Mô hình kinh tế Cần định hướng lại hoạt động khai thác hải sản

Cần định hướng lại hoạt động khai thác hải sản

Ngày đăng 18/05/2015

Nghề lặn và vây ngừ đại dương trúng đậm

Mỗi phiên lặn biển ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của ngư dân trong tỉnh mà chủ yếu là ngư dân Lý Sơn phải mất từ 30-45 ngày. Tính ra trong một năm, nếu trời yên biển lặng thì ngư dân hành nghề này ra khơi được sáu chuyến. Bây giờ họ vừa mới nhổ neo chuyến thứ hai trong mùa biển 2015.

Ngư dân Dương Văn Đại, thôn Đông, xã An Vĩnh chuyên nghề thợ lặn đã gần 20 năm bảo rằng: “Nghề lặn là phương thức đánh bắt có sàng lọc. Cá to thì ta bắt, cá nhỏ thì để dành cho nó lớn. Lặn còn kiếm thêm hải sâm, ốc biển, là loại hải sản có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho mỗi chuyến đi biển”

Huyện đảo Lý Sơn hiện có hàng trăm tàu khai thác xa bờ chuyên nghề lặn biển. Phiên biển đầu năm, nhiều tàu thu nhập cả tỷ đồng. Tàu ít thì kiếm vài trăm triệu. Hải sản đánh bắt được chủ yếu là cá ngừ đại dương vi vàng và cá thu xuất khẩu. Giá bán cá ngừ vi vàng khoảng 50-60 nghìn đồng/kg; cá thu loại lớn khoảng 120-180 nghìn đồng/kg. Riêng hải sâm, phiên biển đầu năm tuy không trúng đậm nhưng năm ngoái giá cao, nên dù là “mặt hàng phụ” nhưng tiền bán hải sâm cũng đủ bù vào chi phí thực phẩm, nước uống đi khơi mỗi tàu  khoảng 40 triệu đồng/chuyến.

Nghề lặn của ngư dân Lý Sơn mới phát triển mạnh trong những năm gần đây khi yêu cầu xuất khẩu hải sản đòi hỏi sản phẩm đánh bắt phải bằng phương pháp thủ công, không bị tổn thương. Cá khai thác từ nghề lặn phục vụ xuất khẩu và giá bán thường gấp 3 lần so với cá tiêu thụ trên thị trường nội địa. Riêng hải sâm, ngoài phương thức lặn để bắt thì dường như không có cách đánh bắt nào thay thế. Chính vì vậy, dù nghề lặn lắm rủi ro nhưng ngư dân Lý Sơn vẫn duy trì.

Đánh bắt gần bờ kém hiệu quả

Ngoại trừ việc rộ lên trúng mùa mực, cá nục vào những ngày đầu năm, thì đến thời điểm hiện nay hoạt động đánh bắt gần bờ vẫn chưa đạt được sản lượng như cùng kỳ năm ngoái. Tháng giêng, hai đã đi qua đồng nghĩa với mùa cá cơm trong năm đã kết thúc, nhưng thị trường cá cơm vẫn… ngủ yên do mất mùa. Nhiều cơ sở chế biến nước mắm cá cơm trong tỉnh cho biết, họ vẫn chưa thu mua được nguyên liệu cá cơm tươi. Một số cơ sở nước mắm về tận các bến cảng để thu mua, nhưng sản lượng cá cơm mua được cũng chẳng đáng là bao so với cùng kỳ năm 2014.

Mọi năm, giờ này đã là mùa cá nục. Năm ngoái, cá nục được mùa. Tàu đánh bắt cá, tàu thu mua cá, tàu chế biến mắm ùn ùn kéo về Quảng Ngãi, đặc biệt là vùng biển gần đảo Lý Sơn hoạt động. Mỗi tàu cá cứ chiều ra khơi, sáng sớm ngày mai vào bờ thu được hàng chục tấn cá. Thậm chí có tàu vì kéo được đến 60 tấn cá nục trong một mẻ lưới đã phải lặn xuống cắt rách lưới “thả” bớt cá ra ngoài để tránh tình trạng tàu bị chìm vì mẻ lưới trọng lượng cá quá lớn.

Thế mà năm nay, cũng biển này nhưng mặt nước lặng như tờ, cá cũng biệt tăm. Hiện tại có khá nhiều tàu đánh cá, trong đó có cả tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ của ngư dân trong và ngoài tỉnh ứng trực ở vùng biển Lý Sơn khai thác, nhưng sản lượng đánh bắt không đáng kể. Thậm chí có nhiều tàu sử dụng loại lưới mắt nhỏ dưới mức cho phép nhưng lượng cá thu được cũng rất ít. Lực lượng chức năng của tỉnh và huyện Lý Sơn phải liên tục tăng cường tổ chức kiểm soát, ngăn chặn các tàu cá vi phạm quy định hành nghề khai thác này.

Theo những ngư dân có kinh nghiệm thì do tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt đã làm cạn kiệt nguồn cá. Từ đó dẫn đến mất mùa ngay trên vùng biển mà mới năm ngoái là vùng được mùa nhất tỉnh. Mất mùa cá khi giá nhiên liệu đi biển tăng mạnh là một thiệt hại không nhỏ đối với ngư dân. Để cứu vãn tình trạng này, không ai khác, chính ngư dân phải tự ý thức, không vì cái lợi trước mắt mà đánh bắt theo kiểu tận diệt, làm mất đi sinh kế lâu dài.


Có thể bạn quan tâm

chinh-trang-nong-thon-de-xay-dung-nong-thon-moi Chỉnh trang nông thôn để… dau-tu-10-000-ti-dong-phat-trien-cay-mac-ca-tai-lam-dong Đầu tư 10.000 tỉ đồng…