Mô hình kinh tế Chấm dứt ảo tưởng về vị thế độc quyền của con cá tra

Chấm dứt ảo tưởng về vị thế độc quyền của con cá tra

Ngày đăng 22/06/2015

Niềm tự hào của Việt Nam

Nuôi, chế biến và XK cá tra được xem là ngành sản xuất có sự tăng trưởng ngoạn mục nhất, một hiện tượng đột phá đáng ghi nhận nhất trong quá trình phát triển của ngành thủy sản Việt Nam nói riêng và của cả thế giới nói chung.

Trong lịch sử ngành thủy sản, cá hồi đã từng được xem là một hiện tượng bùng nổ mạnh mẽ nhất thế giới. Trong vòng 25 năm, ngành sản xuất cá hồi đã đạt trị giá 11 tỷ USD vào năm 2007, tăng gấp 10 lần so với năm 1982, là một sự phát triển rất ấn tượng mà ít có ngành sản xuất chăn nuôi nào làm được trước đó. Hiện nay, tổng sản lượng cá hồi nuôi toàn thế giới đạt khoảng hơn 2 triệu tấn, trong đó, Na Uy dẫn đầu với sản lượng chiếm khoảng 60% và Chilê đứng thứ 2 với 31%.

Tuy nhiên, con cá tra của Việt Nam lại làm được việc còn “thần kỳ” hơn cả như thế. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, chỉ trong 10 năm trở lại đây, ngành nuôi cá tra đã chuyển biến nhanh với năng suất nuôi bình quân đạt 500 tấn/ha, diện tích nuôi cá tra cả nước đã tăng gấp 5 lần (đạt gần 5.500ha), sản lượng tăng 36 lần (đạt 1,1 triệu tấn), tạo việc làm cho trên 500.000 lao động và giá trị XK cá tra tăng gần 45 lần (từ 40 triệu USD lên gần 1,8 tỷ USD), chiếm hơn 22% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản và đóng góp khoảng 2,2% GDP của cả nước.

Từ vụ kiện chống bán phá giá tại thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam lại được nổi danh toàn cầu và bắt đầu thâm nhập thành công vào các thị trường đầy tiềm năng và rộng lớn khác như: EU, Nga, Nam Mỹ… Hiện nay, cá tra được XK đến gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Theo Hiệp hội thủy sản Mỹ, cá tra Việt Nam đã thay thế dần cá da trơn tại Mỹ và từ vị trí thứ 9 đã vươn lên vị trí thứ 6 trong 10 loại thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường này trong năm 2011. Trong khi đó tại châu Âu, tuy liên tục bị bôi nhọ và bóp méo hình ảnh nhưng cá tra vẫn là sản phẩm được liệt vào danh sách mặt hàng thủy sản bán chạy nhất trong siêu thị.

Có thể thấy, chỉ từ một loài cá bản địa khai thác tự nhiên, phục vụ cư dân tại chỗ, cá tra đã phát triển và trở thành một sản phẩm chiến lược của Việt Nam, tự tin sánh ngang với các loài cá có giá trị kinh tế cao khác trên thế giới.

Ngày càng mất vị thế

Với vị trí độc tôn trong sản xuất, chế biến và XK cá tra trên thị trường thế giới, lẽ ra các DN Việt Nam hoàn toàn có quyền quyết định giá bán và kiểm soát được sản lượng XK. Song, thực tế lại diễn ra trái ngược khi sản phẩm cá tra liên tục bị các nhà NK nước ngoài ép giá.

Năm 2014 vừa qua, XK cá tra sang 2 thị trường lớn nhất là EU và Mỹ liên tục sụt giảm một cách đáng kể. Tại thị trường Mỹ, NK cá tra giảm 11,5% và số lượng DN XK cá tra vào Mỹ cũng giảm từ 30 xuống chỉ còn 8 công ty. Trong khi đó, thị trường EU có mức sụt giảm thậm chí còn sâu hơn so với năm 2013 ( khoảng 12,3%) và gần như chưa có dấu hiệu phục hồi. Nguyên nhân chính là do các nhà phân phối tại châu Âu không đầu tư để đẩy mạnh thông tin, truyền thông cho cá tra, bởi đối với họ, kinh doanh cá tra không mang lại nhiều lợi nhuận.

Riêng ngành cá tra Việt Nam, từ nhiều năm nay mối liên kết trong ngành quá lỏng lẻo, người nuôi và DN chế biến XK luôn mâu thuẫn về quyền lợi, không liên kết được với nhau. Thực tế, việc nuôi cá lâu nay vẫn là tự phát, manh mún và nhỏ lẻ. Ngành cá tra phát triển quá “nóng” trên cả ba phương diện chính: diện tích, sản lượng và nhà máy chế biến, trong khi cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, kỹ thuật, nguồn vốn và năng lực quản lý nhà nước chưa theo kịp. Đồng thời, các chiến lược quốc gia về tiếp thị, quảng bá cá tra ra thế giới còn rất hạn chế hay thậm chí là không hề có, khiến hình ảnh cá tra dễ dàng bị bôi nhọ và công kích bởi sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Kịch - Tổng Giám đốc Công ty Cafatex (Hậu Giang) cho biết, mỗi năm Việt Nam mất 300 - 400 triệu USD do không kiểm soát, quản lý được giá XK cá tra. Cũng do không kiểm soát được sản lượng, không xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng để quản lý nên dẫn tới hậu quả là mạnh ai nấy làm.  DN, nhà máy đua nhau mọc lên làm thị trường ngày càng rối loạn.

Ngày 29/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và XK cá tra. Nghị định này ra đời là công cụ pháp lý cần thiết, quan trọng, tạo cơ chế để có thể kiểm soát sản xuất, giám sát tình hình tiêu thụ sản phẩm, đồng thời khắc phục các bất cập của ngành. Chủ trương của Chính phủ là nâng cao giá trị và hình ảnh sản phẩm cá tra Việt Nam, phát triển bền vững, cải thiện uy tín và vị thế sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới.

Cá tra có thực sự là “độc quyền” ?

Sự ra đời của Nghị định 36 (NĐ 36), từ lâu đã được các DN và người nuôi cá tra Việt Nam rất kỳ vọng. Tuy nhiên, từ khi bắt đầu triển khai thực hiện đến nay, NĐ 36 đã vấp phải rất nhiều bức xúc và kiến nghị sửa đổi từ các DN cá tra Việt Nam, tập trung xoay quanh vấn đề về tỷ lệ mạ băng, hàm ẩm và thủ tục đăng ký XK.

Cụ thể, NĐ 36 quy định tất cả các sản phẩm cá tra XK đều bắt buộc phải sản xuất ở một mức chất lượng rất cao với tỷ lệ mạ băng tối đa là 10% và ẩm độ không được vượt quá 83%, một mức chất lượng mà khó có DN nào có thể đáp ứng được. Rõ ràng, với quy định như vậy, NĐ 36 đã đứng trên quan điểm cho rằng, cá tra là sản phẩm “độc quyền” của Việt Nam trên thị trường thế giới nên Việt Nam hoàn toàn có thể tự do áp đặt một mức chất lượng cao nhất, buộc khách hàng phải mua và không cho họ quyền lựa chọn nào khác.

Sáng ngày 28/12/2014, tại Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ), Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (SouthVina), một trong 10 công ty XK cá tra hàng đầu Việt Nam đã bất ngờ thông báo sẽ đóng cửa nhà máy vào ngày 01/01/2015, ngày NĐ 36 bắt đầu có hiệu lực thi hành đối với các điều khoản trên. Giải thích lý do đóng cửa, ông Dương Việt Thắng, Phó TGĐ công ty chỉ rõ, “Sản phẩm 10% mạ băng và hàm lượng ẩm 83%, bán không ai mua”.

“Doanh nghiệp (DN) luôn phải vượt qua mọi khó khăn của thị trường để tồn tại, nhưng DN lúc này phải chết vì chính sách không phù hợp của cơ quan quản lý”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ánh, giám đốc Công ty CP Thủy sản Sông Tiền chia sẻ, thời điểm ngày 30/12/2014, DN vẫn luôn phân vân không biết nên sản xuất tiếp hay nghỉ vì nhà máy hiện sản xuất rất nhiều mà hợp đồng ký kết được rất ít.

“Mình làm theo quy định của NĐ 36 thì không có người mua còn làm bình thường thì phải nằm kho vì sẽ không được XK. Mặc dù Bộ NN&PTNT đã gia hạn NĐ 36 đến cuối năm 2015 nhưng chúng tôi vẫn chưa thể yên tâm làm ăn. Tôi không biết các DN khác  bán hàng thế nào chứ công ty của tôi doanh thu tháng 01/2015 so với cùng kỳ năm trước chưa được 30%, còn tháng 02/2015 thì chưa ký được hợp đồng nào”, bà Ánh chia sẻ.

Tại buổi tọa đàm giữa DN và Bộ NN&PTNT ngày 04/02/2015 vừa qua tại Tp Hồ Chí Minh, bà Trương Thị Lệ Khanh, TGĐ Công ty CP Vĩnh Hoàn đã phải thốt lên, “Hiện nay có quan điểm cho rằng con cá tra là độc quyền và khách hàng buộc phải mua của Việt Nam. Tôi cho rằng quan điểm này là sai hoàn toàn. Thực sự, trên thị trường, ngoài cá tra vẫn còn có rất nhiều sự lựa chọn khác cho khách hàng. Tại sao XK cá tra sang thị trường EU sụt giảm, một số thị trường khác cũng sụt giảm? Đó là do chúng ta đang tự áp đặt quan điểm “độc quyền” lên cá tra. Đã đến lúc cần phải chấm dứt và định hướng lại theo đúng quan điểm của kinh tế thị trường”.

Rõ ràng, có thể thấy, Việt Nam là nước sản xuất và XK cá tra nhiều nhất thế giới, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cá tra là loài cá “độc quyền” trên thị trường thủy sản thế giới.

“Nếu Việt Nam không XK cá tra nữa, các nhà NK cũng sẽ chẳng vì thế mà than phiền. Họ sẽ dễ dàng có được các lựa chọn khác thay thế gần như ngay lập tức cho cá tra”, ông Jean-Charles Diener, Giám đốc Công ty OFCO Group nhận định.

“Hiện nay, ai đang cạnh tranh với con cá tra của chúng ta? Là Trung Quốc. Trung Quốc một năm NK gần 3 triệu tấn cá minh thái từ Nga, Mỹ về và họ tiến hành tăng trọng, mạ băng… bán rẻ hơn cả cá tra. Cá minh thái là một loài cá thịt trắng cũng tương tự như cá tra. Tôi nói chúng ta làm không khéo là Trung Quốc giành mất thị trường của chúng ta đấy”, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Hùng Vương khẳng định.

Cần một lộ trình hơn là một nút thắt

Theo ông Dương Ngọc Minh, năm 2015 sẽ là 1 năm khá xấu cho ngành thủy sản Việt Nam, nhất là ngành cá tra, bởi trước mắt, Việt Nam chắc chắn sẽ gặp khó ở 3 thị trường là Nga, Braxin và Ukraina, ước tính thiệt hại khoảng 100.000 tấn.

“Lý do vì sao tôi nói như vậy. Bởi hiện nay Braxin đang đóng cửa, thời gian mở cửa thì chưa biết. Thị trường Ukraina thì chính trị hỗn loạn, còn thị trường Nga thì bị bao vây kinh tế, đồng tiền mất giá và buộc phải hạn chế chảy máu ngoại tệ cho việc NK. Đó là còn chưa kể đến những khó khăn ở 2 thị trường lớn là EU và Mỹ.”, ông Minh cho biết.

Các DN cá tra đều cùng chung một quan điểm cho rằng hiện nhu cầu cho các sản phẩm cá tra chất lượng quá cao theo tiêu chuẩn mà NĐ 36 đề ra là rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 5% trong tổng số 1,8 tỷ USD kim ngạch XK cá tra năm 2014. Các DN đều ủng hộ mục tiêu nâng cao chất lượng và quản lý chặt chẽ ngành cá tra Việt Nam của NĐ 36. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra cần phải có một lộ trình hợp lý và định hướng cụ thể chứ không thể mang tư tưởng sản phẩm “độc quyền” để áp đặt, gây sốc cho thị trường một cách quá đột ngột.

“Câu chuyện mà chúng ta đưa ra 83% ẩm độ cho cá tra philê tại thời điểm này là không hợp lý. Vấn đề chính, chúng ta vẫn xác định NĐ 36 là cần thiết để làm cho chất lượng con cá tăng lên - đây là vấn đề sống còn của chúng ta, không thể lơ là việc quản lý chất lượng. Qua tham khảo ý kiến các DN, tôi đề nghị chúng ta quản lý chất lượng từng bước, có lộ trình để thị trường chấp nhận. Việc lùi thời gian lại, tôi cho rằng chúng ta cần một lộ trình là 5 năm. Ví dụ, năm nay áp dụng ẩm độ 86%, năm 2016 chúng ta phấn đấu 85% (±0.5%) xem thị trường chấp nhận tới đâu, năm 2017 có thể là 84% (±0.5%)…

Thứ hai, tỷ lệ mạ băng phải phù hợp với tình hình NK của thị trường. Không ai muốn mạ băng cao vì chi phí tăng. Chúng ta muốn mạ băng 10% nhưng thị trường đâu có chấp nhận, các nhà NK luôn đòi 15-20%. Vì vậy vấn đề mạ băng, phải ghi rõ trên bao bì, trọng lượng thực bao nhiêu. Đó cũng là một hình thức chống gian lận thương mại cả ở trong và ngoài nước”, ông Dương Ngọc Minh đề xuất.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục Trưởng Thủy sản đã ghi nhận những ý kiến và đề xuất từ các DN cá tra Việt Nam, đồng thời yêu cầu các DN cung cấp những số liệu cụ thể để làm căn cứ báo cáo Bộ NN-PTNT.

Tin rằng, với những căn cứ số liệu cụ thể về thị trường cá tra; sự cố gắng, nỗ lực của các DN cá tra Việt Nam cùng sự nhất quán, quyết tâm cao từ các cơ quan quản lý… NĐ 36 sẽ đi vào được thực tế, chấn chỉnh được hoạt động trong ngành để cá tra Việt Nam sẽ ngày một củng cố được vị thế, nâng cao được chất lượng và xứng đáng là sản phẩm thế mạnh chiến lược của Việt Nam trên trường quốc tế.


Có thể bạn quan tâm

tang-200-tu-thuoc-cho-ngu-dan-binh-dinh Tặng 200 tủ thuốc cho… gia-tom-nguyen-lieu-tang-tro-lai-nha-nong-can-lien-ket-trong-san-xuat Giá tôm nguyên liệu tăng…