Tin nông nghiệp Campuchia: kỹ thuật đồng vị giúp tăng năng suất

Campuchia: kỹ thuật đồng vị giúp tăng năng suất

Tác giả Khởi Thức, ngày đăng 31/10/2017

Những nông dân nghèo không đủ tiền mua phân bón có thể đạt năng suất cao nhờ sử dụng phân hữu cơ cũng như trồng xen canh lúa và cây trồng khác, theo nghiên cứu của các chuyên gia nông nghiệp Campuchia.

Một chuyên gia thử nghiểm nitơ-15 ổn định để giám sát cây lúa hấp thụ nitơ ở Campuchia. Ảnh: CARDI

Những tư vấn của họ xuất phát từ kết quả nghiên cứu, được sự hỗ trợ của cơ quan Nguyên tử năng quốc tế (IAEA) và cơ quan Lương thực thế giới (FAO), trong việc sử dụng các kỹ thuật có liên quan đến hạt nhân để đo độ hấp thu phân và nước của cây lúa và các loại cây trồng khác.

Những nước sử dụng kỹ thuật như thế ngày càng nhiều, trong đó có Campuchia. Kỹ thuật giúp nâng cao năng suất cây trồng, tối ưu hoá việc sử dụng phân bón và đánh giá sự đa dạng của lúa, ngũ cốc và rau củ về hiệu quả trong sử dụng các loại phân bón. Hiện nay, các chuyên gia ở hơn 60 nước được lợi nhờ sự trợ giúp của kỹ thuật hạt nhân trong lĩnh vực này.

Phối hợp hữu cơ và vô cơ

Các thí nghiệm được các chuyên gia tại viện Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp (CARDI) thực hiện, cho thấy có thể thay thế một nửa lượng phân hoá học theo yêu cầu bằng các loại phân hữu cơ vì phân hoá học quá mắc đối với nông dân nghèo. “Điều này có nhiều lợi ích”, Sarith Hin, trưởng ban Khoa học về đất và nước ở CARDI, lý giải. Theo ông, nông dân tiết kiệm được tiền mua phân hoá học, nhưng có thể đạt năng suất cao. “Các kết quả chứng minh rằng ngay cả các nông dân nghèo, không đủ khả năng mua nhiều phân, có thể tăng năng suất”, Hin nói. Trong trường hợp đậu phộng, thay thế một nửa phân hoá học bằng một hỗn hợp phân chuồng với rơm rạ, sẽ cho năng suất gấp đôi. Đối với lúa, việc giảm phân hoá học thay thế phân chuồng hữu cơ cho nằng suất tương đương với việc sử dụng toàn phân hoá học.

Nông nghiệp chiếm 27% nền kinh tế Campuchia và nuôi sống 60% dân cư. Nhiều người nghèo, đất ít, tăng năng suất giúp họ có thu nhập cao hơn để thoát nghèo. Trước đây việc sử dụng phân bón bị xem nhẹ ở Campuchia.

Borey Thai, một nông dân có 1,5ha đất ở tỉnh Kampong Speu, phía nam Phnom Penh, đã thay một nửa phân hoá học bằng một hỗn hợp phân chuồng với rác trong vườn trong mùa canh tác năm nay – và đã tiết kiệm được 1/3 số tiền bà thường phải chi để mua phân bón. “Ít hao hơn, nhưng lại được việc hơn”, bà nói. “Nhưng đáng nói là tôi có thể dùng số tiền tiết kiệm để sửa sang nhà cửa”. Bà dự đoán vụ mùa nằm nay sẽ thu cao hơn 20% so với năm trước, nhờ sử dụng phân phối hợp. Một thách thức mà những người hàng xóm của bà gặp phải là tìm cho được phân chuồng chất lượng. “Nếu chúng tôi kiếm được nhiều phân chuồng hơn, càng nhiều người trong chúng tôi chuyển sang làm lúa hữu cơ”.

Xen canh

Sản xuất xen canh cây khác với cây lúa mùa là một cách khác để nông dân tăng thu nhập, theo kết quả nghiên cứu của bộ Nông nghiệp. Trước đây, nông dân chỉ canh tác trong mùa mưa, khi có đủ nước trời để tưới lúa. Trong mùa khô, đất bị bỏ trống.

Các chuyên gia nhận thấy các cơ hội trong mùa khô là khả quan đối với các cây trồng khác, đặt biệt là các loại rau củ và đậu lăng. “Các loại này chẳng những giúp nông dân tăng thu nhập, nhưng rau củ tạo thêm nitơ trong đất, ngoài ra việc phân huỷ các cây đậu còn làm tăng chất lượng đất, giúp cho năng suất lúa cao hơn trong mùa tới”, Phirum, bộ Nông nghiệp, nói. Họ sử dụng kỹ thuật nitơ-15 đồng vị để nghiên cứu lượng phận cây trồng hút từ đất, cố định môi trường đất, đồng thời lượng hoá hiệu quả của việc bón phân.

Nhóm chuyên gia nhận được nhiều dạng thức hỗ trợ qua chương trình hợp tác kỹ thuật với IAEA. Họ học hỏi việc sử dụng các kỹ thuật liên quan đến hạt nhân cũng như các kỹ thuật khác qua các khoá học và qua tham gia giao lưu với các nước lân cận. Họ nhận được thiết bị và chất liệu để làm các thí nghiệm, và nhận tư vấn từ các chuyên gia hỗn hợp FAO/phân ban Kỹ thuật hạt nhân về thực phẩm và nông nghiệp của IAEA trong việc đọc các kết quả.

Được dán nhãn đồng vị nitơ

Nitơ đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng và quang hợp cây trồng, tiến trình mà qua đó cây trồng chuyển đổi năng lượng từ nắng trời thành hoá năng. Nitơ thường được cho thêm vào đất dưới dạng phân bón. Sử dụng các loại phân bón được “dán nhãn” bằng các chất đồng vị ổn định nitơ-15 (15N) – một nguyên tử với một neutron thêm vào so với nitơ “bình thường” – các nhà khoa học có thể theo dõi lộ trình và xác định cây trồng hấp thu phân bón một cách hiệu quả như thế nào.

“Kỹ thuật đồng vị có một vai trò quan trọng, nhất là đối với các nông dân có đất nghèo”, Lee Kheng Heng, quản lý đất và nước và phân ban Dinh dưỡng cây trồng tại bộ phận hỗn hợp FAO/IAEA cho biết. “Công tác của các đồng sự Campuchia của chúng tôi chứng minh cho khoa học hạt nhân góp phần phát triển nông nghiệp như thế nào”.


Có thể bạn quan tâm

trung-doc-aflatoxin-trong-thuc-an-chan-nuoi Trúng độc Aflatoxin trong thức… than-khong-khoi-gianh-ngoi-quan-quan-cuoc-thi-startup-nong-nghiep Than không khói giành ngôi…