Dừa Cảnh báo mối hiểm họa của việc nuôi đuông dừa

Cảnh báo mối hiểm họa của việc nuôi đuông dừa

Tác giả Nguyễn Thị Nguyệt - Chi cục Bảo vệ thực vật, ngày đăng 14/09/2018

Đuông dừa là loài côn trùng gây hại phổ biến trên các vườn dừa, nhất là các vườn dừa tơ. Gần đây trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã phát hiện một số hộ nuôi Đuông dừa với mục đích kinh doanh vì đuông dừa là món ăn cao cấp được bán trong các nhà hàng. Đây là một việc làm rất nguy hiểm cần được sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Đuông dừa (Rhynchophorus ferrugineus Olivier) thuộc họ vòi voi (Curculionnidae), bộ cánh cứng (Coleoptera) phân bố rất rộng trên thế giới, tại các nước châu Á chúng xuất hiện, gây hại hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam. Đuông dừa là loài dịch hại nguy hiểm trên cây dừa, khó phòng trừ nên bị nghiêm cấm nhân nuôi, buôn bán dưới mọi hình thức theo Điều 7 của Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2001 quy định rõ: “Nghiêm cấm mọi hành vi gây hại tài nguyên thực vật, sức khỏe nhân dân, môi trường và hệ sinh thái”. Ngày 27 tháng 9 năm 2013 Cục Bảo vệ thực vật đã có công văn số 1955/BVTV-QLSVGHR  về việc nghiêm cấm việc nhân nuôi đuông dừa dưới mọi hình thức.

Trưởng thành đuông dừa là bọ vòi voi có kích thước khá to, chiều dài 35-40mm, có màu nâu đỏ nhạt, trên cánh có sọc nâu đen chạy song song, phần đầu có nhiều chấm. Phía đầu có một vòi dài, cong, miệng nhai ở đầu vòi, đầu vòi chiếm 1/3 chiều dài của thân. Trưởng thành cái có thể đẻ từ 300-500 trứng. Trứng màu trắng sữa, bóng, dài 2,5mm. Ấu trùng mới nở có màu trắng, là loại sùng không chân, khi đẩy sức có màu vàng nhạt với đầu màu nâu, chiều dài ấu trùng từ 40-50mm. Ấu trùng đẩy sức hóa nhộng trong kén. Vòng đời trung bình khoảng 80-100 ngày, trong đó thời gian trứng 3-5 ngày, sâu non 50-70 ngày, nhộng 15-20 ngày. Trưởng thành có thể sống tới 3-4 tháng. Thành trùng và sâu non đều có thể gây hại trên dừa, nhưng tác hại chính là do sâu non gây ra. Thường gây hại bằng cách đẻ trứng vào lổ kiến vương đã đục, trứng nở ra sâu non phá hại. Phá chủ yếu là tàu hủ, xâm nhập ở đọt và ăn dần xuống thân. Đuông dừa ăn tạo ra tiếng động “rào rào” như tiếng máy chà lúa bên trong thân cây. Trong cây bị hại thường có nhiều sâu non. Tàu hủ dừa bị tấn công nặng sẽ làm cây dừa chết.

Trong quá trình nuôi, thành trùng đuông dừa có khả năng bay ra ngoài và phát tán lây lan là điều không thể tránh khỏi. Để ngăn chặn việc nhân nuôi, buôn bán đuông dừa, đảm bảo an toàn sinh trưởng, phát triển của cây dừa, Cục Bảo vệ thực vật đã đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra các hộ nuôi đuông dừa, thu gom để tiêu hủy toàn bộ, xác định rõ nguồn gốc giống đuông dừa các hộ dân đang nuôi xử lý đúng luật pháp hiện hành. Trường hợp nhập khẩu giống côn trùng sống, các tổ chức hoặc cá nhân phải tuân thủ quy định tại Thông tư 39/2012/TT-BNNPTNT ngày 13/8/2012 và Thông tư 40/2012/TT-BNNPTNT ngày 15/8/2012 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Chính vì mối nguy hiểm của loài dịch hại này nên mọi người đều phải nắm được quy định cấm nhân nuôi, buôn bán dịch hại nói chung, đuông dừa nói riêng để thực hiện đúng pháp luật.


Có thể bạn quan tâm

bo-dua-thiet-hai-va-phong-tri Bọ dừa - thiệt hại… mot-so-van-de-can-quan-tam-trong-canh-tac-dua-uong-nuoc Một số vấn đề cần…