Chăm Sóc Và Bảo Vệ Tôm Cá Trong Mùa Mưa
1. Chăm sóc tôm
Tôm sú là loài động vật có máu lạnh, nhiệt độ cơ thể của tôm có thể thay đổi trong một khoảng nhiệt độ giới hạn. Tuy nhiên tôm sẽ bị yếu, sốc và có thể chết hàng loạt nếu các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột vượt khỏi giới hạn cho phép.
Khi trời mưa, nhiệt độ môi trường, độ mặn, pH giảm đột ngột; giảm oxy hoà tan trong nước. Cách khắc phục: phối hợp các phương pháp sau: không nuôi tôm với mực nước quá cạn; khuấy động nước trong ao (ví dụ chạy quạt) để giảm phân tầng: giảm biến động nhiệt độ, độ mặn, oxy...
Nước mưa có tính axit mưa cũng làm rửa trôi phèn từ bờ ao, nên sẽ làm cho pH trong ao nuôi tôm giảm. Để hạn chế, hãy bón vôi xung quanh bờ ao khoảng 10kg/100m2 và sau khi mưa, nên hòa vôi tạt xuống ao khoảng 10-20kg/1ha (nước cao 1m).
Việc chăm sóc tôm nuôi trong mùa mưa, nhất là khi có những cơn mưa liên tục kéo dài gây nhiều khó khăn cho người nuôi, kể cả những người nuôi có kinh nghiệm, từ việc xả nước mặt cho đến tăng giảm lượng thức ăn cho hợp lý tránh dư thừa thức ăn. Một trong những giải pháp thường thấy đó là:
Khi mưa to, mực nước ao nuôi lên cao, cần xả bớt nước mặt để tránh giảm độ mặn đột ngột. Khi sắp đến giờ cho tôm ăn cần theo dõi thời tiết, nếu thấy trời âm u sắp mưa, cần giảm lượng thức ăn hoặc thậm chí ngừng cho ăn nếu cơn mưa đến gần, chờ đến khi ngớt mưa cho ăn với số lượng giảm 30-50% lượng thức ăn bình thường. Để bảo đảm sức đề kháng và giảm khả năng mềm vỏ cho tôm, cần trộn vào bữa chính các loại Vitamin tổng hợp + khoáng chất + Vitamin C mỗi ngày.
2. Bảo vệ tôm cá nuôi
Để thu hoạch cá, tôm đạt kết quả cao, ngư dân, nông dân các vùng cần làm tốt việc bảo vệ cá tôm nuôi trong mùa lụt bão. Các giống cá nuôi truyền thống như cá mè, trôi, trắm, chép sống ở ao hồ nước ngọt, có nguồn gốc sinh sản trên sông nên về mùa mưa cá thường di cư ngược dòng sông lên thượng nguồn các con sông lớn để đẻ trứng.
Các loại tôm sú, tôm càng xanh, cá mới nhập về như cá chim trắng, cá rô phi Đài Loan, cá rô phi đơn tính nuôi trong ao, đầm nước tĩnh khi gặp nước mới rò rỉ vào, cá tôm đều tìm cách chui đi nhanh chóng. Nhất là cá rô phi nuôi trong ao hồ khi gặp nước rò rỉ vào hoặc vỡ bờ, cá tập trung ngược dòng đi nhanh. Nếu bảo vệ không tốt thì cá, tôm giống đi hết, ảnh hưởng đến đàn giống nuôi năm nay và năm sau.
Biện pháp bảo vệ đàn cá nuôi trong mùa mưa bão: Củng cố, tu bổ các công trình nuôi; từng đơn vị, cá nhân, gia đình nuôi cá tôm phải kiểm tra lại bờ cống, ao nuôi, các bờ ao phải đắp cao hơn mức nước mưa cao nhất từ 0,4-0,5m trở lên. Đầm nện chắc chắn, tránh rò rỉ, tràn bờ. Đăng cống phải dọn sạch để nước thoát nhanh, không để đọng tắc nước thoát không kịp cá đi, nhất là vùng kết hợp nuôi cá với cấy lúa.
Những vùng nuôi lớn có thể cắm đăng hình chữ V để tăng diện tích thoát nước, nước chảy nhanh. Nuôi cá lồng bè ở sông, hồ: Kiểm tra lại lồng bè, tu sửa lại những nơi xung yếu, vệ sinh tẩy dọn lại lồng sạch sẽ, thoát nước nhanh; củng cố lại các dây neo, di chuyển lồng, bè vào những nơi kín gió, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão gió lớn làm vỡ lồng, bè.
Bà con cần thu hoạch tôm, cá trước tháng 10, hạn chế thiệt hại do mưa bão, làm vỡ ao, lồng. Những vùng nuôi ao hồ, cá con nhỏ chưa thu hoạch, ngoài việc củng cố lại bờ vùng, đăng cống, người nuôi cần phải có lưới, đăng cọc dự trữ khi mưa bão xảy ra, chủ động chắn giữ cả vùng hoặc những nơi xung yếu.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ