Mô hình kinh tế Chăn nuôi gia cầm sống khỏe với TPP

Chăn nuôi gia cầm sống khỏe với TPP

Ngày đăng 27/09/2015

Gia cầm thịt mất 30% giá trị/con

Theo báo cáo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, hiện nay Việt Nam được xếp thứ 21 thế giới về sản xuất thịt gia cầm và là nước có tổng đàn vịt đứng thứ 2 thế giới, thuộc nhóm quốc gia có sản lượng thịt và trứng vịt lớn nhất.

Thực tế cho thấy, gia cầm là vật nuôi có nhiều lợi thế, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Bên cạnh những thuận lợi, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế bởi quy mô nhỏ lẻ (chiếm tới 65 - 70%), thiếu tính liên kết giữa sản xuất và thị trường, năng suất gia cầm thấp, chỉ đạt 50% so với mức trung bình thế giới.

Đáng nói là chất lượng con giống tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu, các chi phí đầu vào từ con giống, thức ăn, thuốc thú y… đều cao, dẫn tới giá thành sản xuất lớn, làm giảm khả năng cạnh tranh.

Người dân xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) chăm nuôi đàn gà của gia đình.

Nhận định về mô hình tăng trưởng của gia cầm Việt Nam, TS Dương Xuân Tuyển – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vàPhát triển chăn nuôi gia cầm Vigova cho rằng: “Chăn nuôi gia cầm vẫn thiên về nhân công giá rẻ, gần như chỉ gia công nên giá trị gia tăng thấp. Một doanh nhân Đài Loan nói với chúng tôi, một con gia cầm thịt ở Việt Nam mất tới 30% giá trị do công nghệ chế biến yếu, điều này chính là nguyên nhân ngăn cản việc mở rộng thị trường”.

Tại hội thảo Tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam trước thềm hội nhập TPP vừa tổ chức tại Hà Nội, TS Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, trong số 12 quốc gia tham gia TPP, Việt Nam là nước kém phát triển nhất.

Vì vậy “sân chơi” này đang đặt ra những thách thức lớn cho nước ta, tạo ra sức ép cạnh tranh trực tiếp đối với sản xuất gia cầm trong nước. Nếu không sớm thay đổi cách làm ăn thì ngành chăn nuôi gia cầm sẽ bị “bóp nghẹt” bởi sản phẩm gia cầm nhập khẩu.

Theo ông Tuyển, để nâng cao hiệu quả cạnh tranh cho các chuỗi giá trị sản xuất gia cầm, chúng ta cần gắn sản xuất với sơ chế, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó là xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm công nghiệp tập trung, thay thế dần các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại các địa phương.

Đầu tư mạnh cho con giống

Giải pháp trước mắt là xây dựng HTX chăn nuôi gia cầm tự nguyện chuyên ngành không hạn chế về địa lý hành chính với quy mô tối thiểu 1 triệu con/năm, trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường.

Một mặt, các HTX tự liên kết chăn nuôi theo VietGAP, xây dựng thương hiệu với chỉ dẫn địa lý, mặt khác phải liên kết với các DN để có đầu ra tốt”.

PGS-TS Lê Thanh Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam

Để tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam, đại diện Công ty cổ phần ĐTK khẳng định cần áp dụng mô hình liên kết chuỗi trong nội bộ doanh nghiệp (DN).

Đây là mô hình có nhiều ưu điểm, giúp quản lý tốt từ khâu con giống, thức ăn, phòng dịch, chăn nuôi đến chế biến và tiêu thụ. Trong chuỗi này có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà máy chế biến thức ăn với cơ sở sản xuất con giống và các trại chăn nuôi, đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Tuy nhiên, để mô hình này phát triển hơn nữa, cần sự vào cuộc, hỗ trợ của các ngành và địa phương về đất đai, vốn...

Về vấn đề này, đại diện Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh đang nhen nhóm một số chuỗi liên kết như DN cung cấp thức ăn bắt tay với các hộ chăn nuôi đưa thức ăn đến tận trại nuôi, sau đó thu hồi tiền thông qua sản phẩm chăn nuôi, trứng và thịt được các DN thu mua để chế biến và xuất khẩu.

Thời gian tới, An Giang sẽ hỗ trợ, củng cố và hoàn chỉnh thành chuỗi liên kết.

Trước bài toán để chăn nuôi gia cầm “sống khỏe” trước TPP, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, đến nay đa số người Việt Nam vẫn tiêu dùng thịt tươi, trong khi nhập khẩu chủ yếu là thịt đông lạnh.

Thói quen tiêu dùng này sẽ là “lá chắn” giúp ngành gia cầm Việt Nam còn đủ thời gian để tái cơ cấu. Liên kết chuỗi thôi chưa đủ, cách đối phó khôn ngoan nhất là tìm những sản phẩm có tính rủi ro thấp nhất để mở cửa trước cho các nước thành viên TPP đưa hàng vào.

Gà lông trắng không phải là lợi thế của VN, nhưng gà lông màu, gà bản địa đang phát triển với giá trị gia tăng cao nên có thể phát triển giống gà này.

Theo ông Chinh, cần đầu tư mạnh cho con giống, bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao để vừa nâng cao chất lượng, vừa giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm... 


Có thể bạn quan tâm

giong-lua-lai-f1-san-luong-vuot-moc-6-000-tan Giống lúa lai F1 sản… tiep-von-phat-trien-nghe-trong-quat-canh Tiếp vốn phát triển nghề…