Cấp thiết nuôi tôm tập trung
Thực trạng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đang đặt ra vấn đề cấp thiết là nuôi tôm tập trung để đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và khắc phục ô nhiễm môi trường.
Nuôi tôm tập trung ở khu vực Bờ Thành, thôn Thanh Tam Tây, xã Cẩm Thanh (Hội An). Ảnh: Việt Quang
Tiền đề
Với 40ha diện tích nuôi tôm, UBND xã Cẩm Thanh đã tham mưu UBND TP.Hội An quy hoạch thành 3 vùng tập trung, phân bố ở các khu vực Bờ Thành (thôn Thanh Tam Tây), Ô Rô (thôn Thanh Nhứt) và Biền Lăng (thôn Cồn Nhàn). Thời điểm này, người nuôi tôm trên địa bàn xã Cẩm Thanh tất bật vào vụ, trễ hơn 2 tháng so với lịch mùa vụ được Sở NN&PTNT ban hành. “Các đợt rét lạnh vào tháng 2 và tháng 3 rất dễ khiến cho tôm chết hàng loạt do mới thả nuôi, sức đề kháng còn yếu. Mỗi vụ nuôi tôm chỉ kéo dài tối đa 3 tháng nên đến tháng 4 này chúng tôi mới thả nuôi vụ 1 và sẽ kết thúc vụ 2 khi hết tháng 9 là thời điểm chưa có lũ lụt” - ông Trần Văn Vinh, tổ trưởng tổ nuôi tôm tập trung Bờ Thành nói. Trên tổng diện tích 14ha nuôi tôm tập trung ở Bờ Thành, 12 hộ tham gia sản xuất bố trí 1 ao chứa lắng chung (1ha) và 1 ao xử lý nước thải chung (1ha) cho toàn bộ vùng nuôi. Phần diện tích còn lại, mỗi hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên 3 ao nuôi có tổng diện tích 1ha.
“Nuôi tôm tập trung thì trúng đều hoặc thua cả. Bởi vậy, trách nhiệm chung của chúng tôi là phải dốc sức đầu tư ao chứa lắng để xử lý nước sạch trước khi nuôi và ao xử lý nước thải để tập trung nước xử lý trước khi cho chảy ra sông” - ông Vinh nói. Cũng chính vì thế, tình trạng “cha chung không ai khóc” chưa xảy ra ở vùng nuôi tôm tập trung Bờ Thành. Cả 12 hộ phối hợp nhịp nhàng với nhau trong suốt quá trình nuôi tôm 3 tháng, từ cải tạo ao nuôi, mua tôm giống, đồng loạt thả nuôi, chăm sóc theo quy trình sạch bệnh cũng như xử lý tình huống phát sinh và thu hoạch tôm.
Anh Nguyễn Tấn Dũng - hộ nuôi tôm ở Bờ Thành cho biết, để nuôi tôm đạt kết quả, các hộ cùng vào Ninh Thuận mua tôm giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm dịch tốt. Trước đó, cả 12 hộ phối hợp hút nước ngầm cho vào ao chứa lắng để xử lý, đảm bảo nguồn nước sạch. “Người nuôi tôm các nơi đầu tư lót bạt trong ao nuôi để đảm bảo môi trường nước. Còn chúng tôi không lót bạt cho ao nuôi nhưng nguồn nước vẫn đảm bảo vì đáy ao không có bùn, nước nhỉ lên bề mặt không chứa mầm bệnh và bờ ao rất chắc chắn, không thẩm lậu nước từ bên ngoài vào” - ông Trần Văn Vinh nói.
Ông Huỳnh Xuân Tranh - cán bộ phụ trách thủy sản Ban Nông nghiệp xã Cẩm Thanh cho biết, ở vụ 2 nuôi tôm nước lợ năm 2017, cả 12 hộ nuôi tôm tập trung ở khu vực Bờ Thành đều trúng đậm. Đặc biệt, trong suốt quá trình nuôi, tôm không hề hao hụt. Ở mỗi ao, người nuôi thả 33 vạn con tôm giống thì thu hoạch được 3,3 tấn tôm thương phẩm, cỡ tôm lúc bán khoảng 100 con/kg. Đây là điều hiếm gặp khi tỷ lệ tôm sống gần như đạt 100%.
Hướng đi bền vững
Bàn về câu chuyện nuôi tôm ở vùng đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, trong điều kiện nuôi tôm trên cát không được gia hạn thêm thời gian, sẽ kết thúc vào cuối năm 2018 này, tỉnh sẽ tập trung nuôi tôm ở vùng triều. Bài toán phải giải quyết là hạ tầng nuôi tôm ở đây quá sơ sài, dẫn đến tôm rất dễ nhiễm bệnh, chết hàng loạt, lây lan thành dịch; tôm thương phẩm khó đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu, thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm; ô nhiễm môi trường do xả thải không qua xử lý. “Phải tích tụ ruộng đất, gom về từng đầu mối để nuôi tôm tập trung. Một mặt tỉnh hỗ trợ, khuyến khích thành viên trong các tổ hợp tác, hợp tác xã đầu tư kinh phí kiện toàn lại hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung. Mặt khác, tỉnh thu hút đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư lại hạ tầng để nuôi tôm tập trung” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng, Quảng Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sâu rộng nghề nuôi tôm nước lợ. Thực trạng nuôi tôm manh mún, nhỏ lẻ vào thời điểm này là rất đáng tiếc, cần tái cơ cấu mạnh mẽ. Trong chuyến công tác mới đây ở miền Nam, cán bộ ngành thủy sản tỉnh đã tham quan, chứng kiến bước tiến vượt trội trong đầu tư nuôi tôm của các doanh nghiệp.
Ngành chức năng sẽ giới thiệu, phổ biến nhiều mô hình nuôi tôm mới mẻ, hiệu quả, trong đó có thể ứng dụng ngay mô hình nuôi tôm qua 2 giai đoạn. Quá trình nuôi tôm này rất bài bản, chặt chẽ. Ở giai đoạn đầu, tôm được ương nuôi trong ao ương được che chắn cẩn thận, tiến hành khoảng 20 - 30 ngày nhằm tránh tác động của thời tiết và các yếu tố khác từ bên ngoài. Thời điểm đó, các ao nuôi tôm thương phẩm được bố trí sẵn liền kề đã được kiểm soát chặt chẽ yếu tố môi trường nước sẽ tiếp nhận tôm giống sau khi ương để quá trình nuôi tôm thương phẩm được bắt đầu ở giai đoạn 2.
Tùy theo điều kiện hạ tầng ao nuôi ở vùng nuôi tôm tập trung, có thể thâm canh nuôi tôm với mật độ 100 con/m2 hoặc lên đến 200 - 300 con/m2. Qua 80 - 100 ngày nuôi, tôm có thể đạt đến kích cỡ 40 - 60 con/kg. Trong suốt quá trình nuôi tôm thương phẩm, nông hộ không cần phải sử dụng bất kỳ loại hóa chất gì, chỉ dùng chế phẩm sinh học an toàn. Quá trình thay nước thường thấy trong nuôi tôm có thể sẽ bị triệt tiêu, nông hộ chỉ phải châm nước bù, bổ sung quá trình bay hơi của nước khi nhiệt độ cao. “Hạ tầng càng đảm bảo thì quá trình nuôi tôm càng thuận lợi. Nuôi tôm càng sạch thì giá trị của tôm thương phẩm càng được tăng lên” - bà Tâm nói.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ