Mô hình kinh tế Chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa và bền vững giải pháp nào tạo đột phá

Chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa và bền vững giải pháp nào tạo đột phá

Ngày đăng 25/09/2015

Chuyển biến nhưng chưa mạnh

Được sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều phía, năm 2009 ông Bùi Việt Tín ở thôn Mỹ Cang (xã Tam Thăng, Tam Kỳ) đầu tư vốn xây dựng gia trại chăn nuôi gà trên khu đất vườn của mình với số lượng thả nuôi mỗi lứa chừng 500 con.

Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi nhằm tạo động lực xây dựng thành công mô hình nông thôn mới, năm 2011 chính quyền xã Tam Thăng cho ông Tín mượn 10ha đất màu bỏ hoang tại thôn Mỹ Cang để hình thành trang trại chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học với quy mô lớn.

Theo ông Tín, ngoài diện tích đất rộng thì trang trại gà của ông còn có nhiều yếu tố thuận lợi khác là nằm cách xa khu dân cư, không bị ngập úng vào mùa mưa, thoáng mát về mùa hè, nguồn nước ngầm thường xuyên đảm bảo và ít gây ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng.

Từ khi đưa trang trại vào sản xuất đến nay, bình quân một năm ông nuôi 2 lứa gà, mỗi lứa khoảng 25 - 30 nghìn con, thậm chí có lứa lên đến 40 nghìn con. Tổng doanh thu bình quân hàng năm của trang trại gà ông Tín đạt hơn 4,3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí và khấu hao tài sản cố định, ông lãi ròng gần 2 tỷ đồng.

Chăn nuôi gà theo hướng tập trung sẽ hạn chế được dịch bệnh và cho giá trị kinh tế cao.

Theo ngành nông nghiệp, trong 5 năm trở lại đây tổng đàn gà trên địa bàn tỉnh liên tục tăng mạnh. Nếu cuối năm 2010 toàn tỉnh chỉ có hơn 3,1 triệu con gà thì đến thời điểm này đã tăng lên gần 4,2 triệu con.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, hiện nay Quảng Nam có 61 trang trại, 327 gia trại chăn nuôi gà có quy mô vừa và lớn với tổng số lượng xấp xỉ 887 nghìn con, chiếm 21% tổng đàn gà của tỉnh.

Nhờ các doanh nghiệp và nông dân chú trọng đầu tư khâu giống, kỹ thuật, nhất là nỗ lực chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng tập trung nên những năm gần đây sản lượng thịt và trứng gà luôn tăng đều qua các năm. Năm 2014 tổng sản lượng thịt gà Quảng Nam xuất bán ra thị trường là 6.418 tấn, tăng 2.459 tấn so với năm 2010.

Một số ý kiến cho rằng, mặc dù thời gian qua ngành chăn nuôi gà của Quảng Nam đã có những bước chuyển biến tích cực nhưng thực tế cho thấy việc phát triển lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương và còn rất nhiều khó khăn, hạn chế.

Theo đó, tuy năng suất đã được cải thiện nhưng so với yêu cầu đặt ra thì vẫn còn thấp, rồi giá thành sản phẩm cao, khả năng cạnh tranh kém khiến nhiều thời điểm người nuôi bị thua lỗ hoặc không có lãi.

Đặc biệt, tình hình dịch bệnh trên đàn gà vẫn còn diễn biến rất phức tạp, nhất là một số bệnh truyền nhiễm như Gumboro, Newcastle…

Tạo cú hích bằng cách nào?

Mới đây, tại TP.Hội An, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển ngành chăn nuôi gà”. Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, muốn đưa lĩnh vực chăn nuôi gà phát triển theo hướng hàng hóa và bền vững trong những năm tới, cần sớm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo đại diện ngành nông nghiệp Quảng Nam, để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, tỉnh đang khuyến khích chuyển đổi mạnh sang phương thức chăn nuôi gà trang trại, gia trại. Trong đó, trang trại chăn nuôi công nghiệp của các doanh nghiệp lớn là nhân tố quyết định khả năng cạnh tranh. Đồng thời tăng quy mô chăn nuôi nông hộ, nuôi thả vườn có kiểm soát theo hướng an toàn sinh học...

Trong khi đó, ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị chính quyền các địa phương cần dành quỹ đất phù hợp quy hoạch xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, kéo dài thời gian cho thuê đất để người chăn nuôi có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, nên đa dạng hóa các hình thức và phương thức tín dụng theo hướng tạo điều kiện để những tổ chức, cá nhân đầu tư chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm… dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.

Theo ông Điều, ngoài việc chú trọng đến khâu tiêm phòng vắc xin, vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng, thời gian tới Quảng Nam nói riêng và các tỉnh, thành phố khác nói chung phải đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi – thú y cho người dân.

“Đây được xem là tiền đề quan trọng nhằm giúp người chăn nuôi gà có kỹ thuật chăm sóc bài bản, đồng thời phòng trừ hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm. Qua đó sẽ nhanh chóng nâng cao năng suất, sản lượng và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh gây ra” – ông Điều nói.

Một số chuyên gia đến từ Cộng hòa Liên bang Đức thì nêu ý kiến, các cơ quan có trách nhiệm cần phải siết chặt khâu quản lý chất lượng con giống.

Theo đó, tuyệt đối không cho sử dụng gà thương phẩm làm gà giống bố mẹ, bắt buộc những cơ sở sản xuất, kinh doanh giống phải công bố tiêu chuẩn chất lượng giống.

Đồng thời kiểm soát chặt chẽ các cơ sở ấp trứng gà, sản xuất và cung ứng giống. Cạnh đó, các ngành liên quan, chính quyền cấp cơ sở và người chăn nuôi cũng phải tích cực đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong khâu sản xuất con giống, chế biến nguồn thức ăn tại chỗ nhằm giảm chi phí đầu tư và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm gà thịt, gà giống, trứng gà…


Có thể bạn quan tâm

se-sua-doi-chinh-sach-phat-trien-thuy-san Sẽ sửa đổi chính sách… nguoi-trong-tieu-thang-lon-nho-nang-suat-cao-gia-on-dinh Người trồng tiêu thắng lớn…