Tin nông nghiệp Canh tác nấm rơm indoor

Canh tác nấm rơm indoor

Tác giả Đức Toàn, ngày đăng 03/02/2018

Nếu cách đây hai thập niên ông Ngan Muk Keung, nhà đầu tư nước ngoài, miệt mài với việc phát triển nấm rơm từ ngoài đồng để xuất khẩu từ Cần Thơ… nay ông Phan Bá Nghi là người theo đuổi phương pháp trồng nấm trong nhà.

Sản phẩm nấm rơm sạch trong nhà.

Ông Nghi nói phương pháp này chủ động kiểm soát quy trình, tránh tác động từ môi trường, tăng năng suất gấp ba lần so với trồng ngoài trời. Nấm có hình dạng rất đẹp, dù nấm màu đen, khô. Đặc biệt, nấm sạch không có dư lượng hoá chất độc hại. Mười năm qua, ông Phan Bá Nghi thử nghiệm nhiều mô hình trồng nấm trong nhà, từ nguồn meo giống do ông sản xuất (cơ sở meo giống Thần Nông ở quận Ô Môn, Cần Thơ).

Cơ sở meo giống Thần Nông đã đi trước một bước trong việc làm compost nấm rơm với ưu thế: năng suất ổn định ở mức 30% trên rơm khô, thay vì 7% trồng nấm ngoài trời. Compost rơm ủ 15 ngày bổ sung dinh dưỡng trước khi cấy meo giống, 10kg rơm cho 3kg nấm, giá rơm lúc cao nhất khoảng 24.000 đồng/cuộn rơm 12kg. Nấm rơm trồng trong nhà cho sản phẩm nấm khô, hình dạng, màu sắc tươi, đẹp và không bị vi khuẩn xâm nhập, nên ít hư so trồng ngoài trời. Giá thành sản xuất tuỳ theo tay nghề nông dân, bình quân khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg. Nếu kỹ thuật trồng đạt năng suất cao, giá thành càng thấp. Ông Nghi nói: trong tương lai, khi trang bị máy móc vào các khâu trộn, ủ rơm; quạt, kiểm soát điều chỉnh nhiệt độ; thiết bị đo độ ẩm và làm chủ khâu ủ nuôi tơ trong nhà kính, năng suất có thể tăng lên 50 – 60%.

Cây nấm nhạy cảm, dễ nhiễm bệnh, nên chủ yếu phòng bệnh là chính. Khi phát hiện nấm bệnh, biện pháp chủ yếu là cắt nguồn lây bệnh và cách ly mầm bệnh. Muốn làm được điều này cần có kiến thức cơ bản về lý hoá, sinh học. Tuỳ theo loại nấm có sự thoái hoá giống khác nhau. Nấm rơm tuy ít bệnh hơn một số loại nấm khác, nhưng cũng dễ bị lây nhiễm. Quan trọng nhất là công việc phòng chống lây nhiễm trùng meo giống.

Điều quan trọng, theo ông Nghi, cần phát hiện sớm hiện tượng lây nhiễm từ khâu phân lập. Đối với người trồng nấm lâu năm có cảm quan và kinh nghiệm nhận biết, phát hiện sớm qua giác quan mắt, mũi để theo dõi, kiểm soát thường xuyên.

Vào thập niên 1980, cùng với giống meo nấm rơm mới tên Meko do công ty liên doanh Meko (Cần Thơ) du nhập, ông Nghi tìm hiểu, phân lập, kết hợp ưu điểm dòng meo nấm trong nước duy trì giữ được nguồn meo giống tốt. Điểm vượt trội nấm rơm bản địa cho năng suất cao, màu sắc nấm tươi đẹp. Do đó, cùng lúc trên thị trường lúc đó có 4 – 5 loại giống meo nấm, nhưng giống meo Thần Nông vẫn không bị nhiễm, hư. Trong suốt 30 năm qua, tỷ lệ nhiễm rất thấp (0,05%).

Muốn trồng đạt năng suất phải kiểm soát nguyên liệu thật tốt, đảm bảo yêu cầu hệ vi sinh vật phân huỷ tạo tiền chất cho đến khi ra nấm ăn. Từ vi sinh vật phân giải các chất cellulose thành những thức ăn cho nấm ăn. Muốn đạt độ ẩm phải đưa, tạo hiếm khí oxy và khi ủ không cần ánh sáng.

Hiện nay, nấm rơm trồng trong nhà và ngoài trời có giá trị chênh lệch khoảng 20.000 đồng/kg. Tại TP.HCM nấm rơm sạch có giấy kiểm nghiệm chứng thực không dư lượng thuốc trừ sâu, bán cao nhất 100.000 – 120.000 đồng/kg. Nấm rơm trồng ngoài trời dao động 50.000 – 75.000 đồng/kg. Tại cơ sở Thần Nông, loại nấm rơm sạch luộc, đóng gói, cấp đông bán 290.000 đồng/kg; nấm rơm tươi đóng gói, cấp đông 240.000 đồng/kg.

Nấm tươi sau 24 giờ không bảo quản kịp thời sẽ bị hư. Sau khi thu hoạch, sơ chế làm nấm muối hoặc chế biến đóng hộp với thời hạn bảo quản lâu hơn để xuất khẩu. Hơn 20 năm trước, sản lượng nấm rơm ở đồng bằng sông Cửu Long tăng lên 50.000 – 70.000 tấn/năm. Nấm nội tiêu không đáng kể, thị trường xuất khẩu chủ yếu Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Ý… với chất lượng cạnh tranh không thua kém sản phẩm cùng loại với các nước trong khu vực, ông Nghi nói về thời cực thịnh.

Đến những năm gần đây tuy nghề trồng nấm phục hồi, nhưng thị trường xuất khẩu giảm sút bởi nhiều nguyên nhân: giá thành cao, sản xuất manh mún; thu gom rơm, vận chuyển xa, chi phí cao; thiếu cập nhật, tập huấn tiến bộ kỹ thuật nên trồng nấm năng suất thấp, không hiệu quả. Người trồng nấm chủ yếu sản xuất bán ra các chợ nội địa.

Nấm rơm một thời được xem là cây xoá đói giảm nghèo, nông dân tận dụng rơm rạ ngoài đồng trong mùa nông nhàn gia tăng nguồn thu, tạo giá trị kinh tế tăng thêm. Theo các chuyên gia kinh tế, tiềm năng nghề trồng nấm ở nước ta còn lớn, do nguồn rơm tại đồng bằng lên tới vài chục triệu tấn, nếu được sử dụng đúng cách có thể tạo ra giá trị trên 1 tỷ USD. Vấn đề đặt ra là ai sẽ giúp bổ trợ kiến thức, nâng cao kỹ thuật hoặc chuyển đổi công nghệ, để nấm rơm trở thành mặt hàng có sức cạnh tranh?

“Khi chuyển mô hình từ ngoài đồng vô trong nhà, thực ra chi phí đầu tư 20 triệu đồng là có thể làm được, nhiều nông hộ nghèo còn thấy khó, nhưng nếu rót vốn mà không đổi mới cách làm, không tái đào tạo, không tách người trồng ra khỏi thế giới hoá chất và hướng họ tới quy trình sản xuất an toàn hơn, sạch hơn, chủ động hơn, thì vốn liếng rồi sẽ tiêu tan hết.


Có thể bạn quan tâm

ky-thuat-trong-cay-nap-am-vua-lam-canh-vua-diet-muoi-mua-he Kỹ thuật trồng cây nắp… ky-thuat-trong-cay-hoa-hong-xanh-va-y-nghia-so-luong-tung-bong-tang-ngay-valentine Kỹ thuật trồng cây hoa…