Trồng lúa Chăm sóc đúng, đủ cho cây trồng vụ xuân

Chăm sóc đúng, đủ cho cây trồng vụ xuân

Tác giả Phú Hương, ngày đăng 09/05/2018

Từ mùng 4 Tết Ất Mùi, nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đã tập trung ra đồng chăm sóc cây trồng vụ xuân. Thời tiết ấm thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, nhưng dự báo những khó khăn trong phòng, chống sâu bệnh và khâu chăm sóc, nhất là đối với cây lúa để tránh trổ bông sớm... 

Nông dân xã Bắc Thành (Yên Thành) chăm sóc lúa vụ xuân. Ảnh: Hồ Các

Mùng 5 Tết, nắng trải vàng trên những cánh đồng lúa suốt một dọc dài qua các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, Yên Thành…Trên những ruộng lúa xanh mởn, bà con đã ra đồng làm cỏ, bón thúc cho lúa đẻ nhánh. Trong chuyến kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp đầu năm, đứng giữa cánh đồng lúa bát ngát của huyện Quỳnh Lưu, tranh thủ chia vui với bà con nông dân về một cái Tết sum vầy, đầm ấm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng hào hứng: “Vậy là ngay từ đầu vụ, sản xuất đã rất thuận lợi. Cây lúa phát triển thế này, hứa hẹn sẽ cho một vụ mùa bội thu!”. Đồng chí cũng lưu ý các địa phương không được chủ quan. Thời tiết nắng ấm, thuận lợi cho các hoạt động vui chơi, lễ hội đầu năm, nhưng sản xuất nông nghiệp thì không được lơ là, phải có biện pháp chăm sóc phù hợp để cây lúa không trổ sớm dễ gặp rét, mất mùa; phải lưu ý đây là dạng thời tiết thuận cho các đối tượng sâu bệnh hại phát triển; đặc biệt, phải vừa đảm bảo đủ nước cho lúa phát triển tốt, vừa có biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý để dành nước cho sản xuất giai đoạn sau. 

Hiện tại, 7.450 ha lúa vụ xuân của huyện Quỳnh Lưu đang phát triển rất tốt. Trừ một số ít diện tích ở các xã vùng bán sơn địa như Quỳnh Tân, Quỳnh Văn được cấy ngay sau Tết, còn lại cơ bản diện tích lúa được gieo cấy xong từ trước Tết Nguyên đán, một số diện tích vùng sâu trũng cấy sớm hơn đã hoàn thành chăm sóc đợt 1. Theo ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện: Ngay từ mùng 4 Tết, bà con đã ra đồng để chăm sóc, bón thúc cho cây lúa. Nền nhiệt độ đầu vụ ấm, nên cây lúa bén ngay khi vừa cấy xuống và phát triển rất nhanh, hiện đã bắt đầu đẻ nhánh, tuy nhiên nếu thời tiết tiếp tục nắng ấm thế này, khả năng lúa sẽ trổ sớm, nhất là những diện tích cấy sớm. “Trên địa bàn, chưa xuất hiện các đối tượng sâu bệnh hại, nhưng chúng tôi vẫn chỉ đạo các địa phương phối hợp cùng ngành BVTV bám đồng ruộng để có dự tính, dự báo chính xác, kịp thời, đồng thời khuyến cáo bà con thường xuyên thăm đồng để phát hiện, xử lý ngay khi đến ngưỡng phòng trừ, trong đó đặc biệt chú ý đến đối tượng bệnh đạo ôn trên cây lúa, tránh để xảy ra tình trạng cháy lá, hay xử lý không triệt để giai đoạn đạo ôn lá, tạo điều kiện cho đạo ôn cổ bông phát triển sẽ không có cách cứu vãn”- ông Dinh chia sẻ.

Vụ xuân năm nay, huyện Yên Thành gieo cấy 12.600 ha lúa. Ra đồng làm cỏ, sục bùn, bón thúc cho lúa từ mùng 4 Tết, chị Đỗ Thị Lan (xóm 5, xã Hoa Thành) cho biết: “4 sào lúa của gia đình được cấy xong từ trước Tết âm lịch, trời ấm nên lúa phát triển tốt. Tuy chưa thấy xuất hiện sâu bệnh trên ruộng nhưng theo khuyến cáo của xã, tôi kết hợp chăm sóc chú ý nếu phát hiện thấy sâu bệnh là thực hiện phun trừ ngay”. Hiện trên địa bàn huyện Yên Thành, trà lúa sớm đã chuẩn bị kết thúc đẻ nhánh, trà muộn bắt đầu đẻ nhánh.

Theo ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành, cây lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt, tuy nhiên do thời tiết ấm, khả năng lúa trổ sớm dễ xảy ra, nên huyện đang tập trung chỉ đạo bà con ra đồng tăng cường chăm sóc sớm, chăm sóc đủ để đảm bảo dinh dưỡng cho lúa phát triển tốt, đỡ trổ sớm, kết hợp kiểm tra phát hiện sâu bệnh để xử lý kịp thời.

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 89.7000 ha lúa, vượt 3.700 ha so với kế hoạch đề ra; trong đó có 150 ha được cấy bằng máy và gieo thẳng 8.000 ha, chủ yếu ở các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương và Nam Đàn. Theo đánh giá chung, đây là vụ xuân có bước khởi đầu khá thuận lợi, diện tích lúa gieo cấy đảm bảo tiến độ và vượt kế hoạch đề ra, hầu hết các địa phương đều gieo cấy xong trước Tết Nguyên đán và hiện bà con đang tập trung ra đồng chăm sóc cho lúa đẻ nhánh.

Theo ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trước mắt, sản xuất vụ xuân vẫn gặp phải một số khó khăn, đòi hỏi sự chăm sóc đúng phương pháp. Ở một số địa phương, bà con gieo mạ và ra đồng gieo cấy lúa sớm hơn lịch thời vụ của tỉnh từ 5 - 7 ngày, thậm chí 7 - 10 ngày. Trong khi đó, rét đậm năm nay đến sớm và cũng chấm dứt sớm, các đợt rét ngắn hơn mọi năm và dù trong các đợt rét thì ban ngày trời vẫn ấm, nên cây lúa phát triển nhanh, dễ trổ sớm làm giảm năng suất, nhất là ở những diện tích được gieo cấy sớm. Bà con nông dân cần tập trung chăm sóc, làm cỏ, bón phân cho lúa để giúp cây lúa đẻ nhánh sớm, nhiều và tập trung. Việc chăm sóc tốt, bón thúc đậm và sớm sẽ giúp cây lúa phát triển mạnh và kéo dài thêm thời gian sinh trưởng, giúp lúa có thể trổ đúng trong khung thời gian an toàn. 

Về sâu bệnh, dự báo khả năng cao nhất là nấm bệnh đạo ôn. Theo tổng hợp của Chi cục BVTV tỉnh, hiện bệnh đạo ôn lá đã phát sinh gây hại cục bộ với mức độ nhẹ trên một số diện tích tại xã Nghi Liên, Hưng Hòa, Vinh Tân (TP. Vinh); tuyến trùng rễ phát sinh gây hại trên 140 ha lúa gieo thẳng tại Hưng Nguyên, Nam Đàn. Ngoài ra, chuột, ốc bươu vàng cũng phát sinh gây hại cục bộ trên một số diện tích lúa tại TP. Vinh, các huyện Quỳnh Lưu, Con Cuông, Nam Đàn, Thanh Chương… Thời gian tới, điều kiện thời tiết ấm dần, xen kẽ các đợt không khí lạnh, ẩm độ không khí cao, kèm theo mưa, kết hợp với việc nông dân bón thúc đẻ nhánh cho lúa là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại. Đây là loại bệnh nguy hiểm, trên địa bàn tỉnh ta đã có những năm bệnh phát sinh gây hại nặng, gây cháy lá, mất hẳn nhiều diện tích lúa xuân; nếu không được phòng trừ tốt và kịp thời, ngoài tác hại tại chỗ, bệnh còn để lại mầm bệnh tàn dư, gây bệnh đạo ôn cổ bông, tác hại còn nặng nề hơn rất nhiều, vì lúc đó, cây lúa không còn thời gian và khả năng hồi phục.

Đối với loại bệnh này, cần đặc biệt chú ý đối với những giống lúa mẫn cảm với bệnh như AC5, BC15, Nghi Hương 2308... Các địa phương phải thường xuyên thăm đồng, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh một cách chính xác, kịp thời để có biện pháp xử lý hiệu quả. Bên cạnh đó, theo nhận định của các nhà chuyên môn, thời gian tới trên cây lúa sẽ dễ có khả năng xuất hiện rầy nâu, bà con cần thường xuyên thăm đồng để có biện pháp xử lý phù hợp theo khuyến cáo của cán bộ BVTV.

Hiện tại, nguồn nước trên địa bàn vẫn đang đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ xuân, tuy nhiên, với lượng mưa thiếu hụt trong năm 2014, chỉ đạt 60 - 70% trung bình nhiều năm, nên đến cuối mùa mưa năm 2014, hầu hết các hồ đập nguồn nước không đảm bảo so với thiết kế. Hiện tại, các địa phương tập trung mở nước phục vụ cho làm đất, gieo cấy và chăm sóc lúa, nhưng không có nguồn bổ sung, lượng nước ở các hồ đập đang giảm mạnh. Theo ông Nguyễn Trường Thành, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, trước mắt sẽ khó khăn ở thời kỳ lúa làm đòng, trổ bông, các địa phương và người dân cần có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, không thấy được đáp ứng đủ về nguồn nước mà sử dụng tràn lan, khả năng hạn hán sẽ rất có thể xảy ra ngay từ vụ xuân và khó khăn cho sản xuất hè thu. 

Toàn huyện Thanh Chương gieo trồng khoảng 8.200 ha lúa; trong đó có 7.600 ha lúa lai. Trước đó, các địa phương trong huyện đã căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng loại giống để bố trí lịch gieo mạ, đồng thời diện tích mạ 100% được phủ ni lông, nên đảm bảo cây mạ phát triển tốt. Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã khuyến cáo bà con nông dân chăm sóc, làm cỏ, sục bùn, bón thúc và theo dõi diễn biến sâu bệnh để có biện pháp khắc phục kịp thời và có hiệu quả. Thanh An là một trong những xã có diện tích trồng lúa không mấy thận lợi, ruộng bậc thang, hóc chọ nhiều, nhiễm phèn chua. Toàn xã gieo trồng khoảng trên 300 ha lúa, trong đó có các loại giống Nhị ưu 986, ZZD004, ZZD001 và một số giống khác vừa năng suất cao, ít sâu bệnh. Sau Tết Nguyên đán, UBND xã Thanh An tăng cường chỉ đạo bà con nông dân xuống đồng chăm sóc bón lót, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh; như sâu đục thân, sâu cuốn lá nhằm đảm bảo năng suất về sản lượng...

Đến nay, cùng với lúa, toàn tỉnh cũng đã gieo trồng được 16 nghìn ha lạc, 15 nghìn ha ngô, hiện bà con đang tiếp tục gieo trồng để đảm bảo kế hoạch đề ra là 17 nghìn ha lạc và 17 nghìn ha ngô. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Lập, những diện tích đất ẩm, thấp quá và đã hết lịch thời vụ, khoảng sau ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, tức là khoảng gần cuối tháng 2 dương lịch, bà con không nên gieo lạc nữa mà nên chuyển sang trồng ngô, không nên gieo muộn quá để tránh cây lạc ra hoa gặp gió tây nam. Hiện lạc, ngô đang phát triển tốt, bà con cần tiến hành chăm sóc xới xáo, làm cỏ, tập trung chăm sóc đợt 1, nhất là ở những diện tích không được phủ ni lông, trong điều kiện nắng ấm thế này, có thể phun thuốc kích thích sinh trưởng ở những diện tích lạc khi gieo bị đất ướt, phát triển kém. Trên cây lạc, đã xuất hiện một số loại sâu bệnh hại gây hại rải rác với mức độ nhẹ, theo dự báo thời gian tới các đối tượng như bệnh lở cổ rễ, bệnh thối gốc mốc đen, mốc xám… sẽ gây hại trong thời gian tới. Cần thường xuyên thăm đồng để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất lạc... 


Có thể bạn quan tâm

giong-lua-made-in-binh-dinh Giống lúa 'Made in Bình… phong-tru-benh-dao-on-tren-lua-xuan-2017 Phòng trừ bệnh đạo ôn…