Mô hình kinh tế Cần Nhiều Giải Pháp Đồng Bộ Cho Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Cần Nhiều Giải Pháp Đồng Bộ Cho Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Ngày đăng 12/11/2014

Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – Sóc Trăng năm 2014 khép lại với nhiều thành công của sự kiện lớn mang tầm cỡ khu vực.

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ thì hành trình “giúp hàng chục triệu nông dân ĐBSCL vượt qua thách thức trở thành “doanh nhân nông nghiệp”, làm giàu bằng nghề nông” - như cách nói của ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ vẫn còn nhiều gian nan. Vì vậy, sắp tới đây các tỉnh Tây Nam bộ cần có những sách lược phát triển thỏa đáng hơn, hợp tác, liên kết vùng để cùng nhau phát triển trong giai đoạn mới.

Những năm qua, các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo được nhiều mô hình thành công như “con tôm ôm cây lúa”, chuyển đổi 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa, 1 vụ màu; xây dựng thành công mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” rồi “Cánh đồng lớn” hay “Cách đồng liên kết”.

Điểm nhấn của các mô hình là tạo được mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo gắn với thị trường; liên kết nông dân, nhà khoa học với doanh nghiệp. Ngoài ra, mô hình liên kết trên còn lan tỏa và mở rộng sức ảnh hưởng sang các loại cây trồng và vật nuôi khác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tham dự diễn đàn MDEC - Sóc Trăng năm 2014 thì tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL còn thiếu vững chắc, tiềm năng và lợi thế của vùng chưa được đầu tư, khai thác đúng mức, đúng tầm; kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Việc đầu tư và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tạo ra giá trị gia tăng không cao.

Hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi. Giá trị sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định và có nguy cơ bị thu hẹp diện tích sản xuất do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập, môi trường ngày càng ô nhiễm.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do những cơ chế, chính sách nhằm phát huy lợi thế và tiềm năng vùng ĐBSCL còn thiếu và chưa đồng bộ; sự phối hợp của các bộ, ngành, Trung ương thiếu chặt chẽ trong sự liên kết vùng và liên ngành...

Trước những khó khăn và thách thức đang đặt ra cho ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL, yêu cầu cấp thiết và mang tính tất yếu là phải tăng cường liên kết để đưa ra những cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng và cả nước...

Trong đó, liên kết vùng là một trong những cơ sở quan trọng để tiến hành quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng.

Tạo được sự liên kết vùng vững chắc sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương; hướng đến mục tiêu hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái và xây dựng nông thôn mới, giúp hàng chục triệu nông dân vươn lên khá giàu bằng chính nghề nông.

Theo ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, để thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng được các cơ chế, chính sách trong liên kết vùng thiết thực, hiệu quả, yêu cầu đặt ra là các địa phương vùng ĐBSCL phải xuất phát trên tinh thần tự nguyện, nhận thấy lợi ích của việc liên kết, lấy lợi ích chung, lợi ích của toàn vùng để xác định mục tiêu liên kết, thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản theo hướng tiếp cận vùng, tiếp cận đa ngành.

Nếu không có sự liên kết thì không thể nâng cao năng lực cạnh tranh, không phát huy được lợi thế, tiềm năng của vùng, của từng địa phương, thậm chí còn triệt tiêu lợi thế của nhau. Liên kết vùng không chỉ nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương trong vùng mà còn phát huy lợi thế quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhận định: “Nhìn chung quá trình thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở ĐBSCL diễn ra vẫn còn chậm so với yêu cầu và mong đợi của nhân dân và Chính phủ.

Vì vậy thời gian tới, các địa phương, bộ ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn, đẩy mạnh hơn trong việc thực hiện chủ trương quan trọng này của Đảng và Chính phủ. Đối với ĐBSCL trong quá trình thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần tập trung phát huy cao hơn lợi thế của vùng, phải làm căn cơ hơn để đạt được hiệu quả cao.

Ngay đối với cây lúa cũng phải có cách làm mới để đạt kết quả tốt hơn. Thay vì nỗ lực để gia tăng sản lượng với hi vọng tăng thu nhập cao hơn cho người nông dân thì phải chuyển sang tập trung hướng dẫn nông dân áp dụng những giống mới, có tiềm năng kinh tế, đem lại giá trị cao hơn cho người nông dân”.

Sắp tới đây, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ tích cực cho các hộ gia đình nông dân thì ngành nông nghiệp sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân, hình thành chuỗi sản xuất có hiệu quả và phân phối lợi ích công bằng hơn.

Nguồn bài viết: http://baodongthap.com.vn/newsdetails/1D3FE187B3C/Can_nhieu_giai_phap_dong_bo_cho_tai_co_cau_nong_nghiep_o_dong_bang_song_Cuu_Long.aspx


Có thể bạn quan tâm

chia-se-kinh-nghiem-trong-san-xuat-hoa-kieng-bon-sai Chia Sẻ Kinh Nghiệm Trồng,… nam-2014-kho-dat-muc-tieu-tang-truong-kinh-te Năm 2014, Khó Đạt Mục…