Chăn nuôi quy mô lớn và bài toán bảo vệ môi trường
Trong những năm qua, nhiều mô hình chăn nuôi đã tạo nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân ở tỉnh ta, đem lại nguồn thu nhập cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân địa phương. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng đàn vật nuôi và mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư thì tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải xả ra đang ở chiều hướng báo động.
Nhiều các trang trại, gia trại nằm xen kẽ trong các khu dân cư, có quỹ đất nhỏ hẹp không đủ diện tích xây dựng các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý chất thải, nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép, không đảm bảo khoảng cách vệ sinh đến khu dân cư gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân xung quanh. Trong số các trang trại chăn nuôi tập trung và các hộ chăn nuôi quy mô lớn đang hoạt động, nhiều hộ đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng hệ thống hầm biogas, qua lắng lọc sau đó thải ra môi trường, hoặc chất thải chăn nuôi được xử lý bằng đệm lót sinh học.
Tuy nhiên các biện pháp này chỉ giảm thiểu ô nhiễm khi số đàn gia súc gia cầm vừa đủ, nước thải sau xử lý vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khi các cơ sở không tuân thủ quy trình sản xuất, quy trình vận hành hệ thống xử lý chất thải. Thực tế cho thấy, công nghệ xử lý biogas không triệt để được nguồn gây ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi, do đó rất cần có các biện pháp hỗ trợ, xử lý sau biogas như xây ao hồ sinh học, vườn cây...
Do chi phí đầu tư và vận hành để xử lý triệt để các chất gây ô nhiễm rất tốn kém; các biện pháp hỗ trợ sau biogas lại cần có diện tích đất để xây dựng các ao hồ sinh học, vườn cây nhằm tận dụng nước thải làm nước tưới nên việc đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh của chủ chăn nuôi. Bởi vậy, hầu hết các chủ trang trại đều trốn tránh đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, việc yêu cầu các trang trại xử lý chất thải, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của các trang trại vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Duy Nho, ở khu Đồng Hẹ, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn hiện đang có trang trại nuôi khoảng 4.000 con lợn. Mặc dù ở khu vực miền núi, diện tích đất rộng rãi nhưng xử lý chất thải cho đàn lợn cũng là vấn đề khiến ông khá đau đầu. Trước đây, để xử lý chất thải thì ông dùng các loại men vi sinh, đệm lót sinh học. Lượng chất thải đem bán cho người trồng chè trong vùng. Tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết triệt để được vấn đề chất thải chăn nuôi. Hiện nay ông đang đầu tư nghiên cứu để lắp đặt hệ thống xử lý chất thải thành phân vi sinh. Ông Nho cho biết: Nếu chăn nuôi số lượng lớn thì chất thải xử lý sẽ có chỗ bán, nhu cầu mua phân bón của các hộ trồng rừng, trồng chè trong vùng khá lớn. Không chỉ ở trong tỉnh mà ngay ở các huyện lân cận hoặc Yên Bái, Sơn La cũng có người tìm đến và đặt mua phân chuồng của tôi.
Tổng số trang trại, gia trại hiện có trên địa bàn tỉnh theo tiêu chí mới năm 2014 là 87 trang trại, 10 doanh nghiệp có chăn nuôi, 2.047 gia trại chăn nuôi lợn và 128 gia trại chăn nuôi gia cầm. Các trang trại tập trung chủ yếu ở các huyện: Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông, Đoan Hùng, Yên Lập, thị xã Phú Thọ. Không kể các trang trại, quy mô các gia trại chỉ ở mức độ vừa và nhỏ nuôi khoảng vài chục đến hơn 100 con lợn, vài trăm đến trên 1.000 con gà. Do đó, việc đầu tư để xây dựng hệ thống xử lý chất thải khá tốn kém. Ở các huyện như Tân Sơn, Thanh Sơn, Hạ Hòa đã có một số doanh nghiệp như CPI, Jafa đầu tư xây dựng các cơ sở chăn nuôi, hệ thống các gia trại, trang trại nuôi gia công cho các doanh nghiệp trên. Đối với các doanh nghiệp thì đã có những quy định về việc đảm bảo xử lý môi trường khi được cấp phép đầu tư kinh doanh.
Trên thực tế hiện nay, các trang trại, gia trại nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đều xây dựng hệ thống xử lý chất thải bằng biogas. Được biết các trang trại quy mô lớn thì lượng phân do vật nuôi thải ra đã có khá nhiều nơi trồng rau, cây ăn quả, cây công nghiệp trong và ngoài tỉnh đặt mua. Điển hình như một số trang trại nuôi gà ở Việt Trì mỗi năm tiền bán phân cho người trồng rau ở Vĩnh Tường cũng lên đến hàng trăm triệu đồng hay như một vài trang trại nuôi lợn ở huyện Thanh Sơn cũng bán cho người trồng chè ở trong huyện, người trồng cam ở Cao Phong (Hòa Bình)...
Tuy nhiên đối với lượng nước thải hiện nay thì lại chưa có giải pháp xử lý triệt để, ngoài việc ô nhiễm không khí còn có thể ảnh hưởng đến các tầng nước ngầm, để lại hậu quả lâu dài. Hiện nay trên thế giới có khá nhiều công nghệ để xử lý chất thải chăn nuôi như chế biến thành phân bón hữu cơ, phân bón dạng lỏng của Hàn Quốc, Úc, Thái Lan.... đã được một số doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn áp dụng. Tuy nhiên, đối với các gia trại, trang trại trên địa bàn tỉnh thì để áp dụng công nghệ này tương đối khó khăn do chi phí đầu tư khá cao, từ sáu, bảy trăm triệu đến hàng tỷ đồng nên biogas vẫn là giải pháp chủ yếu, có hiệu quả tương đối tốt đối với các hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
Vấn đề xử lý chất thải trong chăn nuôi hiện nay đang gây rất nhiều khó khăn trong quá trình đưa nền chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững, xóa dần hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ. Để giải quyết bài toán này, ngành nông nghiệp và lãnh đạo tỉnh cần xem xét, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô lớn đầu tư vào các công nghệ mới, tiên tiến; quy hoạch, xây dựng vùng chăn nuôi tập trung cách xa khu dân cư theo hình thức vùng sản xuất nông nghiệp cận đô thị vệ tinh; kiên quyết không cấp phép đầu tư, xử lý nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp, trang trại không đảm bảo các giải pháp xử lý môi trường...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ