Cảnh Giác Với "Cò" Vay Vốn Theo Nghị Định 67
Những ngày này khi Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản đang triển khai, thì tại các xã ven biển tỉnh Quảng Ngãi đã xuất hiện những người môi giới “tư vấn” ngư dân để vay nguồn vốn này nhằm trục lợi. Do vậy, ngư dân cần cảnh giác…
Khi hỏi chuyện về “cò” vay vốn đóng tàu, ông Phan Như Huỳnh – Giám đốc HTX đóng mới, sửa chữa tàu thuyền và dịch vụ thủy sản Cổ Lũy xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi), cho hay: Có nguồn vốn vay để làm ăn chưa kịp mừng, thì đã có những kẻ làm “cò” xuất hiện.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh thông tin, cách đây khoảng một tuần, khi đang ở cơ sở đóng tàu thì ông nhận được cuộc gọi điện thoại bảo lên thành phố để làm thủ tục vay vốn. Bán tín, bán nghi, tôi lên thành phố thì gặp một nhóm năm người, cả nam lẫn nữ.
Gặp tôi, họ giới thiệu là cán bộ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đóng tại Đà Nẵng, rồi xởi lởi đặt vấn đề là đảm nhận vay 14 tỷ đồng để ngư dân đóng mới một đôi tàu. Thời gian chỉ sau một tuần làm thủ tục là ngân hàng giải ngân ngay, nhưng phải mất chi phí 10% tổng gói vốn vay.
Tuy nhiên, để được nhận vốn vay thì ngư dân phải lập đề án sản xuất, lập dự toán với tổng kinh phí là 14 tỷ đồng, còn họ “sẽ làm những bước tiếp theo”. Khi thủ tục xong xuôi thì bà con phải chi một khoản tiền để tiếp tục làm thủ tục giải ngân. Thấy có điều khuất tất, ông Huỳnh không đồng ý và ra về.
Chuyện được “cò” hỏi thăm vừa làm ông Huỳnh ngán ngẩm thì sáng sớm hôm sau, một nhóm 10 ngư dân tụ tập ở Hợp tác xã đóng mới tàu thuyền Cổ Lũy, nhờ ông làm thủ tục vay vốn. Ông Huỳnh kể: “Bà con nói: “Chú làm giúp tôi tốn kém bao nhiêu cũng được…”.
Thấy bà con chưa hiểu, ông đã bỏ công giải thích cho ngư dân về Nghị định 67 cùng các trình tự thủ tục để vay vốn. Nghe xong, ngư dân đã yên tâm ra về. Cảm nhận chuyện có vẻ bất ổn, ông Huỳnh đã trình báo sự việc với chính quyền các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú để kịp thời thông báo cho ngư dân nâng cao cảnh giác.
Ông Đỗ Hồng Minh – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), cho biết: “Sau khi có thông tin “cò” xuất hiện ở một số nơi, để giúp cho ngư dân không bị mắc lừa những người môi giới, xã đã tiến hành họp dân và hướng dẫn ngư dân đăng ký để được vay nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước”.
Còn ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu (Bình Sơn) thì cho rằng: “Nghe bà con báo cáo, UBND xã triệu tập gấp cuộc họp với các trưởng thôn triển khai ngay việc tuyên truyền chính sách cho vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 đến ngư dân, để bà con cảnh giác, không nghe lời những người lạ mặt, những tay “cò”để rồi bị lừa mất tiền”.
Chuyện xuất hiện “cò” vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, cũng đã làm cho hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh lo ngại. Ông Nguyễn Văn Đông - Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV) Quảng Ngãi cho biết: “Đến nay, Ngân hàng đã ban hành 7 văn bản quy định rõ về chính sách cho vay vốn phát triển thủy sản theo Nghị định 67, hướng dẫn các thủ tục hồ sơ vay vốn đến ngư dân.
Mới đây Ngân hàng cũng đã tổ chức cuộc họp để giới thiệu, hướng dẫn cụ thể, trực tiếp về hồ sơ, thủ tục và trình tự vay vốn theo Nghị định 67 cho bà con nắm rõ. Khi ngư dân hoặc doanh nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt thì ngân hàng sẽ xuống làm việc trực tiếp để hướng dẫn vay, hạn chế tình trạng “cò” như thông tin đã đưa”.
Theo phân bổ của Bộ NN&PTNT, Quảng Ngãi sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi để đóng 189 tàu thuyền, trong đó có 174 tàu cá, 15 tàu dịch vụ hậu cần. Nguồn vốn để đóng mới tàu khá lớn, nhưng các ngân hàng thương mại ở Quảng Ngãi đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngư dân vay vốn. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đăng ký đóng tàu thì sẽ tiến hành cho vay. Do vậy, bà con ngư dân không nên nóng vội, nhờ môi giới làm thủ tục vay vốn dẫn đến bị lừa mất tiền.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ