Cây dược liệu trên đất 30A
Vài năm trở lại đây, người dân tỉnh biên giới Lào Cai đã phát triển cây dược liệu thành vùng hàng hóa. Mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất xấu, hiệu quả kém trồng những loài dược liệu quý mang lại cơ hội đổi đời.
Khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Lào Cai phù hợp với rất nhiều loại dược liệu
Khá lên nhờ cây dược liệu
Trước đây, với hơn 1.000m2 đất trồng trọt của gia đình, anh Hoàng Seo Pao ở thôn Ngã Ba, xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai chủ yếu trồng ngô. Sản phẩm làm ra phần lớn phục vụ chăn nuôi, số còn lại thì bán cho thương lái. Số tiền thu về chẳng được bao nhiêu do thị trường không ổn định, chuyện được mùa thì mất giá và ngược lại như cái vòng luẩn quẩn.
Cái đói nghèo vẫn bám riết, dù vậy anh Pao cũng như đồng bào nơi đây bao năm chỉ biết trồng ngô, vật vã giữa núi đồi hoang hoải. Từ năm 2016, anh Pao và bà con trong thôn được cán bộ Ban quản lý dự án giảm nghèo của huyện Si Ma Cai về tuyên truyền, vận động tham gia trồng cây đương quy. Dự án có sự hỗ trợ giống, kỹ thuật với 50% từ nguốn vốn Ngân hàng thế giới (WB), 50% còn lại là công lao động, phân bón do người dân chung tay. Diện tích dự án hỗ trợ ban đầu là 1,35ha.
Sau khi tìm hiểu dự án, anh Pao và 9 hộ trong thôn Ngã Ba liền xung phong đăng ký tham gia. Do tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật từ làm đất, chăm sóc, diện tích đương quy của gia đình anh Pao và các hộ tham gia dự án tới nay phát triển tốt. Cây đã bắt đầu cho thu hoạch.
Ông Trần Minh Đức, Phó Ban quản lý dự án giảm nghèo huyện Si Ma Cai cho biết, đương quy là cây trồng mới đối với đồng bào các dân tộc địa phương. Để dự án triển khai có hiệu quả, đơn vị đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám cơ sở, hướng dẫn bà con theo cách cầm tay chỉ việc. Đảm bảo bà con thực hiện đúng các yêu cầu về kỹ thuật cũng như cách chăm sóc.
Trung bình, mỗi ha đương quy khi cho thu hoạch sẽ đạt sản lượng dao động từ 12 - 14 tấn củ tươi. Với giá bán ổn định hiện nay là 20 - 30 nghìn đồng/kg sẽ thu về khoảng 300 triệu đồng/ha. Trừ tất cả chi phí, người dân thu về gần 200 triệu đồng/ha.
Vùng trồng cây đương quy tại huyện Si Ma Cai (Lào Cai)
Điển hình là nhóm hộ anh Tráng A Chảo ở thôn Chư Sử, xã Cán Cấu vừa thu hoạch 1ha đương quy, bán được hơn 400 triệu đồng. So với việc trồng ngô, lúa, đây thực sự là cây đổi đời của người dân vùng 30A.
Ông Trương Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai đánh giá, qua thực tế cho thấy, khí hậu, thổ nhưỡng tại đây khá phù hợp với các loài cây dược liệu, đặc biệt đương quy. Đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đã và đang góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho bà con.
Từ sự hỗ trợ ban đầu của WB, địa phương đã vận động người dân tham gia trồng và phát triển hàng chục ha loại cây dược liệu. Tới nay, toàn huyện đã trồng được gần 40ha cây đương quy. “Chúng tôi đánh giá đây là một cây trồng mới có giá trị kinh tế rất cao có thể phát triển thành cây trồng mũi nhọn trong việc nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, đương quy cũng như các giống cây trồng khác đều đòi hỏi bà con phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, có như vậy thì năng suất, chất lượng sản phẩm mới được đảm bảo”, ông Hùng nhấn mạnh.
Vẫn nhiều “rào cản”
Theo Sở NN-PTNT Lào Cai, những năm gần đây, cây dược liệu được chọn lựa là một trong những cây đặc hữu, thế mạnh của địa phương do có giá trị kinh tế. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã hình thành vùng trồng hàng hóa theo nhu cầu đặt hàng của các Cty SX, kinh doanh dược liệu đóng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Điển hình như trồng atiso và chè dây tại Sa Pa, Bắc Hà; cây xuyên khung tại Bát Xát, cây đương quy tại Bát Xát và Bắc Hà, Si Ma Cai, cây ý dĩ tại Si Ma Cai và Bắc Hà hay cây sa nhân tím tại Mường Khương và Bát Xát.
Hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây đương quy
Mặc dù Lào Cai là địa phương có ưu thế để phát triển giống, tuy vậy công tác tuyển chọn và SX giống cây thuốc thời gian qua chưa được quan tâm và thiếu chuyên gia nên năng suất và chất lượng chưa tốt.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, GĐ Sở NN-PTNT Lào Cai cho biết, đa số cây dược liệu đều dễ trồng, thích hợp với điều kiện khí hậu của các vùng khác nhau của địa phương. Nhiều chủng loại cây dược liệu đã gắn bó với người dân từ nhiều năm nay. Do vậy, đây là cây trồng quen thuộc, người dân với nhiều kinh nghiệm chăm sóc và thu hái sản phẩm nên quá trình mở rộng và phát triển cây dược liệu tại các vùng quy hoạch có nhiều thuận lợi.
Tổng diện tích dược liệu toàn tỉnh là trên 1.000ha, từ đó tạo ra sản lượng ước tính đạt 3.000 - 4.000 tấn khô. Trong đó, riêng cây atiso chiếm trên 50% sản lượng (2.250 tấn lá, củ, hoa).
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 1 cơ sở nghiên cứu và bảo tồn cây thuốc là Trại Nghiên cứu trồng cây thuốc Sa Pa của Viện Dược liệu (Bộ Y tế). Trại có nhiệm vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, di thực và bảo tồn một số loại dược liệu có giá trị kinh tế. Lượng giống SX ra chủ yếu phục vụ nghiên cứu và cung ứng khu vực huyện Sa Pa.
Tuy nhiên, đại diện Sở NN-PTNT Lào Cai cũng thừa nhận, việc phát triển các cây trồng mới cũng như chất lượng dược liệu và hiệu quả kinh tế chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.
Một số sản phẩm từ dược liệu SX tại Lào Cai được bày bán
Vùng trồng hàng hóa dược liệu công nghệ cao còn ít; các chuỗi liên kết SX - tiêu thụ còn lỏng lẻo; khoa học, công nghệ, chưa được đầu tư bài bản; mặt bằng kỹ thuật nuôi trồng dược liệu còn thấp... Đặc biệt, hiện nay công tác bảo tồn nguồn gen dược liệu còn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Diện tích đất để trồng cây dược liệu hàng năm ít, nhỏ lẻ, manh mún, trong khi đó yêu cầu của một số loại cây dược liệu phải luân canh thay đổi đất sau mỗi vụ canh tác và SX tập trung. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc mở rộng diện tích cũng như tăng năng suất, hiệu quả của cây dược liệu.
Cuối năm 2017, cũng tại tỉnh Lào Cai, nhiều Bộ, ban, ngành đã tổ chức hội nghị phát triển dược liệu vùng Tây Bắc, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế TW chủ trì hội nghị. Tại hội nghị này, ông Bình cho rằng, với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, tiềm năng to lớn của vùng dược liệu đã và đang góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn Tây Bắc. Tuy nhiên, việc phát triển vùng dược liệu đang thiếu quy hoạch cho phát triển dược liệu quy mô lớn. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, khai thác dược liệu chưa được quan tâm đúng mức, khai thác dược liệu chưa hợp lý, chưa đi đôi với bảo tồn.
Theo ông Bình, các Bộ, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các tỉnh Tây Bắc, đặc biệt là Lào Cai để xây dựng quy hoạch chung liên kết vùng. Đồng thời rà soát, nghiên cứu, xem xét tăng tỷ trọng diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng kết hợp trồng bổ sung bằng cây dược liệu. Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý và khuyến khích phát triển dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
Lào Cai phấn đấu đến năm 2020 duy trì và phát triển vùng trồng cây dược liệu ổn định với quy mô 1.900ha. Trong đó: Cây đương quy 220ha, xuyên khung 225ha, atiso 80ha, độc hoạt 40ha, bạch truật 37ha, tam thất 23ha, ý dĩ 70ha, chè dây 160ha, sa nhân tím 705ha, hồi 100ha và các loại cây dược liệu khác 230ha trên địa bàn các huyện nằm trong quy hoạch.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ