Chăn Nuôi Trâu, Bò Cần Lối Đi Bền Vững
Từ lâu, người dân ở các vùng An Ninh, Vạn Ninh... thuộc huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vẫn quen chăn nuôi trâu, bò theo lối chăn thả, phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên.
Hiện nay khi nguồn thức ăn này không còn dồi dào như trước thì việc chăn nuôi của bà con trở nên khó khăn hơn. Để ngành chăn nuôi trở thành một nghề mang tính ổn định, lâu dài thì đòi hỏi người nông dân cần thay đổi phương thức chăn nuôi của mình.
Khi diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp...
Với lợi thế là những cánh đồng cỏ tự nhiên do địa hình bán sơn địa tạo nên, các xã An Ninh, Vạn Ninh được xem là một trong những vùng có điệu kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển chăn nuôi, nhất là trâu, bò. Qua hằng năm số lượng trâu bò những nơi này vẫn duy trì và tăng đáng kể so với những nơi khác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều diện tích đất đồi có đồng cỏ tự nhiên đang dần bị thu hẹp.
Theo ông Trương Văn Tráng, Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh cho biết: Trước đây, toàn xã có 370 ha đất đồi có đồng cỏ tự nhiên, nhưng hiện nay số diện tích đó đã giảm mạnh. Nguyên nhân là do, chủ trương, chính sách giao đất giao rừng cho người dân quản lý để phát triển kinh tế bên cạnh đó là tình trạng đất đồi bị bê tông hóa do quá trình xây dựng các khu nghĩa trang gia đình đã khiến cho diện tích các đồng cỏ thu hẹp. Thiếu nguồn thức ăn, người chăn nuôi trâu, bò càng trở nên vất vả hơn.
Ông Trần Công Bình, ở An Ninh, là người đã có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi bò. Theo ông, đây là một nghề đem lại giá trị kinh tế cao. Cũng nhờ phát triển đàn bò mà gia đình ông từ chỗ không đủ ăn giờ đã trở thành một trong những hộ khấm khá. Hiện tại đàn bò của ông có 24 con, nhưng theo ông đông chưa hẳn đã mừng. Bởi khi nguồn thức ăn tự nhiên không còn dồi dào thì việc chăn nuôi bắt đầu chuyển qua giai đoạn khó khăn.
Ông cho biết: Bây giờ rừng đều đã có chủ. Sơ sẩy không chú ý để bò vào các rừng keo, tràm, hay cao su của người ta là phải đi chuộc lại. Vì vậy, không chỉ riêng ông mà nhiều người từ sáng sớm đã cơm đùm, dẫn bò lên rừng cách nhà hàng chục cây số cho ăn rồi chiều lại dẫn về.
Thiếu thức ăn, dọc hai bên tuyến đường Hồ Chí Minh hay cạnh đường ray tàu hỏa cũng trở thành nơi chăn thả của một số hộ chăn nuôi.
Ông Hồ Công Ấm, thôn Kim Nại, An Ninh đang cho đàn bò của mình ăn gần đường tàu nói: "trước đây nhà tôi có đàn bò trên hai chục con, bây giờ thức ăn không có trong khi sức khỏe tôi ngày càng yếu, nên bán hết, chỉ giữ lại 7 con". Theo ông, nuôi số lượng nhiều bây giờ vất vả, vì phải lùa chúng lên rừng mới có thức ăn. Còn nuôi ít thì có thể tận dụng được những đám cỏ tự nhiên gần nhà.
... Nhưng lối chăn nuôi phụ thuộc vẫn tồn tại
Mặc dù chăn nuôi phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên đã không còn phù hợp với điệu kiện hiện nay. Tuy nhiên việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ phụ thuộc sang chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò lại là việc không hề dễ, bởi lối chăn nuôi này đã ăn sâu và trở thành thói quen đối với nhiều hộ chăn nuôi nơi đây.
Vất vả ngày hai buổi, nắng cũng như mưa phải theo đàn bò lên rừng cho ăn, nhưng khi nói đến việc trồng cỏ để thay thế việc phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên thì ông Quân, ở An Ninh lại cho rằng chưa nghĩ đến việc đó. Theo ông thì trồng cỏ phải bỏ thêm kinh phí rồi học kỹ thuật trồng mà không biết hiệu quả như thế nào. Trong khi đó, phải vất vả bỏ công cho đi ăn xa một chút nhưng lại an toàn hơn.
Ngại hoặc không muốn phải thay đổi là tư tưởng chung của nhiều hộ chăn nuôi trong vùng. Chấp nhận khó khăn nhiều hộ vẫn tiếp tục lựa chọn cách chăn nuôi phụ thuộc. Tuy vậy, đã có không ít hộ nghĩ đến việc trồng cỏ để thay thế nguồn thức ăn tự nhiên, thế nhưng, thiếu đất là lý do khiến họ vẫn phải chấp nhận vào lối chăn nuôi phụ thuộc.
Với trên 24 con bò, ông Bình chia sẻ, nhiều lúc suy nghĩ muốn trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, thế nhưng lấy đâu ra đất để trồng vì số diện tích đất hiện giờ của ông đều sử dụng cho trồng lúa hoặc cây công nghiệp. Không có đất cũng là lý do khiến ông Ấm phải tận dụng những miếng đất nhỏ ven bờ kênh gần nhà để trồng cỏ. Nhưng theo ông, hiệu quả mang lại không cao, vì diện tích quá ít.
Hướng đến chăn nuôi bền vững
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Ninh, năm 2013 tổng số lượng đàn trâu trên địa bàn huyện là 3.691 con, bò 5.200 con. Theo tiêu chí đặt ra trong năm 2014, phấn đấu đàn trâu sẽ tăng 5%, đạt 3.875 con, đàn bò cũng tăng 5%, đạt 5.460 con. Thế nhưng, với thực tế hiện nay để phấn đấu đạt mức độ tăng trưởng đó người chăn nuôi sẽ khó mà thực hiện nếu vẫn duy trì lối chăn nuôi truyền thống.
Cần chuyển đổi tư duy và lối chăn nuôi phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên, như vậy, chăn nuôi trâu, bò về lâu, về dài mới phát triển bền vững được.
Theo ông Văn Anh Thuyết, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Hiện nay, nhiều địa phương như Trường Xuân, Xuân Ninh... bà con chăn nuôi trâu bò vẫn chưa mạnh dạn trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Một số trồng thì diện tích còn quá ít, 1 đến 2 sào nên hiệu quả không cao.
Để giúp người dân chủ động chuyển đổi phương thức chăn nuôi, trong thời gian tới phòng sẽ khuyến khích bà con nên mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi. Song song với việc kêu gọi, phòng sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ đối với những hộ gia đình nuôi trâu, bò có quy mô từ 10 con trở lên kết hợp trồng 0,5 ha cỏ là 10 triệu đồng trên một mô hình.
Chăn nuôi trâu, bò là một trong những nghề phụ mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Tuy nhiên để nó phát triển mang tính bền vững, lâu dài thì rất cần sự linh hoạt và chủ động chuyển đổi phương thức chăn nuôi của người nông dân và trên hết là sự định hướng, hỗ trợ từ các cấp ngành địa phương để ngành chăn nuôi trâu, bò có hướng đi phù hợp và đạt hiệu quả cao.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ