Mô hình kinh tế Cây Trồng Chủ Lực Ở Vùng Cát

Cây Trồng Chủ Lực Ở Vùng Cát

Ngày đăng 31/10/2014

Thời gian qua, nhiều nông dân ở vùng đông huyện Duy Xuyên mạnh dạn chuyển một số diện tích đất trồng lúa, khoai lang, mè… kém hiệu quả sang canh tác cây môn hương theo phương thức sản xuất hàng hóa đã và đang mang lại nguồn thu nhập khá cao, mở ra một triển vọng mới.

Hiệu quả kinh tế cao

Về thôn Tây Sơn Tây (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) - nơi được xem là thủ phủ của môn hương, chúng tôi thấy màu xanh ngút ngàn của loại cây này và nhịp điệu lao động hết sức khẩn trương trên những đồi cát.

Bà Nguyễn Thị Ba – một người dân địa phương cho biết, nhiều năm bám với cây khoai lang nhưng vẫn không thể dứt được cái nghèo, cái khổ nên cách đây 5 năm bà chuyển 2 sào đất pha cát sang trồng khảo nghiệm cây môn hương. Môn hương là loại cây rất dễ trồng, ít bị sâu bệnh tấn công và không tốn nhiều công chăm sóc.

Tuy nhiên, yêu cầu mang tính bắt buộc là người trồng phải nắm vững quy trình kỹ thuật, nhất là cách phòng trừ nấm gây hại. “Một năm, tôi trồng được 2 vụ, mỗi vụ kéo dài chừng 5 tháng. Riêng vụ tết, đa số người dân ở đây xuống giống từ tháng 7 âm lịch để đến mùng 10 tháng chạp bắt đầu thu hoạch rộ, bán được giá cao.

Nếu như trước đây, trồng 1 sào khoai lang mỗi vụ tôi thu lãi khoảng 700 - 800 nghìn đồng thì khi chuyển sang trồng cây môn hương, số tiền lời tăng lên gấp 7 lần. Năm ngoái, tôi đào 2 sào môn hương bán đúng vào dịp tết Giáp Ngọ, thu được hơn 14 triệu đồng” – bà Ba nói.

Cách khu vườn của bà Ba không xa, ông Lê Dư cũng đang cần mẫn chăm sóc ruộng môn hương của mình. Ông Dư chia sẻ: “Mấy năm trước, tôi trồng môn hương nhưng năng suất không cao vì thường xuyên thiếu nguồn nước tưới. Gần đây, được Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều công trình thủy lợi nên tôi có thể trồng môn hương quanh năm hoặc gối vụ với các loại cây trồng cạn khác.

Hiện nay, tôi đang trồng 2,5 sào môn hương, trong đó một nửa diện tích đã đến kỳ thu hoạch, dự kiến sản lượng đạt khoảng 2,4 tạ củ tươi. Thời điểm này, thương lái tìm đến tận ruộng mua với giá 28 nghìn đồng/kg thì với sản lượng đó chắc chắn sẽ thu được hơn 6,7 triệu đồng, trừ chi phí có thể lãi 5,5 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Trưởng ban Dân chính thôn Tây Sơn Tây cho biết, là địa phương nằm ven biển nhưng đa số người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích đất canh tác là 110ha, chiếm khoảng một phần ba diện tích của xã. Hiện nay, trên địa bàn thôn Tây Sơn Tây có 18ha đất chuyên trồng cây môn hương. Bình quân mỗi năm 1ha mang lại cho nông dân mức thu nhập hơn 200 triệu đồng…

Nhân rộng

Cây môn hương có thể trồng quanh năm, thích hợp với loại đất cát pha. Chọn củ giống có trọng lượng 20 - 30g, không thối, lớp vỏ ngoài có nhiều lông. Ngâm củ giống trong lu có nước ngập xăm xắp và xử lý thuốc trừ nấm Rovral trong vòng 12 giờ.

Sau đó, rửa sạch và trải củ giống ra bao bố để ở nơi thoáng mát, tránh bị mưa rồi trùm bao lên củ giống, thời gian 1 - 3 ngày. Khi lấy ra trồng, phải phân loại củ giống theo cách mầm dài trồng trước, mầm ngắn trồng sau để dễ chăm sóc. Đất trồng môn hương phải làm sạch cỏ, cày cuốc cho tơi xốp, vun hàng cao hơn 0,2m, hàng cách hàng 1m, đặt môn giống cách nhau 0,4m, lấp lại và đậy sơ rơm rạ, lá cây…

Đợt đầu bón lót phân hữu cơ, sau đó bón phân chuồng hoai mục và phân NPK, DAP khoảng 4 - 5 lần, mỗi lần cách nhau 20 - 25 ngày. Bón bằng cách rải phân trên mặt đất gần gốc và vun đất dưới rãnh lên lấp phân lại. Sau thời gian 5 tháng, quan sát thấy lá môn chuyển sang màu vàng 70 - 80% thì chọn ngày không mưa thu hoạch.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới khang trang, ông Nguyễn Văn Thu trú tại thôn Tây Sơn Tây cho hay, năm 2013 trở về trước, ông canh tác 3 sào môn hương. Nhận thấy loại cây này thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương và cho giá trị cao nên đầu năm 2014 ông khai hoang thêm 3 sào đất để trồng loại cây này.

Ông Thu nói: “Hiện giờ, 6 sào môn của tôi đang sinh trưởng và phát triển rất tốt. Nếu thời tiết thuận lợi, sâu bệnh ít bùng phát, tôi dự kiến cuối năm nay sẽ thu được 1,3 tấn củ, kiếm không dưới 40 triệu đồng”.

Không riêng ông Thu, cuộc sống của nhiều hộ dân khác ở thôn Tây Sơn Tây này cũng đang đổi thay từng ngày nhờ cây môn hương, góp phần đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của xã vùng cát Duy Hải.

Theo ông Võ Quốc Hai - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Hải, thời gian qua chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia các khóa tập huấn chuyển giao những kỹ thuật tiên tiến về cách trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây môn hương.

Ông Hai nói: “Nếu trước đây nông dân thường cắt mặt môn rồi trồng thì bây giờ đa số ươm giống vào bao bì rồi mới tiến hành trồng.

Làm như vậy sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng và phát triển của cây môn hương, ít nhất là 20 ngày. Từ đó, người dân có thể trồng xen canh, gối vụ với cây mè, đậu phụng…”. Được biết, hiện mỗi vụ xã Duy Hải có 19ha đất trồng môn hương theo phương thức sản xuất hàng hóa, tăng 10ha so với cách đây 2 năm.

Ngoài xã Duy Hải, thời gian gần đây nông dân vùng cát Duy Nghĩa cũng đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu mang lại tín hiệu khả quan, góp phần tăng nguồn thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Trong đó, cây môn hương được xem là một trong những hướng đi chủ lực.

Theo ông Dương Tấn Lực - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa, từ vài sào trồng khảo nghiệm ban đầu, đến nay tổng diện tích đất chuyên canh môn hương của địa phương đã tăng lên hơn 60 sào/vụ, tập trung chủ yếu ở thôn Lệ Sơn.


Có thể bạn quan tâm

dong-luc-san-xuat-xa-bo Động Lực Sản Xuất Xa… thanh-son-tiep-nhan-600-trieu-dong-tu-nguon-von-chan-nuoi-bo-sinh-san Thanh Sơn Tiếp Nhận 600…