Mô hình kinh tế Cần Mẫn Nghề Nuôi Ong

Cần Mẫn Nghề Nuôi Ong

Ngày đăng 14/01/2015

Được thiên nhiên ưu đãi với thảm thực vật phong phú, Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) trải rộng trên 12 nghìn ha cùng cây trái bốn mùa tốt tươi là nguồn thức ăn dồi dào, thuận lợi cho nghề nuôi ong mật phát triển. Chính vì thế nghề nuôi ong từ xưa đã xuất hiện rải rác trong các hộ dân của các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường.

Tuy nhiên, ban đầu sản phẩm làm ra chỉ để phục vụ trong phạm vi gia đình hoặc bán lẻ ở địa phương vì số lượng ít, chưa được xem như một phương thức làm kinh tế. Đến nay, nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới nghề nuôi ong có bước phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng, các sản phẩm từ ong, đặc biệt là mật đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Để đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa, nhiều hộ dân ở các xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy đã sưu tầm tài liệu tìm hiểu kỹ thuật nuôi ong và mời chuyên gia của Viện Khoa học nông nghiệp (Bộ NN và PTNT) về hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ quản lý, chăm sóc đàn ong, cách tạo ong chúa, chia đàn, phòng trị bệnh cho ong cũng như cách xây dựng tổ ong, chế biến thức ăn bổ sung, tìm hiểu về nguồn hoa nuôi ong, cách thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm ong… để có thể khai thác tối đa nguồn hoa của địa phương và phát triển đàn ong một cách bài bản, khoa học.
Đặc thù của loài ong là tự nhân đàn nên ong sinh sản rất nhanh. Nếu chăm sóc tốt, sau một năm, một đàn có thể tách ra thành 4-5 đàn, tất cả những sản phẩm của ong đều có thể bán như: Mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, phấn hoa... nên nghề nuôi ong vốn được coi là nghề “một vốn bốn lời”.
Vốn đầu tư cho nghề nuôi ong không nhiều, cũng không tốn sức lực như làm ruộng mà chỉ “kén” sự khéo léo, cần mẫn của người nuôi vì chăm ong phải cẩn trọng như chăm con mọn. Để nuôi được ong mật, ngoài kỹ thuật căn bản, ổn định nguồn thức ăn cho ong, người nuôi còn phải “tinh ý” trong chọn ong chúa chất lượng để tạo ra được nguồn ong thợ giỏi. Hằng ngày phải kiểm tra thùng ong để bảo đảm chúng lấy đủ phấn, khỏe mạnh, thường xuyên đảo cầu để mật lên đều.
Quá trình nuôi phải chú ý chăm sóc, nuôi dưỡng ong sau chu kỳ lấy mật; bảo đảm vệ sinh chuồng trại, thùng nuôi và môi trường kiếm sống của đàn ong để bảo vệ ong cũng như chất lượng mật. Vào thời điểm quay mật, người nuôi ong sẽ phải làm việc cật lực suốt đêm, bởi việc lấy mật phải diễn ra thật nhanh để sớm ổn định môi trường “tổ” cho ong “an cư” không gây xáo trộn đàn.
Theo ước tính của các “chuyên gia” trong CLB nuôi ong xã Giao An, mỗi hộ gia đình nuôi một thùng ong thì có đủ mật ăn quanh năm, nuôi đến thùng thứ 2 thì có mật biếu anh em, bạn bè, còn khi nuôi đến thùng thứ 3 thì đã có mật cung ứng ra thị trường.
Đến nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm hộ nuôi ong mật tập trung chủ yếu ở các xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy và các xã Xuân Hòa, Xuân Vinh (Xuân Trường) với sản lượng mật thu hàng nghìn tấn mỗi năm. Nhiều người nuôi có điều kiện về kinh tế, sức khỏe đã “du mục” cùng đàn ong khi các mùa hoa trong tỉnh đã hết, đưa ong đến những vùng có nhiều thức ăn như mùa hoa nhãn, mùa hoa vải, mùa cà phê… để thu mật đạt thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Anh Phạm Văn Chinh, xã Xuân Hòa (Xuân Trường) là một trong những chủ nuôi ong lớn, với 1.000 - 1.200 thùng ong quanh năm rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc theo những mùa hoa. Bén duyên với nghề nuôi ong từ rất sớm, anh luôn trăn trở tìm tòi, học hỏi kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng mật và chế biến các sản phẩm từ ong.
Năm 2000, anh khởi động việc di chuyển đàn ong đến những vùng có hoa như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang… Càng làm càng ham bởi hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần nuôi ong nội tỉnh, địa bàn di chuyển ngày càng mở rộng tận Lâm Đồng, Đắc Lắc, Bình Phước, Gia Lai…
Anh Chinh cho biết: Một năm có 3 vụ thu hoạch mật ong, mỗi vụ gắn với một số loại hoa. Mùa xuân, ong thường đi hút mật hoa vải, hoa nhãn, chất lượng mật tốt nhất. Mùa hè, ong chủ yếu tìm về các bãi bồi ven sông, ven biển để tìm hoa sú, hoa vẹt; mùa thu, mùa đông là hoa cà phê, cao su, hoa bắp, hoa điều, hoa táo, hoa đay… Mỗi chuyến đi anh đều ghi chép cẩn thận, chi tiết mùa vụ ra hoa của từng loại cây ở các vùng.
Một năm, anh cùng đàn ong di chuyển đến 10 - 15 tỉnh. Không chỉ tốn kém công sức, tiền của, quá trình di chuyển đàn ong còn đòi hỏi người nuôi phải tính toán thời gian hợp lý để tránh thời điểm người trồng cây phun thuốc kích thích ra trái, đậu quả hoặc diệt sâu bệnh, gây hại cho đàn ong. Hiện tại với 1.200 thùng ong, trung bình mỗi năm, anh sản xuất từ 40 - 60 tấn mật ong; 3,5 - 4 tấn phấn hoa và 2 tạ sữa ong chúa chất lượng cao. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm anh có thu nhập trên dưới một tỷ đồng từ nghề nuôi ong.
Nghề nuôi ong mật đã và đang mở ra một hướng làm giàu cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, thực tế phát triển của nghề cho thấy đây vẫn là sinh kế tự phát của người dân.
Nếu được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện về vốn ưu đãi phát triển sản xuất, trang bị kỹ năng nghề nghiệp và hỗ trợ xây dựng thương hiệu mật ong Nam Định cũng như các chính sách phát triển sản phẩm khác, chắc chắn sẽ tạo bước tiến quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.


Có thể bạn quan tâm

xa-vien-an-soc-trang-phat-trien-mo-hinh-to-hop-tac-bo-sua Xã Viên An (Sóc Trăng)… nguoi-chan-nuoi-chuan-bi-tren-5-000-con-heo-thit-cung-ung-thi-truong-tet Người Chăn Nuôi Chuẩn Bị…