Mô hình kinh tế Cây Làm Giàu Trên Vùng “Đá Dựng”

Cây Làm Giàu Trên Vùng “Đá Dựng”

Ngày đăng 21/07/2014

Thành công sau 3 năm thực hiện Dự án Thí điểm trồng cây thanh long ruột đỏ ở Lập Thạch đã khẳng định đây là loại cây cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, việc tăng nhanh về diện tích và sản lượng loại cây trồng này đồng thời đặt ra bài toán về “đầu ra” của sản phẩm. Huyện Lập Thạch xác định, để mở rộng thị trường thì điều quan trọng nhất và cần làm ngay lúc này chính là phát triển thương hiệu cho sản phẩm.

Cây “đuổi” cái … nghèo!

Về Vân Trục, chúng tôi đi qua nẻo đường giữa hai bên là những đồi, vườn thanh long xanh mướt trĩu quả; những người nông dân tỉ mỉ cắt từng trái thanh long chín mọng đặt vào sọt rồi hớn hở mang về cân buôn cho thương lái. Những gương mặt một đời lam lũ nay có thêm phần rạng rỡ vì cái nghèo đang dần lùi xa.

“Chính cây thanh long đã đuổi cái nghèo đi!” – Ông Nguyễn Đình Long, Chủ tịch Hội thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch đã thốt lên như vậy khi kể cho chúng tôi nghe về “lịch sử” phát triển của loại cây này trên vùng “đá dựng”.

Theo ông Long, Vân Trục là xã đầu tiên của huyện trồng thanh long ruột đỏ và việc bén duyên với loại cây trồng này cũng rất tự nhiên. Năm 2007, trong một lần đến tham quan Viện Nghiên cứu Rau quả Trung Ương, ông Long cùng một vài người dân địa phương đã mua giống cây thanh long ruột đỏ miền Nam về trồng thử.

Khi đó, ông Long chỉ muốn trồng thử nghiệm một giống cây mới chứ không hề nghĩ rằng, đây là cây làm giàu cho gia đình mình và nhiều bà con trong vùng hiện nay. Sau một thời gian chăm sóc, cuối cùng cây thanh long cũng cho ra lứa quả đầu tiên;

Ông Long phấn khởi, mời bà con ăn thử thì đều được khen là ngon và ngọt hơn giống thanh long ruột trắng. Từ đấy, ông Long cùng với bà con nông dân xã Vân Trục nuôi quyết tâm trồng bằng được giống cây này trên chính mảnh đất quê hương.

Thanh long ruột đỏ đang từng bước “đuổi cái nghèo” ra khỏi đất Lập Thạch, trở thành loại cây trồng hàng đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau một thời gian chăm sóc, cây thanh long ruột đỏ cho quả sai, năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Ruột quả thanh long màu đỏ tím, ăn ngọt (độ đường 16% - 18%), hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vitamin và chất khoáng…

Đặc biệt, đặc điểm khí hậu, đất đai của một số xã miền núi của huyện Lập Thạch rất phù hợp với sự sinh trưởng của loại cây này. Thời gian cho thu hoạch hàng năm kéo dài từ tháng 6 đến hết tháng 11. Sau khi thu hái trong điều kiện thường có thể để được từ 20 – 25 ngày nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển và bán tại chợ.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng cây thanh long ruột đỏ rất cao, năm 2010, Sở Nông nghiệp & PTNN đã tham mưu với UBND tỉnh về việc phê duyệt Dự án thí điểm trồng cây thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch giai đoạn 2011 – 2013.

Dự án được thực hiện trên 3 xã: Vân Trục, Xuân Hòa và Ngọc Mỹ của huyện Lập Thạch với quy mô là 100ha. Sau 3 năm triển khai dự án, đến nay tổng diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Lập Thạch đạt khoảng 120ha, trong đó diện tích đã cho quả đạt khoảng 35ha.

Hiện nay, trung bình mỗi trụ trồng thanh long cho từ 10 – 15kg quả/năm, với giá bán bình quân tại vườn là từ 35.000 – 40.000đ/kg (thu nhập của một trụ/ năm trừ chi phí chăm sóc vào khoảng 250.000 – 300.000đồng, tương đương với 300 triệu đồng/năm/ha). Ngoài ra, thu nhập của bà con từ việc bán hom giống cũng mang lại giá trị kinh tế lớn.

Có những hộ đã nhạy bén đưa giống ra các tỉnh ngoài như: Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Ninh… đã cho thu nhập tăng lên hàng trăm triệu đồng/năm. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế nhờ cây thanh long ruột đỏ. Năm 2013, tổng thu nhập từ cây thanh long ruột đỏ ước đạt 12 tỷ đồng, riêng xã Vân Trục khoảng 10 tỷ đồng.

So sánh với các cây trồng truyền thống của huyện, thanh long ruột đỏ cho giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần (cây thanh long ruột đỏ cho thu lãi từ 250 – 300 triệu đồng/ha/năm, cây sắn cho thu lãi từ 19 – 22 triệu đồng/ha/năm, cây bạch đàn nguyên liệu giấy 80 – 85 triệu đồng/ha/năm).

Mặc dù đạt được hiệu quả kinh tế lớn, song hiện nay, việc phát triển cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Lập Thạch cho biết: “Thanh long ruột đỏ là giống cây trồng mới, nên nhiều hộ dân chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, đầu tư thâm canh thấp.

Bên cạnh đó, kiến thức, tay nghề của nông dân về sơ chế, bảo quản sau thu hoạch cũng chưa được quan tâm áp dụng. Một số loại sâu bệnh hại cây trồng phát triển làm ảnh hưởng đến mẫu mã và chất lượng của thanh long.”

Anh Thái cho biết thêm: “Hiện nay thanh long ruột đỏ Lập Thạch được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, việc tiêu thụ chưa gặp khó khăn. Tuy nhiên, với đà mở rộng diện tích và phát triển về năng suất, sản lượng như hiện nay thì trong vài năm nữa ổn định thị trường là việc làm cần thiết.

Để làm được điều này, trước hết phải có kế hoạch cụ thể để quảng bá, phát triển thương hiệu dựa trên chất lượng sản phẩm. Đây là quá trình lâu dài đòi hỏi các cấp, các ngành cùng bà con nông dân tích cực thực hiện.”

Con đường phát triển thương hiệu

Hiện nay, Hội sản xuất thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch đã được thành lập. Hội đã có con dấu và chính thức đi vào hoạt động, góp phần tạo niềm tin cho người dân trồng thanh long tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất.

Sau quá trình thực hiện thành công Dự án Thí điểm trồng Thanh long ruột đỏ ở Lập Thạch, Sở Khoa học và Công nghệ được UBND tỉnh cho phép triển khai nhiệm vụ: Xây dựng, bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm thanh long ruột đỏ của huyện Lập Thạch.

Đến nay, Hội tổ chức thành công Đại hội sản xuất thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch lần thứ I, nhiệm kỳ 2013 – 2018. Hồ sơ đăng kí nhãn hiệu tập thể “Thanh long ruột đỏ Lập Thạch – Vĩnh Phúc” do Hội thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch đứng tên chủ sở hữu đăng kí bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt, kết quả triển khai nhiệm vụ của Sở KHCN cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt từ sản phẩm thanh long ruột đỏ mang lại, tạo cơ sở cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Lập Thạch nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

Ông Nguyễn Tiến Phong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Trong những năm tới, Lập Thạch sẽ phát triển cây thanh long theo hướng toàn diện và bền vững, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với thị trường tiêu thụ.

Nằm trong quy hoạch chung của toàn tỉnh, tới năm 2015, Vĩnh Phúc phấn đấu sản xuất được 300 ha thanh long, trong đó 200 ha thanh long VietGAP, đồng thời,từng bước xây dựng thương hiệu “Thanh long ruột đỏ Lập Thạch”.

Là người gắn bó và tâm huyết với cây thanh long, ông Nguyễn Đình Long, Chủ tịch Hội thanh long ruột đỏ Lập Thạch luôn đau đáu việc làm sao để đưa sản phẩm thanh long vươn ra những thị trường mới, xây dựng thương hiệu thanh long ruột đỏ bền vững trong lòng người tiêu dùng.

Ông kiến nghị: “Trước hết cần mở những lớp bồi dưỡng về kỹ thuật chăm sóc cây thanh long cho các hộ nông dân để họ nắm bắt được kỹ thuật canh tác hiệu quả, sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng cao. Khi đã có sản phẩn ưng ý, Hội sẽ đề xuất cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời thiết kế và xây dựng logo thương hiệu cho sản phẩm.

Dự định trong thời gian tới, thanh long ruột đỏ Lập Thạch sẽ được bán tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên toàn miền Bắc. Khi đã có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước, tiếp theo sẽ tính đến việc xuất khẩu ra các thị trường quốc tế.”

Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ triển lãm giống cây trồng, vật nuôi trong và ngoài tỉnh, Ban chấp hành Hội thanh long ruột đỏ Lập Thạch tích cực mở rộng quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm tại các gian hàng trưng bày; liên kết phát triển du lịch gắn với đặc sản vùng miền; hợp tác với các công ty Truyền thông trong lĩnh vực giới thiệu, quảng bá hàng hóa nông sản…

Tăng cường mối liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi sản xuất, ung ứng, tiêu thụ thanh long. Hợp tác xã đóng vai trò đại diện nông dân, liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng kinh tế. Các doanh nghiệp tham gia giải quyết những vấn đề mà nông dân khó có thể tự làm như: vốn sản xuất kinh doanh, kỹ thuật công nghệ mới, cung ứng các dịch vụ (giống, vật tự,… kể cả các dịch vụ khuyến nông) và tìm kiếm thị trường.

Các cơ quan nhà nước ban hành khung pháp lý cho hợp đồng kinh tế, các tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động liên kết nhằm đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, không ảnh hưởng đến môi trường và đảm bảo trách nhiệm đối với xã hội, với người tiêu dùng. Các cơ quan nghiên cứu, tổ chức tín dụng, bảo hiểm tham gia vào chuỗi với vai trò là đòn bẩy trong quá trình phát triển.

Bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực, hiện nay thương hiệu thanh long ruột đỏ Lập Thạch được biết đến ở một số tỉnh miền Bắc, tạo thành công bước đầu cho quá trình chiếm lĩnh thị trường rau củ quả của sản phẩm này trong tương lai.


Có thể bạn quan tâm

hieu-qua-kinh-te-tu-mo-hinh-trong-mit-sieu-som Hiệu Quả Kinh Tế Từ… nong-dan-soc-trang-lam-giau-tren-vung-dat-kem-hieu-qua Nông Dân Sóc Trăng Làm…