Tin nông nghiệp Cần loại bỏ thói quen gieo sạ dày, lãng phí giống

Cần loại bỏ thói quen gieo sạ dày, lãng phí giống

Tác giả Khánh Trung, ngày đăng 12/04/2018

Giảm lượng giống trong canh tác lúa được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm chi phí sản xuất và hạn chế sự phát triển của nhiều loại dịch hại trên lúa. Do vậy, ngành nông nghiệp đã và đang  tích cực khuyến cáo, hỗ trợ nông dân từ bỏ thói quen gieo sạ dày, lãng phí giống…

Tại ĐBSCL chủ yếu thực hiện việc cấy lúa thủ công nên nhiều nông dân còn ngại gieo sạ thưa, do khó tìm nhân công giặm lúa. Ảnh: Khánh Trung

Tín hiệu tích cực

Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đang triển khai nhiều chương trình, hoạt động  tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ nông dân thực hiện các giải pháp giảm lượng giống trong gieo trồng lúa. Đặc biệt, các giải pháp kỹ thuật canh tác lúa  “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm" gắn đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất… được ngành nông nghiệp thành phố tăng cường chuyển giao, hướng dẫn cho nông dân thực hiện qua từng vụ sản xuất đã góp phần giảm đáng kể lượng sử dụng giống. Thông qua Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) và thực hiện Kế hoạch 124/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ về đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố giai đoạn 2016-2020, Cần Thơ đã  hỗ trợ nông dân thực hiện nhiều mô hình thí điểm giảm giống và trình diễn ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến. Qua đó, giúp nông dân giảm được nhiều chi phí sản xuất đầu vào như: giảm lượng giống, chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật… và tăng năng suất, chất lượng, giá bán sản phẩm, gia tăng lợi nhuận. Đáng chú ý, vụ đông xuân 2017-2018, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình thí điểm giảm giống bằng các biện pháp gieo sạ khác nhau, gồm: máy sạ hàng, dụng cụ sạ hàng, máy phun hạt và máy cấy, với diện tích hơn 12ha. Các mô hình này dù mật độ sạ thấp, từ 40-130kg lúa giống/ha, nhưng hiệu quả sản xuất rất tốt. Từ đó, nông dân có sự so sánh và lựa chọn mô hình giảm giống phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: “Diện tích gieo trồng lúa sử dụng từ 100kg lúa giống/ha trở xuống tại thành phố, chiếm khoảng 15%, còn lại đa phần sử dụng khoảng 100-150kg lúa giống/ha. Việc tăng cường đưa máy móc cơ giới vào phục vụ gieo trồng lúa không chỉ khắc phục tình trạng thiếu nhân công mà còn điều chỉnh chính xác mật độ gieo trồng, giúp tiết kiệm lượng giống ở mức tối đa. Cụ thể, nếu sử dụng máy cấy lúa, nông dân chỉ sử dụng khoảng 40-45kg lúa giống/ha”.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, qua  số liệu điều tra sơ bộ,  tỷ lệ khối lượng giống gieo sạ dưới 100kg/ha trong vụ đông xuân 2017-2018 tại vùng ĐBSCL chiếm khoảng 16% diện tích (đông xuân 2016-2017 là 14,8%), từ 100-150kg/ha chiếm 61,4% diện tích (đông xuân trước là 60%) và trên 150kg/ha chiếm 22,6% diện tích (đông xuân trước là 25,2%). Nhìn chung có sự chuyển biến về việc giảm lượng giống gieo sạ, nhất là giảm ở mức gieo sạ trên 150kg/ha. Lượng giống gieo sạ từ 100-150 kg/ha có xu hướng tăng nhưng vẫn còn biến động lớn giữa các địa phương và giữa các vụ sản xuất. Do vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình giảm lượng giống trong sản xuất lúa, đồng thời xây dựng và nâng cao khả năng  sản xuất, cung ứng giống lúa cấp xác nhận cho sản xuất.

Khó triển khai rộng rãi

Từ năm 2016, Bộ NN&PTNT phát động Chương trình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ/ha ở ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 và ban hành văn bản chỉ đạo số 1334/BNN-TT ngày 24-2-2016 về giảm lượng giống gieo sạ tại ĐBSCL. Mục tiêu đến 2018, 13 tỉnh, thành trong vùng có lượng hạt giống gieo sạ từ 80 - 90 kg/ha đạt trên 70% diện tích canh tác, trong đó có 8 tỉnh, thành gieo sạ từ 80 - 90 kg/ha đạt trên 90% diện tích canh tác. Đến 2019, lượng hạt giống gieo sạ từ 80 - 90 kg/ha đạt trên 85% diện tích canh tác của vùng, trong đó có 8 tỉnh, thành gieo sạ từ 80 - 90 kg/ha đạt trên 90% diện tích canh tác. Đến năm 2020, tất cả 13 tỉnh, thành có lượng hạt giống gieo sạ trung bình 80 kg/ha. Theo Bộ NN& PTNT, nếu toàn vùng ĐBSCL đến năm 2020 giảm lượng giống gieo sạ trung bình còn 80 kg/ha sẽ tiết kiệm được khoảng 300 nghìn tấn hạt giống lúa (tương đương với 4.500 tỉ đồng). Giảm giống cũng là khâu quan trọng  giảm chi phí đầu vào trong sản xuất lúa, đồng thời làm cơ sở cho giảm các phí khác như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập của người trồng lúa.

Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT phối hợp các địa phương triển khai Dự án xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại 11 tỉnh thuộc ĐBSCL và Nam Trung bộ. Theo đó, năm 2017, triển khai xây dựng 330ha mô hình giảm lượng giống, với có 393 hộ dân tham gia thực hiện gieo sạ 80kg/ha. Có 9 tỉnh ĐBSCL tham gia gồm: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.  Kết quả, qua 2 vụ sản xuất, năng suất lúa trung bình của hộ dân tham gia mô hình đạt 6 tấn/ha, cao hơn 0,44 tấn/ha so với năng suất lúa của hộ dân ngoài mô hình. Chi phí sản xuất giảm hơn 3,58 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình nhờ giảm giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Nông dân tham gia mô hình có lợi nhuận cao hơn bình quân hơn 6,34 triệu đồng/ha/vụ so với nông dân ngoài mô hình.

Theo khuyến cáo của các cơ quan nghiên cứu và nhà khoa học, lượng giống phù hợp để đạt hiệu quả cao trong sản xuất lúa từ 80-100kg lúa/ha. Lượng gieo này không chỉ giúp tiết kiệm giống mà còn giúp cây lúa phát triển tốt giảm sâu bệnh, hạn chế đổ ngã và góp phần làm tăng năng suất. Dù thấy được lợi ích, nhưng thực tế để giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa vẫn còn nhiều khó khăn. Bà Trần Thị Thu Sương ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Trước đây, tôi sử dụng từ 22 -25kg lúa giống để gieo sạ cho mỗi công lúa. Qua khuyến cáo của ngành nông nghiệp và nhận thấy việc gieo sạ lúa dày quá cũng không tốt,  tôi đã sử dụng khoảng 20kg lúa giống cho mỗi công tầm lớn 1.300m2. Tôi cũng muốn giảm thêm lượng giống gieo sạ nhưng sợ lúa lên không đều, phải giặm lúa. Hiện, chi phí để thuê nhân công giặm lúa ở mức 180.000-200.000 đồng/ngày nhưng đôi lúc rất khó tìm người làm”.

Ngoài ra, nhiều nông dân chưa có điều kiện đưa cơ giới vào gieo cấy lúa, yếu tố giúp giảm mạnh  lượng giống sử dụng, nên gieo sạ lúa bằng tay vì vậy rất khó điều chỉnh mật độ gieo sạ. Bên cạnh đó, chất lượng lúa giống bán trên thị trường cũng chưa bảo đảm tốt về tỷ lệ nẩy mầm nên nông dân chưa an tâm giảm lượng giống gieo sạ. Một bộ phận nông dân cũng chưa quan tâm thực hiện khâu làm đất, tạo bề mặt ruộng lúa bằng phẳng để khi gieo sạ lúa lên đồng đều và ít bị hao hụt…


Có thể bạn quan tâm

dt-100-dung-top-5-giong-lua-tot-nhat ĐT 100 đứng TOP 5… dua-giong-dua-xiem-len-nui Đưa giống dừa xiêm lên…