Tin nông nghiệp Cán bộ chi, tổ hội sẽ được đào tạo bài bản

Cán bộ chi, tổ hội sẽ được đào tạo bài bản

Tác giả Đình Thắng, ngày đăng 22/12/2015

Ông có thể cho biết, nội dung, đối tượng đào tạo của Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội NDVN giai đoạn 2016-2020” (Đề án giai đoạn 2016-2020)?

- Về nội dung hoạt động và đối tượng của đề án lần này không những bao gồm việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ hội ở cả 4 cấp (T.Ư, tỉnh, huyện, xã); đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp cho cán bộ cấp xã mà còn mở rộng đến chi, tổ hội - vốn chỉ là đơn vị hành động chứ không phải là 1 cấp.

Ngoài ra, còn tuyển chọn, cử cán bộ, công chức Hội ND từ cấp huyện đến cấp T.Ư đi đào tạo đại học, sau đại học theo quy định cho từng chức danh.

Về cách làm, đề án lần này yêu cầu sự vào cuộc không những của các cấp Hội ND, huy động nguồn kinh phí đảm bảo không những từ ngân sách nhà nước mà còn từ nhiều nguồn khác…

Xin ông nói rõ hơn về mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng 40% cán bộ chi, tổ hội thể hiện trong Đề án?

- Chi, tổ hội có vị trí, vai trò rất quan trọng, là đơn vị hành động trực tiếp của Hội.

Chi, tổ hội trưởng là người trực tiếp tập hợp, giáo dục, tuyên truyền hội viên, ND và tổ chức các hoạt động của Hội.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ chi, tổ hội còn ít được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, hạn chế về trình độ và năng lực công tác.

Đề án đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn trước chưa đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ này, nhưng thời gian qua, hàng năm các cấp Hội địa phương cũng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ chi, tổ hội, nhưng chưa theo một chương trình, tài liệu thống nhất.

Vậy để đào tạo, bồi dưỡng đối tượng này, T.Ư Hội NDVN sẽ phải làm gì, thưa ông?

- Đề án lần này có đặt ra mục tiêu  50% cán bộ chi hội, tổ hội ND được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, phương pháp công tác hội ND.

Trung ương Hội NDVN sẽ tiến hành điều tra, khảo sát lại thực trạng và nhu cầu bồi dưỡng của đối tượng này; xây dựng, biên soạn một bộ chương trình, tài liệu thống nhất mà trong đó, nội dung bồi dưỡng, tập huấn sẽ đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn của người cán bộ là: Có bản lĩnh chính trị vững vàng; kiến thức chuyên môn nghiệp vụ tốt; kỹ năng, phương pháp công tác thành thạo.

Tài liệu sau đó sẽ chuyển cho các cấp Hội địa phương vận dụng vào giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng, tập huấn ở cơ sở.

Thưa ông, để  thực hiện có hiệu quả Đề án giai đoạn 2016-2020, Hội ND các tỉnh, thành phố cần phải làm gì?

- Để thực hiện thành công Đề án giai đoạn 2016-2020, ngoài chỉ đạo kịp thời và thường xuyên, T.Ư Hội NDVN sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, cách làm hay trong việc triển khai thực hiện Đề án giai đoạn trước (2010-2015) của một số Hội ND tỉnh, thành phố.

Về phía Hội ND các tỉnh, thành phố cần vận động cán bộ, công chức Hội ND các cấp tích cực tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; chủ động phối hợp các ban, ngành có liên quan và trường chính trị xây dựng kế hoạch, đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tham mưu cho cấp ủy về lãnh đạo thực hiện đề án; lập dự toán kinh phí hàng năm trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức, quản lý các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo phân cấp của đề án, xây dựng chương trình bồi dưỡng, tập huấn phù hợp với tình hình thực tế địa phương...

Xin cảm ơn ông!

Ông Vũ Ngọc Bình cho biết, Đề án giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ vừa ký phê duyệt có nhiều điểm khác, nâng cao hơn so với Đề án giai đoạn 2011-2015.

Theo đó, Đề án giai đoạn 2016-2020 đã bám vào các chỉ tiêu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đại hội toàn quốc Hội NDVN lần thứ VI (nhiệm kỳ 2013 – 2018) và Nghị quyết chuyên đề của Trung ương Hội NDVN… 

Ông Nguyễn Hữu Tư – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Khánh Hòa Nâng cao năng lực công tác

Chúng tôi coi công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ là vấn đề quan trọng.

Trong giai đoạn 2011-2015, Hội ND Khánh Hòa đã lên kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các phương án, chỉ đạo các ban, ngành, cấp huyện thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội ND các cấp.

Thời điểm đó, trình độ cán bộ hội cơ sở rất hạn chế, việc đào tạo trở nên rất cấp thiết.

Tỉnh cũng tạo điều kiện cấp kinh phí toàn bộ cho quá trình đào tạo.

Vậy nên, Hội ND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức thành công 2 lớp đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp cho 158 học viên với tổng kinh phí 2,8 tỷ đồng.

Đối với chi hội trưởng, chúng tôi đã đào tạo tại 3 huyện với khoảng trên 200 cán bộ chi hội trưởng có trình độ sơ cấp.

Với đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội NDVN, giai đoạn 2016-2020, sẽ có thêm nhiều cán bộ hội các cấp ở Khánh Hòa được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực công tác.

Ông Tống Văn Tam – Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Hà Nam Cấp đủ kinh phí đào tạo

Việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ Hội ND giai đoạn trước rất khó khăn.

Có 2 cái khó là nguồn kinh phí và việc biên soạn tài liệu giáo trình.

Riêng cán bộ chủ chốt và chuyên trách cấp huyện, tỉnh là hơn 200 người cần được đào tạo mỗi năm, tuy nhiên kinh phí T.Ư cấp chỉ đào tạo được 50-60 người.

Trong bối cảnh đó, để mở lớp đào tạo cho nhiều cán bộ hội, Hội ND đã chủ động đề nghị có sự phối hợp giữa các ban ngành như Ban Tuyên giáo, Trường Chính trị tỉnh và xin UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí.

Nhờ đó chúng tôi đã đào tạo được 2 lớp trung cấp chuyên nghiệp, mỗi lớp  120 học viên, đào tạo nghiệp vụ công tác hội cho chi hội trưởng, mỗi năm 10 lớp, mỗi lớp 100 người.

Trong giai đoạn 2016-2020, để hạn chế khó khăn cho cấp hội cơ sở, đề nghị T.Ư Hội NDVN làm việc với các bộ, ngành liên quan, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cấp đủ kinh phí để đào tạo đạt mục tiêu đề ra.


Có thể bạn quan tâm

dau-tu-vao-nong-nghiep-viet-nam-hien-tuong-nhat-ban Đầu tư vào nông nghiệp… rau-can-vietgap-xuat-khau-sang-han-quoc-sach-the-nao Rau cần VietGAP xuất khẩu…