Mô hình kinh tế Chàng trai nuôi chồn hương doanh thu hàng trăm triệu đồng

Chàng trai nuôi chồn hương doanh thu hàng trăm triệu đồng

Tác giả Mạnh Cường, ngày đăng 03/05/2021

Để có kinh nghiệm chăn nuôi chồn hương, chàng trai ở Quảng Nam đã lên internet mày mò tự học. Giờ đây, anh đã sở hữu trong tay trang trại nuôi chồn hương quy mô lớn cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Huỳnh Viên Mãn đang chăm sóc chồn hương. Ảnh: Nam Thịnh

Anh Huỳnh Viên Mãn (27 tuổi, ở thôn Hà Dục Đông, xã Đại Lãnh, H.Đại Lộc, Quảng Nam) tốt nghiệp chuyên ngành tài chính Trường ĐH Duy Tân vào năm 2014. Sau khi ra trường, thay vì chọn công việc phù hợp với ngành nghề mình đã học thì Mãn lại quyết định chọn trở về quê nhà khởi nghiệp, làm giàu. Trước khi gắn bó và có những thành công ban đầu với việc nuôi chồn hương, anh từng thử sức với nhiều mô hình khác nhưng liên tục gặp thất bại.

Nuôi chồn vốn ít nhưng lợi nhuận mang lại rất cao. Nếu biết cách chăm sóc thì chỉ cần 10 con chồn giống là mỗi năm có thể thu được cả 100 triệu đồng. Tôi sẽ mở rộng quy mô trang trại để đáp ứng cho khoảng 300 con chồn sinh sản

Huỳnh Viên Mãn, ở thôn Hà Dục Đông, xã Đại Lãnh, H.Đại Lộc, Quảng Nam

Năm 2016, một lần tình cờ xem được chương trình giới thiệu mô hình chăn nuôi chồn hương trên internet, anh đã rất thích thú vì nhận thấy loài chồn hương dễ nuôi mà lợi ích kinh tế mang lại rất cao. Anh quyết định mua giống về nuôi thử nghiệm sau khi đã đăng ký giấy phép tại chi cục kiểm lâm địa phương. Thời gian đầu, do chưa hiểu tập tính cũng như cách chăm sóc nên lứa chồn đầu tiên bị thất bại. Từ những thất bại ban đầu, Mẫn đã tự đúc kết kinh nghiệm trong quá trình nuôi, bên cạnh đó lên mạng internet học hỏi thêm.

Mãn cho hay chồn hương chưa thể thuần chủng được nên vẫn giữ bản tính hoang dã rất dữ, nếu nhốt chung, chúng sẽ cắn nhau đến chết, vì vậy phải xây từng ô để nuôi riêng. “Chồn hương có đặc tính ăn đêm ngủ ngày nên rất dễ nuôi lại ít thời gian chăm sóc. Chúng thường ăn vào khoảng 19 giờ, thức ăn chủ yếu là cháo trắng và chuối. Điều đặc biệt, phân chồn không hôi nên có thể nuôi trong khu dân cư đông người mà không sợ bị ô nhiễm”, Mãn nói.

Theo Mãn, chồn hương là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt, hôi hám. Trong quá trình nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh, phải thay nước uống thường xuyên. Để nhận biết một con chồn cái mang thai hay không thì rất dễ, vì mỗi khi giao phối, chúng thường tạo ra một mùi thơm rất đặc biệt. Chồn đến thời kỳ sinh sản sẽ được tách ra để tiện chăm sóc. Muốn nuôi được một con chồn cái sinh sản, người nuôi phải chú ý không để chồn quá mập. Chuồng trại phải rộng rãi, sạch sẽ để chồn có không gian vận động, có như vậy chồn mới sinh sản nhanh.

Sau thời gian nuôi, đến nay Mãn đã sở hữu trang trại chồn hương với hơn 70 con, trong đó có 60 con đang thời kỳ sinh sản và 30 con chồn con. Bình quân chồn đẻ 2 - 3 lứa/năm, mỗi lứa 3 - 6 con. Hiện nay, giá bán bình quân một cặp chồn con khi tách mẹ (khoảng 60 ngày tuổi) là 7 triệu đồng; cặp chồn 2 kg trở lên có giá từ 10 - 12 triệu đồng; cặp chồn trong độ tuổi phối giống từ 20 - 30 triệu đồng và chồn bán lấy thịt 1,5 - 1,7 triệu đồng/kg. Mô hình nuôi chồn hương cũng giúp Mãn thu về gần 300 triệu đồng/năm.

“Nuôi chồn vốn ít nhưng lợi nhuận mang lại rất cao. Nếu biết cách chăm sóc thì chỉ cần 10 con chồn giống là mỗi năm có thể thu được cả 100 triệu đồng. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng quy mô trang trại để đáp ứng cho khoảng 300 con chồn sinh sản. Bên cạnh đó, mở thêm trang trại chăn nuôi bò giống và heo rừng”, Mãn khẳng định.

Hơn 5 năm gắn bó với nuôi chồn hương, chàng trai Huỳnh Viên Mãn đã truyền cảm hứng lập nghiệp tại quê nhà cho hơn 100 thanh niên trên khắp cả nước thông qua diễn đàn Facebook Chồn hương Đại Lộc.


Có thể bạn quan tâm

sau-3-lan-that-bai-lao-nong-trong-dua-luoi-lai-nua-ty-moi-nam Sau 3 lần thất bại,… trong-dua-luoi-nhat-ban-trong-nha-mang Trồng dưa lưới Nhật Bản…