Tin nông nghiệp Cam giả danh, táo đá đội lốt Hà Giang - thách thức và cơ hội

Cam giả danh, táo đá đội lốt Hà Giang - thách thức và cơ hội

Tác giả Huy Toán, ngày đăng 09/11/2016

Chè Hà Giang, mật ong Bạc hà Hà Giang, thịt bò Vàng Cao nguyên đá, hồng không hạt Hà Giang và đặc biệt là cam sành Hà Giang..., đã trở nên rất nổi tiếng. Lợi dụng tâm lí sính hàng vùng cao, thời gian qua đã có không ít nông sản đội lốt nông sản Hà Giang để dễ bề tiêu thụ trên thị trường.

Nói đến nông sản sạch, người tiêu dùng ở các thành phố lớn sẽ nghĩ ngay đến nông sản có xuất xứ từ vùng cao, trong đó đặc biệt là vùng Hà Giang. Quả thực những năm qua, những loại nông sản như: Chè Hà Giang, mật ong Bạc hà Hà Giang, thịt bò Vàng Cao nguyên đá, hồng không hạt Hà Giang và đặc biệt là cam sành Hà Giang..., đã trở nên rất nổi tiếng.

Lợi dụng tâm lí sính hàng vùng cao, thời gian qua đã có không ít nông sản đội lốt nông sản Hà Giang để dễ bề tiêu thụ trên thị trường.

Trong ảnh: Táo “đá” bán tràn lan trên thị trường không phải là sản phẩm do người dân Hà Giang trồng.

Mạo danh từ trái cam sành đến “táo đá”.

Vài năm qua, không ít lần những trái cam vỏ xanh mỏng không rõ xuất xứ, thu hái vào tháng 8, tháng 9 dương lịch được nhiều người bán hàng giới thiệu là cam Hà Giang bán tràn lan ở thị trường Hà Nội và một số nơi. Thông tin về cam Hà Giang bán tràn lan vào tháng 8, tháng 9 dương lịch đã khiến không ít người băn khoăn, thắc mắc rằng sao cam Sành Hà Giang nổi tiếng ngọt, thơm thế mà nay lại chua như chanh vậy!?

Qua thực tế xác minh, cam sành Hà Giang không phải là đặc sản lúc nào cũng có. Cam chỉ chín từ khoảng cuối tháng 11 âm lịch trở đi. Khi ấy cam Sành Hà Giang có màu vàng, vỏ sần dày, lõi vàng, vị ngọt khé và hương thơm dễ nhận thấy. Và quả thực nếu nói đến cam Sành, chỉ có đất Hà Giang mới là nơi có thổ nhưỡng, khí hậu hợp nhất để trồng cam Sành. Trên vùng đất Hà Giang, hiện cũng ghi nhận chỉ có 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên có thể trồng được cam Sành.

Sau cam Sành, “táo đá” hiện nay đang xuất hiện rất nhiều trên thị trường miền Bắc. Nhiều năm trước, người ta cứ quen gọi nó với cái tên thật là táo Trung Quốc, không hiểu sao vụ táo năm 2016, cái tên “táo đá” Hà Giang đã được gắn cho loại táo này. Đồng loạt ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Hà Nội, có lẽ là do truyền miệng qua các đầu mối phân phối hoa quả theo các hướng từ Lạng Sơn, Lào Cai về mà từ “táo đá” Hà Giang đã được “đặt tên” có ý đánh lừa người tiêu dùng như thế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay tại thị trường Hà Giang, những trái táo có xuất xứ từ Trung Quốc, vỏ màu tím, xanh, lõi màu mỡ gà hàng năm cũng xuất hiện nhiều. Giá giao động từ 15 – 20.000đ/kg. Nhưng ở ngay thị trường Hà Giang, đa phần người bán hàng đều nói thẳng, đây là táo Trung Quốc. Nhưng không ít người bán hàng khi bán cho khách ngoại tỉnh đã nói là “táo Hà Giang”. Và thực tế đã có không ít người tiêu dùng nghe và tin những quả “táo đá” trên thị trường là táo “made in Hà Giang”.

Qua trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục quản lí chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Giang, được biết: Thời gian qua, trước thông tin về táo đá Hà Giang bán tràn lan trên thị trường, ngành Nông nghiệp Hà Giang đã vào cuộc tìm hiểu và khẳng định, “táo đá” bán trên thị trường hiện nay không phải là táo được trồng ở Hà Giang.

Một điều khá hài hước khi chúng tôi được biết hiện Hà Giang chỉ có một hộ ở xã Thượng phùng, Mèo Vạc, gần biên giới với Trung Quốc có đem từ Trung Quốc về trồng được khoảng 4 - 5 cây “táo đá”. Do thổ nhưỡng không hợp, mỗi cây ra được vài quả/năm và kích thước quả cũng chỉ to bằng... ngón chân cái.

Không chỉ có “táo đá”, cam Sành, theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua nhiều loại nông sản ở một số nơi cũng đã tìm cách đội lốt nông sản Hà Giang để dễ bề tiêu thụ như chè, tam thất và đặc biệt là mật ong Bạc hà Cao nguyên đá... Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và đến cả uy tín của vùng đất Hà Giang.

Cơ hội và thách thức cho nông sản Hà Giang

Như vậy là đã rõ, những nông sản “made in” Hà Giang đều tạo nên một sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Điều này được thể hiện qua việc ngay sau khi xuất hiện những nông sản đội lốt Hà Giang thì đều nhận được sự quan tâm, thắc mắc của dư luận người tiêu dùng và truyền thông. Từ đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, uy tín của vùng đất Hà Giang. Bởi người tiêu dùng sau khi sử dụng những sản phẩm đội lốt Hà Giang giá rẻ, nếu tốt thì không sao, ngược lại nếu là sản phẩm dở sẽ có những ác cảm đối với nông sản Hà Giang.

Trong điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn bởi đầu ra, giá cả và thị trường thì những người nông dân ở Hà Giang luôn gặp phải khó khăn bởi Hà Giang quá xa so với các thị trường lớn. Địa hình phức tạp, chi phí sản xuất luôn cao vì thế sản phẩm nông nghiệp của Hà Giang dù luôn có chất lượng, song vẫn vấp phải những cạnh tranh về giá cả so với các sản phẩm vùng loại trên thị trường.

Ngược lại, từ cảm nhận của thị trường về nông sản có xuất xứ Hà Giang có thể thấy, đây chính là cơ hội cho nông nghiệp, nông dân Hà Giang. Muốn sản xuất bền vững chúng ta cần phải có niềm tin từ thị trường, điều này thì Hà Giang đang có. Thực tế đã chứng minh là các sản phẩm như cam sành, chè, mật ong, thịt bò, dê, lợn, gà bản địa, thảo dược, rượu... vùng cao Hà Giang rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Nói đến hàng hóa làm ra ở Hà Giang, nhiều người tiêu dùng lập tức tin dùng ngay.

Tuy nhiên trong thách thức, khó khăn, chúng ta cũng đang có cơ hội lớn cho việc xây dựng thương hiệu nông sản. Sản xuất muốn được bền vững, trước hết với mỗi người sản xuất cần phải thực hiện tốt việc sản xuất có tâm, gìn giữ những sản phẩm truyền thống, bản địa. Vai trò của ngành Nông nghiệp trong việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn VietGAP gắn với việc quản lí chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ngành Công thương phải đẩy mạnh công tác thông tin sản phẩm. Cùng song hành, vai trò của các cơ quan báo chí địa phương cũng cần phải được phát huy, vào cuộc kịp thời trước những dấu hiệu nông sản đội lốt, giả danh Hà Giang để không ngừng nâng cao uy tín nông sản Hà Giang, bảo vệ quyền lợi người sản xuất, người tiêu dùng.


Có thể bạn quan tâm

doi-che-ngheo-kiet-hoa-trang-trai-vang Đồi chè nghèo kiệt hóa… phu-nu-tren-que-huong-nui-doi-giup-nhau-phat-trien-kinh-te Phụ nữ trên quê hương…