Mô hình kinh tế Chăn Nuôi Nhỏ Lẻ Ngày Càng Thất Thế

Chăn Nuôi Nhỏ Lẻ Ngày Càng Thất Thế

Ngày đăng 21/11/2014

Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang yếu thế khi phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu thì sắp tới, ngành này lại phải đối mặt với con sóng lớn khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Đặc biệt, chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất.

Tại buổi hội thảo “Cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người chăn nuôi nhỏ tại Việt Nam” do Liên minh Nông nghiệp tổ chức ngày 18-11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn Miền Nam (SCAP), một trong những người thực hiện báo cáo cho hay, ngay từ khâu đầu tiên là giống thì có một xu hướng là ngành chăn nuôi ngày càng phải nhập nhiều giống hơn do giống ngoại ít bệnh hơn, lớn nhanh hơn và các công ty thức ăn chăn nuôi cũng cung cấp các giống ngoại thích hợp dùng thức ăn công nghiệp của họ.

Tiếp đến là khâu thức ăn chăn nuôi - khâu quan trọng nhất và chiếm tỉ trọng lớn nhất trong chuỗi giá trị ngành chăn nuôi (70%) - thì hiện thị phần thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp nước ngoài chiếm tới 50%.

“Đặc biệt, mức độ tập trung vào các doanh nghiệp FDI đang có xu hướng tăng lên qua các năm là một dấu hiệu cho thấy sự độc quyền trong ngành này” – ông Giáp nói. Thực tế, mặc dù giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới ổn định, sản lượng thức ăn chăn nuôi nội địa tăng, thuế VAT 5% cũng đã được bãi bỏ, nhưng giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường vẫn luôn tăng, gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi Việt Nam.

Việc phụ thuộc lớn vào nguyên liệu đầu vào như giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đã khiến cho ngành chăn nuôi điêu đứng trong thời gian qua. Tuy nhiên, nghiên cứu này cho thấy, ngành này sẽ gặp phải “sóng” lớn khi TPP được ký kết. Khi đó, chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều.

“TPP sẽ ảnh hưởng đến người chăn nuôi nhỏ nhiều hơn so với người chăn nuôi quy mô lớn” – ông Giáp nói. Các trang trại chăn nuôi quy mô lớn sẽ không bị ảnh hưởng, mà còn phát triển thêm để thay thế cho các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ bị mất đi. TPP dự báo sẽ làm lợi cho các hộ chăn nuôi lớn, và về tổng thể ngành chăn nuôi sẽ không bị sụt giảm nhiều về sản lượng, tuy giá sản phẩm chăn nuôi sẽ giảm đôi chút.

Trong khi đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng, các chính sách hiện hành chỉ thúc đẩy và hỗ trợ chăn nuôi quy mô lớn và chăn nuôi tập trung mà không có lợi gì cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Theo báo cáo này, để phát triển toàn diện và bền vững ngành chăn nuôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như xây dựng chiến lược và quy hoạch chăn nuôi hoàn chỉnh cho cả nước; kiểm soát nhập lậu sản phẩm thịt; kiểm soát độc quyền và nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh trong thị trường thức ăn chăn nuôi; siết chặt khâu kiểm soát vệ sinh môi trường chăn nuôi; kiểm soát hiệu quả thị trường thuốc thú y; xây dựng mạng lưới kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm cho hệ thống giết mổ và phân phối thịt; hỗ trợ hình thành hiệp hội người tiêu dùng thịt.

Nguồn bài viết: http://www.thesaigontimes.vn/122812/Chan-nuoi-nho-le-ngay-cang-that-the.html


Có thể bạn quan tâm

muong-khuong-lao-cai-bao-ton-va-phat-trien-ga-den Mường Khương (Lào Cai) Bảo… phai-bao-dam-an-toan-khi-chan-nuoi-ca-sau Phải Bảo Đảm An Toàn…