Cây Mì Trong Và Ngoài Mô Hình Ở Bình Thuận
Ngày đăng 16/05/2012
Thực tế hiện nay, sự sụt giảm về giá cả, hoành hành của sâu bệnh khiến năng suất mì giảm, hiệu quả đầu tư của bà con bị ảnh hưởng đáng kể. Trong khi đó, trồng mì theo mô hình trên địa bàn lại mang đến những kết quả bất ngờ.
Diện tích mì của tỉnh Bình Thuận từ năm 2006 - 2011 chiếm khoảng trên 21.000 ha đến gần 31.500 ha, tập trung tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân và Bắc Bình. Phần lớn diện tích mì được trồng trên các loại đất bạc màu và đất cát ven biển, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn hộ nông dân. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của cây mì Bình Thuận là năng suất thấp (bình quân từ 15 - 18 tấn/ha), do còn hạn chế trong việc chuyển giao, ứng dụng một số loại giống và chậm áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp tiên tiến như trồng xen, bón phân cân đối giữa NPK kết hợp phân hữu cơ vào sản xuất. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự thoái hóa, bạc màu của đất trồng.
Trong niên vụ 2011 - 2012 vừa qua, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ (Viện KHKTNNDHNTB) đã thực hiện mô hình trồng mì xen cây họ đậu trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng hiệu quả kinh tế và sử dụng hợp lý tài nguyên đất, phát triển bền vững canh tác cây mì trên vùng đất cát. Có 4 mô hình được triển khai ở các xã trọng điểm trồng mì của huyện Bắc Bình là Bình Tân và Hồng Thái. Mô hình được thực hiện theo phương pháp canh tác tổng hợp gồm trồng xen các loại cây họ đậu, kết hợp bón phân vô cơ và phân hữu cơ. Theo Viện KHKT NNDHNTB, năng suất cây mì tại các điểm xây dựng mô hình đều cho năng suất cao hơn so với năng suất chung của vùng từ 33,9% - 51,9%. Cụ thể, mô hình đã thu hoạch xong tại các hộ ông Châu Văn Phối, Huỳnh Văn Tánh (xã Bình Tân) năng suất mì đạt 25 tấn/ha và hộ ông Phạm Dư (xã Hồng Thái) năng suất đạt 21,26 tấn/ha (cao hơn ngoài mô hình từ 33,9% - 51,9%), đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng mì đơn thuần. Đặc biệt, mô hình trồng đậu phộng xen mì cho lãi ròng từ 27,7 - 45,1 triệu đồng/ha, vượt gấp mấy lần ngoài thực tế, còn lãi ròng của mô hình đậu xanh xen mì từ 14 - 24,5 triệu đồng/ha, vượt hơn ngoài mô hình từ 2 - 3 lần.
Tuy vậy, theo một số hộ nông dân tại huyện Bắc Bình, những con số lợi nhuận mang lại từ mô hình trồng mì tại địa phương được tính với giá bán 1.600 đồng/kg, trong khi thực tế giá cả mặt hàng nông sản này của bà con ở Bắc Bình nói riêng và toàn tỉnh nói chung liên tục xuống thấp đến dưới 1.000 đồng/kg trong thời gian gần đây. Do đó, nhiều người sẽ lầm tưởng về hiệu quả của mô hình trồng mì, không ngần ngại tăng diện tích một cách khó kiểm soát. Song nông dân trồng mì cũng không phủ nhận rằng, sản xuất theo mô hình trồng xen mì với cây họ đậu góp phần tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra, bà con có thể tận dụng được thân, lá, rễ của cây họ đậu làm thức ăn gia súc và góp phần cải thiện dinh dưỡng, giảm thoái hóa đất trên đất trồng. Đây là những yếu tố “kích thích” người dân trồng mì mong muốn tiếp tục nhân rộng mô hình canh tác bền vững trên đất cát và áp dụng kỹ thuật trồng xen, thâm canh cho các vùng sản xuất mì trên địa bàn tỉnh. Qua đó, vừa tạo được vùng nguyên liệu mì bền vững, vừa bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng mì.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Feed Balancer
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Hydroponics Calculator
Pha dung dịch thủy canh
Feeding Calculator
Định mức cho tôm ăn
NPK Calculator
Phối trộn phân bón NPK
Survival Calculator
Xác định tỷ lệ tôm sống
Fertilizers Converter
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Aeration Calculator
Xác định công suất sục khí
Shrimp Converter
Chuyển đổi đơn vị tôm
Greenhouse Calculator
Tính diện tích nhà kính
Pond Calculator
Tính thể tích ao hồ