Chặng "Nước Rút" Trong Xây Dựng Nông Thôn Mới
Thành phố Ðà Nẵng có 11 xã thuộc huyện Hòa Vang tham gia xây dựng nông thôn mới. Ðến nay, đã có hai xã Hòa Châu và Hòa Tiến được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đang phấn đấu trong hai năm 2014 và 2015, đưa chín xã còn lại hoàn thành 19 tiêu chí theo quy định, về đích trước năm năm so với cả nước.
Thành phố hỗ trợ
Ðầu năm 2012, Thành ủy Ðà Nẵng phát động phong trào: "Cả thành phố chung tay xây dựng nông thôn mới". Chỉ trong hai năm 2012 - 2013, đã có 52 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Ðà Nẵng hỗ trợ cho huyện Hòa Vang 45 tỷ đồng, cùng hàng nghìn ngày công để xây dựng nông thôn mới.
Nhiều công trình, phần việc đã hoàn thành, như xây mới, sửa chữa, nâng cấp trường học, trạm y tế, nhà mẫu giáo, nhà văn hóa thôn, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách; bê-tông hóa đường giao thông nông thôn, kênh, mương thủy lợi, điện chiếu sáng, hỗ trợ học bổng, tặng xe đạp cho trẻ em nghèo hiếu học...
Anh Nguyễn Hai ở xã Hòa Liên (Hòa Vang, Ðà Nẵng) chia sẻ: "Cán bộ kỹ thuật của huyện, thành phố về hướng dẫn, tư vấn cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là chuyển đổi đất lúa, hoa màu một vụ sang nuôi tôm thâm canh. Hai năm qua, chỉ riêng thôn Trường Ðịnh phát triển được 18 ha ao tôm, cho thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/hộ".
Hai xã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Ðà Nẵng là Hòa Tiến và Hòa Châu đã hoàn thành 19 tiêu chí theo quy định. Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Nguyễn Ðình Anh cho biết: "Việc sớm hoàn chỉnh và công bố quy hoạch đã mang lại thuận lợi to lớn cho định hướng phát triển, cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Chúng tôi đã chủ động phát triển nông thôn theo hướng hiện đại, xây dựng các vùng chuyên canh rau an toàn, lúa giống, chuyên canh lúa chất lượng cao theo công nghệ sạch, hiện đại. Có được điều đó là nhờ kết hợp chặt chẽ giữa nông dân, các chuyên gia, doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu luôn sản phẩm, đồng thời khẳng định vai trò chính quyền trong chỉ đạo, kết nối".
Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo đạt hơn 46%, cao hơn nhiều so với các huyện nông thôn khác cùng khu vực. 8.851 lượt nông dân được tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Hàng loạt hợp tác xã nông nghiệp yếu kém, khó khăn được củng cố, hoặc tổ chức lại và hỗ trợ phát triển.
Từ đó, hình thành nhiều hợp tác xã chuyên canh các loại cây trồng, vật nuôi, tạo nên các thương hiệu uy tín, như nấm Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Khương; rau Túy Loan, dưa hấu Hòa Bắc, cá quả Hòa Châu, tôm sú Trường Ðịnh... Nhờ vậy, việc bao tiêu sản phẩm cũng dễ dàng hơn, đồng thời, góp phần hình thành mạng lưới dịch vụ - thương mại kèm theo.
Ba năm qua, các vùng nông thôn của Ðà Nẵng đã được đầu tư xây dựng 103 công trình giao thông với chiều dài gần 60 km. Nhờ đó, hệ thống giao thông cơ bản hoàn thiện và kết nối giữa các tiểu vùng với nhau và với nội thị, đây chính là nền tảng quan trọng nhất, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn Hòa Vang.
Ðịa phương vượt khó
So với những vùng nông thôn khác ở miền trung, Hòa Vang có nhiều lợi thế hơn hẳn khi có vị trí địa lý nằm sát TP Ðà Nẵng, giao thông thuận lợi, sức tiêu thụ to lớn. Ưu điểm rõ nét là huyện đã tập trung phát triển mạnh sản xuất, nhưng khâu yếu là ít chú trọng đến phát triển thị trường, ổn định giá cả.
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Lê Văn Toàn thẳng thắn thừa nhận: "Hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động chưa cao, một bộ phận nhân dân và cán bộ cơ sở còn trông chờ, ỷ lại nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Tuy đời sống nhân dân phát triển khá nhanh, nhưng sinh kế lâu dài chưa bền vững".
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều bất cập. Trước hết là sự phát triển không đồng đều giữa các xã đồng bằng, trung du với vùng miền núi như Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Liên. Mặt khác, quá trình đô thị hóa của Ðà Nẵng khiến đất sản xuất, nhất là đất trồng lúa và màu bị thu hẹp; hạ tầng phát triển nhưng thiếu tính kết nối; quy mô sản xuất vẫn còn manh mún.
Hầu hết các mặt hàng nông sản của Hòa Vang chỉ tiêu thụ ở các chợ hoặc cửa hàng, cơ sở buôn bán nhỏ lẻ. Rất ít mặt hàng vào được hệ thống siêu thị lớn như Metro, Lotte, Co.opMart hay BigC. Thực tế, tính tự phát, phong trào còn lấn át xu hướng phát triển bền vững.
Công tác thực hiện đề án dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp chậm và thiếu tính toàn diện. Nhiều nơi chỉ chú trọng ưu tiên vốn đầu tư xây dựng cơ bản, mà ít đầu tư cho thiết chế văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất quy mô, hiện đại.
Tiến nhanh về đích
Ðảng bộ và chính quyền Hòa Vang đặt ra mục tiêu, tiếp tục củng cố, duy trì chất lượng nông thôn mới ở hai xã đã đạt chuẩn; đến cuối năm 2014 có thêm bốn xã hoàn thành 19/19 tiêu chí; năm 2015 sẽ tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt năm xã còn lại hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, đưa Hòa Vang trở thành một trong những địa phương cấp huyện đầu tiên trong cả nước hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, sớm năm năm so kế hoạch.
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Lê Văn Toàn nhận định: Ở đâu người nông dân thật sự là chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới, ở đó chất lượng, tiến độ thực hiện tốt hơn, nhanh hơn.
Bởi vậy, Hòa Vang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, cố gắng tạo ra sự phát triển đồng bộ ở từng xã, từng địa bàn; tạo ra một số cơ chế, chính sách hỗ trợ mới, thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.
Vừa phát huy nội lực, vừa tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ, khai thác lợi thế dịch vụ của vùng nông thôn ngoại ô của đô thị lớn, Hòa Vang đang tiến nhanh về đích trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ