Mô hình kinh tế Chặng nước rút khó khăn

Chặng nước rút khó khăn

Ngày đăng 22/10/2015

Lạc quan ngân sách

Sở KH&ĐT cho hay 9 tháng qua chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng gần 33% so với cùng kỳ.

Đây là mức tăng cao nhất trong vài năm gần đây.

Chỉ số này tăng cao chủ yếu nhờ tốc độ sản xuất một số mặt hàng chủ lực của Quảng Nam tăng mạnh so với cùng kỳ.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 53,5%.

Đó là con số khá cao nhưng không đáng lo ngại vì một số mặt hàng có tốc độ sản xuất tăng mạnh, đột biến theo đơn đặt hàng nhưng chưa đến thời điểm giao hàng, hoặc hàng hóa còn ở dạng bán thành phẩm như sản phẩm điện tử, máy vi tính, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

Chỉ số sử dụng lao động 9 tháng qua đã tăng đến 9,4%.

Một xưởng may gia công ở Thăng Bình.

Một tín hiệu lạc quan khác là chỉ số sử dụng lao động đã tăng đến 9,4%, trừ lao động doanh nghiệp khai khoáng giảm 24% nhưng các ngành như thu gom, xử lý rác thải tăng đến 98%, sản xuất ô tô tăng 59%...

Ông Trương Quang Dũng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng tín hiệu lạc quan dễ nhận thấy nhất là tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã hơn 15.380 tỷ đồng, bằng 82,5% kế hoạch, tăng gần 3% so cùng kỳ với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng đã vào khoảng 65% kế hoạch vốn.

Thu ngân sách tăng cao so cùng kỳ và sớm vượt dự toán năm.

trong vòng 9 tháng qua, tổng thu ngân sách nhà nước đã xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, vượt đến 9,5% dự toán.

Thu nội địa hay thu xuất nhập khẩu đều đã vượt dự toán và tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Con số thu vượt này chính là điểm khác biệt duy nhất cho ngân sách dồi dào kể từ năm 1997 đến nay.

Những con số thống kê này phần nào chứng minh nền kinh tế Quảng Nam đã vượt qua khó khăn, bước vào quỹ đạo tăng trưởng ổn định và ngày càng được định hình một cách rõ nét hơn.

Bức tranh kinh tế Quảng Nam đã xuất hiệu nhiều điểm sáng, báo hiệu một kết cuộc có lợi cho năm 2015.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng đã thừa nhận dù tốc độ tăng trưởng kinh tế có nhanh, nhưng vẫn còn một số sản phẩm có mức tiêu thụ giảm mạnh so cùng kỳ.

Sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm đến 74,6%, sản xuất đồ uống giảm 24,4% và sản xuất trang phục giảm hơn 22%.

Một thống kê khác cũng cho thấy giá trị xuất khẩu tăng không cao, thực hiện còn thấp so với kế hoạch.

Nguyên nhân chủ yếu là một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu Quảng Nam như giày da, sắt thép, thủy hải sản và nhiều hàng hóa khác lại giảm giá trị xuất khẩu đáng kể.

Chọn kế sách phát triển

Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế cho hay cơ quan quản lý loay hoay khi không biết tìm đâu ra tiền để hoàn 70 tỷ đồng thuế cho doanh nghiệp khi ngân sách trung ương hụt thu.

Xây dựng cơ bản vãng lai rất lớn như đường đông Trường Sơn, cao tốc, quốc lộ 1… nhưng thuế không thể thu được.

Khó hiểu nhất là thu cấp quyền khai thác khoáng sản tăng nhiều lần nhưng thu khoáng sản lại giảm.

Vì vậy cần quản lý trữ lượng, sản lượng và khi cấp phép khai thác mỏ thì nên yêu cầu doanh nghiệp kê khai, đóng thuế tại Quảng Nam.

Không ít thách thức, nhưng với những gam màu sáng đang có, cộng với nhịp điệu tăng trưởng của hai tháng còn lại, mục tiêu tăng trưởng 11,5% cho năm 2015 của Quảng Nam đã trở nên sáng sủa hơn.

Những điểm sáng này sẽ là cơ sở định hướng và là dự báo xu hướng tích cực cho năm 2016.

Tuy nhiên, không ít cơ quan quản lý khuyến cáo rất cần những sự thay đổi, với những giải pháp thích hợp mới có thể duy trì những “thành quả mong manh” của nền kinh tế.

Ông Đinh Văn Đào - Cục trưởng Cục Thống kê cho rằng tốc độ công nghiệp đứng thứ hai (sau Thái Nguyên) nhưng đóng góp cho tăng trưởng chỉ ô tô là chính, còn xuất khẩu thì giảm rất sâu, nhất là may mặc.

Hiện dệt may, da giày, vật liệu xây dựng, nông sản đang có xu hướng giảm.

Mô hình và phương thức, năng suất chăn nuôi yếu, vẫn là chăn nuôi của hộ cá thể.

Vì vậy cần tập trung tháo gỡ thị trường.

Nếu không thì khó khăn sẽ kéo dài đến cả năm 2016.

Ngoài ra cần đẩy tốc độ đầu tư, giải ngân và chuẩn bị kế hoạch trung hạn.

Nếu không xác định được danh mục đầu tư thì phải mất một quý trong năm 2016 mới có thể triển khai kế hoạch đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng chỉ còn vài tháng nữa là hết năm.

Nếu không quyết liệt đầu tư xây dựng cơ bản thì khó đạt kế hoạch.

Vốn đưa vào nền kinh tế ngày càng giảm sút, doanh nghiệp lớn thì mới chỉ đang xúc tiến đầu tư, chưa thấy kết quả gì và nhiều doanh nghiệp chưa thể mở rộng so với kế hoạch.

Tiến độ giải ngân 65% không phải là tỷ lệ cao, nên giải ngân vốn đầu tư gấp.

Cái gì tiêu được thì giải ngân, không tiêu được thì điều chuyển, không để nguồn sang 2016.

Các cơ quan quản lý cần đánh giá lại nguồn thu khoáng sản.

Tài nguyên hết mà không thu được đồng thuế nào là điều vô lý.

Chính quyền sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, sẽ có riêng một văn bản để các nhà thầu cam kết nộp thuế vãng lai.

Quan trọng nhất là phải hoàn tất danh mục dự án nợ, chuyển tiếp và mới của kế hoạch đầu tư công 2016.

Nếu không tính toán kịp thời thì sẽ không có vốn cho 2016 - 2020.


Có thể bạn quan tâm

chinh-phu-bao-cao-quoc-hoi-ve-tpp Chính phủ báo cáo Quốc… hung-yen-cong-nhan-7-cay-nhan-dau-dong Hưng Yên công nhận 7…