Mô hình kinh tế Căng thẳng vụ đông xuân

Căng thẳng vụ đông xuân

Ngày đăng 11/10/2015

Lũ nhỏ gây khó khăn cho nông dân trong việc vệ sinh đồng ruộng

Vụ ĐX 2015 - 2016 dự báo sẽ tăng chi phí phân bón, thuốc BVTV. Căng thẳng nhất là nước tưới.

Lo sốt vó

Giữa mùa lũ nhưng các huyện đầu nguồn thuộc tỉnh An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ vẫn chưa thấy nước về. Một hiện tượng lạ chưa từng thấy đối với nông dân vùng sông nước Cửu Long.

Mực nước cao nhất đo được ở các trạm thủy văn Tân Châu, Hồng Ngự, Tràm Chim, Trường Xuân so với cùng kỳ những năm trước còn ở mức rất thấp, kém hơn mức trung bình đến cả 1 - 2m.

Nhiều người dân sống trong rốn lũ cho biết: “Năm nào lũ về nhiều thì nguồn thủy sản dồi dào, bà con tha hồ giăng lưới, cắm câu, đặt dớn, kéo vó.

Còn năm lũ nhỏ thì sản vật thiên nhiên sẽ giảm đi, cá tôm ít, thất thu lớn. Nhưng mất mùa tôm, cá chưa đáng lo bằng việc không có lũ sẽ ảnh hưởng lớn đến vụ lúa ĐX, bởi tốn thêm các khoản chi phí SX".

Những ngày này xã Láng Biển, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), nước lũ vẫn không thể vào ruộng để thau chua rửa phèn khiến nông dân rất lo lắng. Vì vậy, huyện đã triển khai lịch thời vụ xuống giống, sớm hơn 5 ngày so với lịch của tỉnh đưa ra (từ 15/10 cho đợt 1).

Ông Ngô Tấn Ngợi, Chủ nhiệm CLB SX lúa giống xã Láng Biển cho biết: “Tôi đã làm ruộng gần 40 năm qua, nhưng chưa thấy năm nào lũ nhỏ như năm nay.

Cắt xong vụ lúa TĐ, các cống bọng đều mở sẵn để đón lũ vào ruộng… nhưng nước vào được ít, chẳng thấm thía. Để xuống giống theo lịch, đành phải dùng máy bơm nước vào ruộng tạo “lũ giả” rồi cày trục rơm rạ”.

Năm nay, nhiều nông dân ở ấp kênh 5B, xã Tân An, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang không xuống giống vụ lúa TĐ 2015, nhằm mục đích giãn vụ, lấy phù sa cải tạo đất.

Thế nhưng, lúa HT đã thu hoạch xong cách đây mấy tháng, mặt ruộng cứ trơ ra như mùa hạn vì lũ không về.

Nông dân phải trục vùi gốc rạ để chuẩn bị xuống giống lúa ĐX do lũ không về .

Nông dân Đỗ Anh Tuấn lo lắng: “Mấy chục năm qua, ở đây chỉ có lũ nhỏ hay lũ lớn, thấp nhất thì nước cũng ngập hết bờ ranh khoảng 1 tháng rồi mới rút đi.

Nhưng năm nay chờ dài cổ cũng chẳng thấy nước phù sa đổ về, ruộng cứ khô như mùa hạn, một hiện tượng lạ chưa từng có.

Từ trước tới nay vụ ĐX nông dân chúng tôi cứ phải chờ lũ rút gần cạn, rồi dùng máy bơm ra để gieo sạ.

Nhưng năm nay không khéo phải bơm vào mới có nước xuống giống nếu trời không có mưa”.

Theo anh Tuấn, để có nước vệ sinh đồng ruộng, nông dân phải bít cống để hứng nước mưa.

Nhưng chỉ những ngày mưa bão liên tục thì nước mới ngập mặt ruộng, sau đó lại khô rang do nắng bốc hơi nhanh.

Không có nước lũ, không chỉ gây khó khăn cho công tác vệ sinh đồng ruộng mà quan trọng nhất là mất nguồn phù sa. Điều đó đồng nghĩa chi phí SX sẽ tăng lên.

“Cha mẹ và mấy anh em tôi làm tất cả 60 công ruộng (gần 9 ha), nếu mỗi công phải tăng thêm vài trăm ngàn tiền phân bón, thuốc BVTV là đã mất thêm mấy chục triệu tiền đầu tư rồi.

Trong khi lời lãi từ vụ lúa hiện nay rất meo. Vụ này tôi đã chuẩn bị sẵn giống lúa thơm Jasmine 85, dài ngày hơn các giống khác, không biết cuối vụ có bị hạn mặn gì không?”, anh Tuấn băn khoăn.

Làm sớm né hạn, mặn

Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT Kiên Giang, vụ ĐX 2015-2016, toàn tỉnh xuống giống 305.000 ha, dẫn đầu các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Dự kiến sẽ gieo sạ tập trung làm 3 đợt, bắt đầu từ 15/10 và dứt điểm trong tháng tháng 12, sớm hơn so với mọi năm khoảng 15 ngày.

Nông dân Đồng Tháp phải bơm nước vào ruộng để chuẩn bị xuống giống dù hiện nay đang là mùa lũ.

Ngành nông nghiệp Kiên Giang khuyến cáo nông dân sau khi thu hoạch lúa HT muộn và TĐ thì phải tập trung làm đất, vệ sinh đồng ruộng ngay.

Đồng thời cần nạo vét lại tuyến kênh mương nội đồng, để thuận tiện cho việc bơm tưới cũng như tích nước cho cuối vụ.

Ông Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang nhận định: “Năm nay không có lũ nên tình hình rất căng, nhất là về nguồn nước tưới.

Dự kiến ngày 7/10 Sở sẽ họp với các địa phương để bàn kỹ lịch xuống giống, trong đó sẽ tập trung gieo sạ vào đợt 1 và đợt 2 (tháng 10 và tháng 11), nơi nào khó khăn lắm mới để qua đợt 3 nhằm tránh hạn, mặn lúc cuối vụ”.

Tại Đồng Tháp, lịch xuống giống lúa ĐX cũng sớm hơn mọi năm. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Đồng Tháp cho biết, năm nay ĐBSCL xem như không có lũ, gây khó khăn cho nông dân cả về mặt đời sống mưu sinh cũng như SX lúa, do không có phù sa bồi đắp, nguy cơ dịch hại trong mùa vụ tới là điều khó tránh khỏi.

Vụ lúa ĐX này tỉnh có kế hoạch SX 205.000 ha, dự kiến lịch thời vụ xuống giống sẽ sớm hơn so với mọi năm và chia thành 3 đợt chính: Đợt một 15/10, đợt hai 15/11, đợt ba 15/12 sẽ kết thúc xuống giống của tỉnh.

Đến thời điểm này có một số địa phương đã xuống giống nhưng diện tích chưa lớn, vài tuần nữa diện tích xuống giống sẽ lên hàng trăm ha.

Trước tình hình không có lũ, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên nôn nóng mà phải tuân thủ theo đúng lịch thời vụ.

Nhiều nơi nông dân phải xuống giống sớm lúa ĐX do lũ không về

Nhằm hạn chế tối đa về sâu bệnh cho vụ ĐX, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân cần vệ sinh đồng ruộng, sang bằng mặt ruộng bằng tia laser, sử dụng giống xác nhận.

Còn đối với những nơi không có lũ vào tới ruộng người dân cần xử lý rơm rạ thật kỹ, cày xới đất và bón vôi trước khi xuống giống.

Theo bà Ánh, tâm lý nông dân thấy năm nào lũ nhỏ là lo lắng phải bón phân và phun thuốc thật nhiều như vậy mới đảm bảo năng suất.

Nhưng nhiều khi lại phản tác dụng, làm gia tăng dịch bệnh.

Nông dân nên bình tĩnh, xem xét tình hình thức tế của đồng ruộng phát triển ra sao để bón phân cân đối, áp dụng các biện pháp như “3 giảm 3 tăng”; “1 phải 5 giảm” để giảm chi phí phát sinh mà vẫn đảm bảo năng suất trong vụ mùa.

Tại An Giang, năm nay tỉnh này có kế hoạch cắt vụ để thực hiện xả lũ tràn đồng, lấy phù sa cho 156.000/234.000 ha canh tác. Thế nhưng lũ không về, đành phải cho xuống giống sớm.

Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết: “Lũ nhỏ sẽ làm tăng chi phí cho nông dân khoảng 3-5%.

Việc canh tác phải khéo léo và quản lý dịch hại sẽ khó khăn hơn so với những mùa vụ trước.

“Lũ lớn gây thiệt hại, khó khăn cho bà con. Nhưng lũ nhỏ cũng có thiệt hại của nó, bởi cá tôm không lên ruộng thì lấy gì đánh bắt, thả nuôi…

Còn người làm lúa cũng sẽ khó khăn, bởi họ không rửa được ruộng sau 3 vụ mùa của năm còn để lại dư lượng phân, thuốc và mầm mống sâu bệnh. Và tất nhiên, phù sa không có cho đồng ruộng thì cũng là một thiệt thòi đáng kể” ông An nói.


Có thể bạn quan tâm

xay-dung-thuong-hieu-cho-lua-chat-luong-cao Xây dựng thương hiệu cho… tren-200-to-doi-san-xuat-giong-lua-giong-dien-tich-tren-10-000-hec-ta Trên 200 tổ, đội sản…