạo vườn cà phê bằng các giống đầu dòng. Từ kết quả của những mô hình thí điểm ban đầu, Trung tâm Nông nghiệp huyện triển khai nhân rộng, giúp nông dân cải tạo, chuyển đổi giống thông qua việc tổ chức tham quan, hội thảo, phổ biến kinh nghiệm và chuyển giao kỹ thuật. Để triển khai mạnh mẽ phong trào này, Huyện uỷ Bảo Lâm đã ra Nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; UBND huyện kịp thời triển khai Dự án xây dựng vườn nhân mầm giống. Ban đầu, huyện hỗ trợ 50% kinh phí và tổ chức, giúp nông dân làm được 33 vườn nhân mầm giống tại 12/14 xã, thị trấn với diện tích khoảng 1,8 ha, bằng nguồn vốn của các chương trình khuyến nông và các chương trình khác.
Được Viện Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (trực tiếp là Công ty TNHH Tư vấn phát triển Nông lâm nghiệp EAKMAT) cung cấp, huyện Bảo Lâm đưa các giống cà phê đầu dòng có năng suất cao, như: TR4, TR9, TR11, TS1, TS2… Sau khi trồng thử nghiệm, huyện đã chọn các giống “nổi trội” là TR4 và TS1 để nhân rộng phổ biến. Với cách làm này, trong những năm gần đây, phong trào ghép chồi và trồng tái canh bằng các giống cà phê đầu dòng ở Bảo Lâm đã trở nên phổ biến. Hàng năm, toàn huyện cải tạo, thay đổi giống mới từ 1.000 đến 2.000 ha cà phê. Theo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm: Đến nay, toàn huyện đã cải tạo và chuyển đổi vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp sang giống mới được khoảng 11.000 ha bằng phương pháp ghép hoặc tái canh. Nhờ vậy, năng suất và hiệu quả đạt được bình quân trên một đơn vị diện tích cà phê ở Bảo Lâm tăng dần.
Từ kinh nghiệm thực tiễn ở Bảo Lâm cho thấy việc cải tạo bằng cách ghép vô tính có nhiều ưu thế là chi phí thấp, chỉ sau 2 – 3 năm, cà phê ghép đã cho thu hoạch ổn định, năng suất cao và dễ thu hái… Nhờ vậy, người nông dân tiếp cận nhanh với phong trào ghép cải tạo vườn cà phê. Do đó, hiện nay phong trào cải tạo vườn cà phê ở Bảo Lâm đã dấy lên đều khắp, nhất là ở các xã Lộc Ngãi, Lộc Đức, Lộc Thành, Lộc An, Lộc Nam, Tân Lạc.
Những diện tích đã cho thu hoạch ổn định, chăm sóc tốt đã đạt năng suất bình quân 5 – 6 tấn/ha. Cá biệt, ở thôn Tiền Yên (xã Lộc Đức) có ông Nguyễn Đăng Trung là một tấm gương điển hình, tiêu biểu nhất. Trong vòng 4 năm (2003 – 2006), ông đã cải tạo xong toàn bộ 10 ha cà phê bằng giống TS1 và TR4. Từ đó đến nay, vườn cà phê của ông đã cho năng suất ổn định 6 – 8 tấn nhân/ha. Ngoài ra, những năm cao nhất, ông còn cung cấp 100.000 cây cà phê giống và 1,5 triệu mầm chồi giống.
Huyện Di Linh là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất tỉnh Lâm Đồng (41.000 ha). Nhưng, phong trào ghép cải tạo vườn cà phê ở địa phương này cũng chỉ mới bắt đầu trong mấy năm gần đây. Năm 2012, nông dân trong huyện đã chuyển đổi được trên 2.000 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp sang cà phê giống mới, bằng cách trồng lại (tái canh) và ghép chồi, nâng tổng diện tích cà phê đã cải tạo được 3.500 ha.
Để đạt diện tích tái canh và ghép cải tạo được 10.000 ha vào năm 2015, mỗi năm huyện tiếp tục phấn đấu chuyển đổi 2.500 ha. Nhằm phục vụ cho việc chuyển đổi cà phê, huyện Di Linh đã tổ chức được 19 vườn chồi và một số vườn ươm cung cấp những giống cà phê cao sản tại các xã: Tân Châu, Tân Nghĩa, Gia Hiệp, Tam Bố, Hoà Bắc, Hoà Nam, Hoà Trung, Hoà Ninh. Ngoài ra, Trung tâm Nông nghiệp huyện còn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng xây dựng một số vườn chồi cà phê tại xã Tân Lâm và Tân Thượng.
Huyện cũng đã có đội ngũ 25 nhân viên khuyến nông và 183 cộng tác viên khuyến nông để cùng tham gia tổ chức và hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi, cải tạo vườn cà phê già cỗi. Ông Trần Công Hùng – Chủ tịch UBND xã Gung Ré (huyện Di Linh), cho biết: Toàn xã có 1.945 ha cà phê, nhưng năng suất chỉ đạt 1,7 – 2 tấn/ha. Do nhận biết muộn, xã chỉ mới bắt đầu vận động, tổ chức cho bà con tham quan, học tập và bước đầu chỉ mới cải tạo, chuyển đổi được 126 ha cà phê, chủ yếu bằng giống TR4.
Huyện Lâm Hà, thành phố Bảo Lộc, huyện Đức Trọng… diện tích cà phê chuyển đổi sang giống mới chưa được nhiều, nhưng các địa phương này cũng đã bắt đầu “chuyển động”. Đây là một “tín hiệu” đáng mừng. Bởi lẽ “Một trong các giải pháp thâm canh cây trồng, việc chọn và thay đổi giống mới là hết sức cần thiết” – TS Phạm S thường hay nhắc nhở trong những lần đi kiểm tra ở cơ sở.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ