Chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học
Trong thời gian qua, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng tại nhiều tỉnh, thành và cả TPHCM đã gặp nhiều khó khăn; đòi hỏi phải có một phương thức chăn nuôi mới an toàn, giảm chi phí giá thành, hạn chế ô nhiễm môi trường, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học
Trước thực trạng này, Trung tâm Khuyến nông TPHCM đã chọn mô hình “Nuôi heo trên nền đệm lót sinh học” (ảnh) để triển khai cho những hộ chăn nuôi ở các huyện ngoại thành.
Mô hình trên giúp bà con thực hiện phương thức nuôi heo sinh học, thay đổi tập quán chăn nuôi cũ, lạc hậu, góp phần bảo vệ môi trường và cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Qua quá trình thực hiện, các hộ nuôi heo đã ghi nhận những lợi ích từ mô hình, giúp heo tăng trưởng, phát triển tốt trong môi trường đệm lót, ít nhiễm bệnh hô hấp và đường ruột, nhờ đó giảm chi phí sử dụng thuốc thú y.
Mô hình tiết kiệm được 10% chi phí thức ăn; 60% công lao động; 80% chi phí điện, nước; đặc biệt là giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do phân thải ra, không gây mùi hôi như cách nuôi heo truyền thống, hạn chế ruồi muỗi. Ngoài ra, nuôi heo trên nền đệm lót sinh học còn tiết kiệm được chi phí vật liệu làm nền bê tông, đệm lót sau khi sử dụng được dùng làm phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng.
Hộ ông Phạm Văn Cẩm (ngụ tại ấp Sa Nhỏ, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) cho biết: “Được Trung tâm Khuyến nông TPHCM hỗ trợ, gia đình tôi nuôi heo theo mô hình trên và thấy rõ có nhiều hiệu quả thiết thực, tiết kiệm chi phí thức ăn, trọng lượng heo tăng nhanh hơn so với chăn nuôi thông thường. Đồng thời tiết kiệm được nước do không phải tắm heo, rửa chuồng, mà chỉ phải cho heo uống nước bằng vòi nước tự động”.
Còn ông Nguyễn Văn Xén (ngụ tại ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) chia sẻ: “Nuôi heo trên nền đệm lót sinh học giúp tiết kiệm chi phí lao động do giảm được công tắm heo, rửa nền và dọn chuồng. Ngoài ra, còn hạn chế ô nhiễm môi trường, phòng chống các bệnh dịch có hại, heo giảm tỷ lệ mắc bệnh so với cách nuôi truyên thống rất nhiều. Nhận thấy mô hình hiệu quả, thời gian qua tôi đã nhân rộng thêm nhiều hộ ở địa phương cùng nuôi heo theo phương thức sinh học này”.
Ông Phan Văn Phi (ngụ ấp 3, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi) cho biết: “Sau khi thực hiện hình thức chăn nuôi này, đàn heo phát triển tốt, ít bệnh, tăng trọng nhanh. Do vậy, tôi tiếp tục áp dụng cho các đợt nuôi heo tiếp theo. Mô hình này không chỉ giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế mà còn giúp chất lượng thịt nạc được nâng lên, cung cấp sản phẩm heo sạch cho người tiêu dùng”.
Ông Nguyễn Văn Thuận, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông TPHCM, nhận xét: “Đây là mô hình có nhiều ưu điểm, giúp nông hộ tiết kiệm nhiều chi phí. Ngoài ra, người nuôi heo dễ định hướng được cách bố trí, thiết kế khu vực thích hợp để xử lý nước thải, hạ chi phí trong việc đầu tư mô hình và còn khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Để duy trì và phát triển nghề chăn nuôi heo theo hướng an toàn, bền vững, bà con nên quan tâm nhiều hơn về việc áp dụng mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh học để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế cho nông hộ”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ