Mô hình kinh tế Chăn Nuôi Heo Theo Hướng Bền Vững, Đảm Bảo Môi Trường

Chăn Nuôi Heo Theo Hướng Bền Vững, Đảm Bảo Môi Trường

Ngày đăng 06/06/2013

Trách nhiệm của ngành chức năng

Chăn nuôi heo trên đệm lót sinh thái bước đầu được người chăn nuôi đánh giá là hiệu quả nhất so với các phương pháp nuôi truyền thống về việc xử lý mùi hôi và hạn chế thấp nhất tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ quan nào có thể mạnh dạn trả lời cho câu hỏi: “Nên hay không nên nhân rộng mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh thái?”.

Một số lợi ích ban đầu từ đệm lót sinh thái đã thấy rõ tiết kiệm được 80% nước sử dụng, 60% công lao động, 10% thức ăn. Môi trường chăn nuôi trong lành, giảm một số bệnh thông thường, chi phí thuốc thú y giảm, vật nuôi vận động tự do, thoải mái, tỷ lệ nạc cao hơn.

Giải quyết ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi là vấn đề cấp thiết

Mỏ Cày Nam là huyện chăn nuôi heo tập trung, có đàn heo duy trì ổn định ở mức cao (trên 200.000 con), chiếm khoảng 50% tổng đàn heo toàn tỉnh. Thị trường tiêu thụ heo thương phẩm và con giống đã rộng khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông.

Cùng với phát triển kinh tế chăn nuôi, vấn để xử lý chất thải trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường luôn là vấn đề trăn trở của địa phương. Nhiều chương trình, dự án xử lý chất thải được đưa vào thực hiện như túi khí sinh học, hầm khí sinh học, dự án trình diễn cải thiện môi trường chăn nuôi tại xã Đa Phước Hội… Song, các giải pháp trên chỉ cải thiện phần nào ô nhiễm môi trường.

Vai trò của ngành chức năng

Đồng thời với phát triển kinh tế chăn nuôi là yêu cầu bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo chăn nuôi có thể phát triển bền vững. Mô hình mới xuất hiện (đệm lót sinh thái) có ưu điểm là thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, với cách nuôi mới này, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được các thông số cần biết liên quan đến chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sức khỏe con người trong khu vực chăn nuôi và các tác động khác từ đệm lót sinh thái đối với môi trường xung quanh về lâu dài (nếu có).

Tiến sĩ Trần Ngọc Bích - Giảng viên chính Bộ môn Thú y Khoa Nông nghiệp sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Hiện vẫn chưa có cơ sở khoa học để chứng minh hay đánh giá toàn diện tính hiệu quả và cả những tác động của chế phẩm sinh học hay đệm lót sinh thái. Như vậy, “nên hay không nên áp dụng mô hình là yếu tố tự cân nhắc lựa chọn của người chăn nuôi” - các diễn giả cho biết như vậy tại một cuộc hội thảo về phát triển chăn nuôi tại huyện Mỏ Cày Nammới đây.

Chi cục Thú y Bến Tre cũng nêu lên vấn đề băn khoăn: Chính vì chưa có đánh giá, phân tích đối chứng giữa mô hình chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi trên đệm lót sinh thái, nên nếu có dịch bệnh xảy ra thì đây có thể là ổ gây mầm bệnh? Chi cục cũng đề nghị, nếu người chăn nuôi áp dụng mô hình mới này thì nên lưu ý áp dụng đúng kỹ thuật hướng dẫn và chú trọng tiêm phòng đối với các bệnh bắt buộc.

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cùng lo ngại: Hiện nay, chưa thể biết rõ các thành phần trong chế phẩm là gì. Khi pha chế lên men sử dụng, liệu có dòng vi sinh nào ảnh hưởng đến sức khỏe con người và cây trồng hay có phát sinh mầm bệnh nào khác?

Thiết nghĩ, để trả lời tất cả những vấn đề đặt ra như trên, các nhà khoa học, nhất là các ngành hữu quan cần có những nghiên cứu, đánh giá, phân tích cụ thể để làm cơ sở cho người dân về câu hỏi “nên hay không nên đẩy nhanh việc nhân rộng mô hình mới vào chăn nuôi?”.


Có thể bạn quan tâm

gia-ga-giam-manh-nguoi-chan-nuoi-lao-dao Giá Gà Giảm Mạnh, Người… nuoi-heo-ga-tren-mun-cua Nuôi Heo, Gà Trên Mùn…