Cao su gió đã đổi chiều
Nhớ thời cao su “sốt” giá
Cách đây 6-7 năm, khi giá cao su tăng liên tục thì giá đất trồng cao su cũng liên tục tăng, lúc đỉnh điểm lên đến 700 triệu đồng/héc ta cho vườn cao su một năm tuổi.
Tại các tỉnh Đông Nam bộ, nhiều người dân cũng đã làm giàu từ việc mua đi bán lại các vườn cao su.
Theo ông Lương Văn Nam, chủ một vườn cao su 5 héc ta ở Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, trước năm 2008, giá đầu tư 1 héc ta cao su khoảng 150 triệu đồng; công chăm sóc thời gian đầu đến khi thu hoạch khoảng 15 triệu đồng/năm.
Khi giá mủ cao su liên tục tăng, từ 40 triệu đồng/tấn lên 60 triệu, rồi 80 triệu và đỉnh điểm là 117 triệu đồng/tấn (tháng 2/2011), nhiều người từ TP.
Hồ Chí Minh bắt đầu một cuộc săn tìm mua vườn cao su.
Theo tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), năng suất trung bình của vườn cao su ở Đông Nam bộ vào khoảng 2 tấn mủ/héc ta.
Với giá trên 100 triệu đồng/tấn, người dân nhận thấy đầu tư vào cao su chỉ có lãi chứ không lỗ.
Nhiều người trồng điều cũng đã chuyển sang trồng cao su.
Họ tính toán: doanh thu từ bán hạt điều khoảng 25 triệu đồng/héc ta, nếu bán vườn điều thì cũng chỉ có giá tầm 100 triệu đồng/héc ta, và họ đã chọn cách chặt cây điều chuyển sang trồng cao su để chỉ sau một năm, họ có thể bán vườn cao su với giá 500 triệu đồng/héc ta.
Do vậy, đã có rất nhiều người chặt bỏ cây điều để chuyển sang trồng cao su với hy vọng sẽ tăng thu nhập từ “vàng trắng”.
Ước tính của Cục Trồng trọt, trong khoảng thời gian này, mỗi năm có khoảng 15.000 héc ta điều bị chặt bỏ để trồng cây khác mà chủ yếu là cây cao su.
Tuy nhiên, sau đó giá mủ cao su trên thị trường thế giới giảm liên tục, đến tháng 8/2014 chỉ còn 30 triệu đồng/tấn, và nay chỉ còn trên dưới 27 triệu đồng/tấn.
Theo VRG, mức giá hiện nay thấp hơn cả chi phí đầu vào nên thu hoạch càng nhiều càng lỗ.
Nay kẻ bán tháo, người tái canh
Một làn sóng bán vườn cao su đã và đang diễn ra, cũng ồn ã như thời cao su sốt giá, chỉ khác là lúc trước, một người bán có đến chục người hỏi mua, còn nay, người rao bán thì nhiều, người mua thì ít.
Điều đáng chú ý là trong những mẩu rao bán vườn cao su, người ta lấy địa chỉ ở TP.
Hồ Chí Minh để giao dịch và không quên tranh thủ quảng cáo đất vườn là khu đất đỏ bazan, thích hợp trồng các loại cây như hồ tiêu, các loại cây ăn trái...! Mỗi héc ta vườn cao su được rao bán với giá vài trăm triệu đồng, tùy vị trí.
Có những vườn được rao giá 400-500 triệu đồng/héc ta, nhưng nếu người mua khéo thương lượng cũng có thể mua được với giá trên 300 triệu đồng/héc ta kèm điều kiện là phải mua hết cả vườn rộng 5-10 héc ta.
Bên cạnh sự tháo chạy khỏi cây cao su, một số người lại quyết định tái canh.
Ông Lương Văn Nam cho biết ông chặt bỏ một nửa diện tích cây cao su để tái canh.
Đây là phần diện tích cho năng suất thu hoạch chỉ khoảng 1 tấn mủ/héc ta.
Trong khi nhiều người đang xem cao su như một thứ “bệnh dịch” thì ông Nam lại không nỡ từ bỏ loại cây đã giúp ông khởi nghiệp từ một công nhân cạo mủ thuê.
Tính từ lúc tích lũy tiền mua đất trồng cao su đến nay, ông đã có mấy chục năm ăn ngủ với cây cao su và trải qua nhiều “cung bậc cảm xúc” khác nhau với nó.
Cũng chính cây cao su đã cho ông một cuộc sống đầy đủ, giúp ông nuôi con cái đến trường...
Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), hiện tại, diện tích cao su của Việt Nam đã đạt gần 1 triệu héc ta, vượt quá quy hoạch của Chính phủ, trong đó, một phần đáng kể đã đến giai đoạn chặt bỏ để tái canh hoặc chuyển sang trồng cây khác.
Theo tính toán của VRA, trong những năm tới, mỗi năm sẽ có từ 15.000-30.000 héc ta, thậm chí có thể lên đến 48.000 héc ta cao su quá tuổi khai thác phải chặt bỏ để tái canh hoặc chuyển đổi cây trồng.
VRA cũng khuyến khích người trồng cao su tái canh vào thời điểm này.
Khác với việc tái canh cà phê, trong quá trình tái canh chờ thu hoạch người dân không biết lấy thu nhập từ đâu, việc tái canh cây cao su có thể mang lại cho người trồng cao su một khoản tiền khá lớn.
Bà Hoa cho biết, hiện giá gỗ cao su sau thời kỳ khai thác mủ có thể mang lại cho người trồng khoảng 100-140 triệu đồng/héc ta, trong khi suất đầu tư trồng mới cây cao su đến khi khai thác trong thời gian 6-8 năm vào khoảng 70-100 triệu đồng/héc ta, người tái canh cao su vẫn còn dư một khoản để chi phí sinh hoạt gia đình.
Cũng theo bà Hoa, việc chặt bỏ vườn cao su già để tái canh sẽ làm giảm nguồn cung trước mắt, qua đó có thể tác động phần nào đến việc tăng giá cao su thiên nhiên trong tương lai gần.
Chứng chỉ quản lý rừng
Hiện tại, nguồn gỗ cao su của Việt Nam chủ yếu để xuất khẩu.
Lâu nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cao su vẫn chưa chú ý đến nguồn gốc sản phẩm, trong khi các thị trường nhập khẩu có khuynh hướng đòi hỏi chứng minh nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm liên quan đến gỗ.
Do đó, về lâu dài, gỗ cao su xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn nếu không có chứng chỉ quản lý rừng.
Theo NEPcon(*), các nhà nhập khẩu EU luôn đòi hỏi thông tin về chuỗi cung ứng, trong đó tập trung vào tính hợp pháp của gỗ.
EU định nghĩa “khai thác hợp pháp là khai thác tuân thủ các quy định pháp luật tại quốc gia khai thác”.
Những sản phẩm phải tuân thủ quy định là những sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ như giấy, bìa cứng, sợi gỗ hoặc gỗ, và được nhận dạng dựa trên mã hải quan của EU.
Cũng theo NEPcon, gỗ cao su xuất khẩu của Việt Nam thường dưới dạng gỗ sơ chế để làm các loại ván ép, bao bì carton...
Từ kinh nghiệm, NEPcon cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải thể hiện với khách hàng rằng doanh nghiệp thực thi trách nhiệm với sản phẩm, cho phép và hỗ trợ khách hàng hoặc đại diện của khách hàng trong việc đánh giá sản phẩm và chấp nhận để một bên thứ ba, độc lập, kiểm tra, qua đó phát đi thông điệp doanh nghiệp là nhà cung cấp sản phẩm ít rủi ro nhất.
(*) NEPcon là một tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực đào tạo và chứng nhận nông nghiệp bền vững, biến đổi khí hậu, hỗ trợ chứng minh tính hợp pháp của ngành sản xuất gỗ ở châu Âu, Nga và các nước Đông Nam Á.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ