Tin nông nghiệp Chăm sóc dưa leo bằng NPK Văn Điển

Chăm sóc dưa leo bằng NPK Văn Điển

Tác giả Nguyễn Tiến Chinh, ngày đăng 21/03/2016

1.Thời vụ:

Trong điều kiện đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Khu 4 cũ, dưa chuột có thể trồng 3 vụ/năm.

- Vụ xuân là vụ chính, gieo hạt cuối tháng Giêng, đầu tháng 2.

- Vụ hè gieo tháng 4 đến tháng 7, thu hoạch tháng 6 đến tháng 9, tháng 10. Đặc biệt vụ dưa hè xen 2 vụ lúa xuân sớm và mùa muộn, dễ làm mà cho hiệu quả kinh tế lớn nhất.

- Vụ đông: Gieo hạt cuối tháng 9, đầu tháng 10, thu hoạch trung tuần tháng 11 đến giữa tháng 12.

 cham soc dua leo bang npk van dien hinh anh 1

Phân bón Văn Điển giúp dưa leo cứng chắc, ít đổ ngã, tăng khả năng chịu úng, hạn, rét; góp phần tăng năng suất và phẩm chất quả. Ảnh: T.L

2.  Yêu cầu về đất trồng:

- Dưa leo có thể trồng được trên nhiều loại đất, nhưng tốt nhất là đất cát pha, đất thịt nhẹ, tơi xốp và màu mỡ. Nên chọn những chân đất có nguồn nước tưới chủ động và hàng năm luân canh với lúa nước...

- Do bộ rễ phát triển kém, sức hấp thu của rễ lại yếu nên dưa chuột yêu cầu dinh dưỡng cân đối và được cung cấp từ từ, không chịu được nồng độ phân cao nhưng lại nhanh chóng biểu  hiện  thiếu dinh dưỡng. Phân bón Văn Điển công thức NPK (12:5:10) và NPK (12:8:12) cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây dưa, giúp cây cứng chắc, ít đổ ngã, tăng khả năng chịu úng, hạn, rét; góp phần làm tăng năng suất và phẩm chất quả cũng như tăng khả năng bảo quản của quả.

3. Làm đất, bón phân:

- Sau khi cày bừa, rạch hàng chia luống rộng 1,5m (mặt luống 1,2m rãnh 0,3m), cao 0,3m.

- Lượng phân bón cho 1ha như sau: Phân chuồng mục: 10 tấn (3-3,5 tạ/sào); phân bón NPK: 700-850kg (25-30 kg/sào)  NPK 12:5:10 hoặc 12:8:12.

 Phân chuồng + 1/3 NPK bỏ vào hốc, đảo đều và lấp một lớp đất nhẹ. Trồng khi cây được 1-2 lá thật, trồng hai hàng trên luống với khoảng cách 60cm, mỗi hốc cách nhau 40cm. Mật độ trồng 33.000 cây/ha (1.200 - 1.300 cây/sào).

4. Chăm sóc:

- Tưới nước và luôn đảm bảo đủ ẩm, giúp cây nhanh bén rễ và ra lá. 

- Cây 5 - 6 lá thật, lúc ra tua cuốn thì xới vun kết hợp bón 1/2 số NPK còn lại. Sau khi bón phân, xới vun luống, nhặt cỏ kết hợp tưới rãnh cho cây.

- Để tăng rễ đốt, có thể cho dưa bò 2-3 mắt mới cắm cọc. Giàn dưa chuột cắm hình chữ nhật. Mỗi sào cần 1.400-1.500 cây dóc. Sau khi cắm buộc giàn chắc chắn, dùng dây mềm buộc ngọn dưa lên giàn. Công việc này làm thường xuyên đến khi cây ngừng sinh trưởng (thu 3-4 lứa quả).

- Sau khi thu lứa quả đầu, dùng nốt số NPK còn lại bón thúc cho cây. Dùng cuốc nhỏ bổ hốc giữa 2 gốc cây, bón phân và lấp đất, kết hợp làm cỏ, tỉa lá già, lá bị bệnh.

- Sau mỗi lần thu, có thể tưới thêm phân hoặc phun phân bón lá cho cây sẽ kéo dài thời gian thu hoạch quả.

5. Phòng trừ sâu bệnh:

Dưa chuột thường gặp các bệnh sau:

- Bệnh sương mai là bệnh nguy hiểm, gây hại nặng vào thời kỳ có nhiệt độ thấp (dưới 20 độ C) và độ ẩm không khí cao, ruộng dưa trồng dày, xanh đậm.

Dùng Boócđô 1%, Ridomil MZ 72 WP hoặc Alliette 80WP phun 1- 2 lần.

- Bệnh phấn trắng, làm bộ lá tàn sớm. Dùng Topsin hoặc Bayleton  sữa 25% với 200-250g để pha phun cho 1ha dưa chuột.

- Bệnh nứt thân, xì mủ: Thực hiện tiêu thoát nước tốt, không để mặt luống đọng nước, bón phân cân đối và phun luân phiên các loại thuốc sau: Ridomil, Topsin M, Polyram, Mancozeb, Copper, Aliette...

6. Thu hoạch:

- Tùy diễn biến thời tiết mà quả 5 - 7 ngày tuổi có thể thu hoạch. Nếu để quả già sẽ ảnh hưởng tới sự ra hoa, đậu quả của các lứa tiếp theo, năng suất sẽ giảm.

- Quả nên thu vào buổi sáng để buổi chiều tưới thúc nước phân. Thời kỳ rộ quả, có thể thu 2-3 ngày 1đợt.


Có thể bạn quan tâm

trong-rau-vietgap-ban-thao-nhu-cho-khong Trồng rau VietGAP, bán tháo… phan-bon-dap-lao-cai-giup-lua-tang-nang-suat Phân bón DAP Lào Cai…