Mô hình kinh tế Chất cấm trong chăn nuôi không thể dung túng

Chất cấm trong chăn nuôi không thể dung túng

Ngày đăng 15/11/2015

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngày hôm qua (9/11) tiếp tục có hơn 500 lô hàng thực phẩm bị trả về, trong đó có 10% tồn dư kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi.

Không thể làm ngơ cho tội ác Ông Chu Đình Khu, Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi) cho biết:

Trong năm 2013, trong chương trình thanh tra diện rộng chất cấm trong chăn nuôi, Sở NN&PTNT Nam Định đã phát hiện 2 mẫu thức ăn chăn nuôi (TACN) của 2 đơn vị tại Thanh Hóa và Bắc Ninh dương tính với chất cấm.

Đến năm 2014, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tăng cường kiểm soát chất cấm trong TACN tại 6 tỉnh trọng điểm là Đồng Nai, Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vĩnh Long, TPHCM.

Kết quả cho thấy, có 13/250 mẫu dương tính với chất Salbutamol, tương đương 5,2%. Trong 10 tháng năm 2015, Cục Chăn nuôi đã chỉ đạo và phối hợp với một số địa phương tăng cường kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi.

Qua kiểm tra các cơ sở sản xuất TACN, các địa phương đã lấy mẫu thức ăn tại các nhà máy và phát hiện 1/19 mẫu TACN dương tính với chất Salbutamol.

Đối với các cơ sở giết mổ, kết quả kiểm tra cũng cho thấy có 106/587 mẫu nước tiểu dương tính với Salbutamol, chiếm 18,1%, tập trung tại Đắk Nông, TPHCM, Tây Ninh.

Trong đó, nồng độ chất Salbutamol trong các mẫu nước tiểu là rất cao.

Nói về tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, đây là vấn đề nóng và ngày càng trở nên trầm trọng của ngành chăn nuôi.

Ngày hôm qua (9/11) có hơn 500 lô hàng bị trả về, trong đó có 10% tồn dư kháng sinh, chất cấm.

“Chăn nuôi của Việt Nam hiện còn nhỏ lẻ với hàng triệu hộ tham gia nên rất khó kiểm soát.

Nếu như năm 2013 quản lý tốt, đến cuối 2014, đặc biệt là cuối năm 2015 việc lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi lại bùng phát trở lại, đặc biệt là Salbutamol trong chăn nuôi lợn và gần đây nhất là Vàng ô trong chăn nuôi gia cầm.

Chính vì thế, Bộ NN&PTNT đã chính thức phát động đợt cao điểm về ATTP”, ông Dương chia sẻ.

Còn ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Kết quả kiểm tra thời gian qua cho thấy, tỉ lệ nhiễm chất cấm ở lò mổ cao nhất.

Qua kiểm tra cũng cho thấy, 80% người bán thuốc thú y là cán bộ, ngay trong nội bộ cán bộ thú y cơ sở có sự tiếp tay cho việc sử dụng chất cấm”.

“Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã phải có văn bản yêu cầu rà soát toàn bộ hệ thống, nếu vi phạm hình thức phạt cao nhất là buộc thôi việc.

Tôi cho rằng, các địa phương phải chủ động trong việc kiểm soát chất cấm, nếu nói không có kinh phí để làm thì chưa đầy đủ.

Tỉnh không bố trí được thì báo cáo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Không thể chỉ vì không có vài chục triệu, vài trăm triệu đồng mà làm ngơ cho tội ác”, ông Vân nhấn mạnh.

Song hành kiểm soát sản xuất và tiêu thụ

Ông Kiều Minh Lực, đại diện cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến người ta đưa chất cấm vào TACN.

Đó có thể do chưa hiểu biết về tác hại của chất cấm, có thể là do người tiếp thị chất cấm chỉ tuyên truyền tác dụng, mà giấu đi mặt trái của chất cấm.

Bên cạnh đó có một bộ phận không nhỏ người chăn nuôi dù biết chất cấm là “chất độc”, nhưng cố tình sử dụng do vấn đề lợi nhuận.

Các cơ quan chức năng ở các địa phương cũng đề xuất Cục Chăn nuôi sớm ban hành quy trình và triển khai hình thức test nhanh nước tiểu để họ dễ dàng kiểm soát chất cấm và giảm chi phí cho việc kiểm soát, bởi hiện tại nếu lấy mẫu kiểm nghiệm phải mất trung bình 1 triệu đồng/mẫu.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, để kiểm soát được chất cấm trong chăn nuôi, vấn đề quan trọng nhất là phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.

Các cấp chính quyền ở địa phương phải coi chất cấm trong chăn nuôi nghiêm trọng như ma túy để vừa tăng cường kiểm tra, kiểm soát, vừa đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến thường xuyên cho người chăn nuôi, người tiêu dùng nắm được tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Trong đợt cao điểm này, cần phát động phong trào “nói không với chất cấm” trong các đoàn thể, quần chúng nhân dân, đồng thời khuyến khích việc ký cam kết không buôn bán, sử dụng chất cấm của các đối tượng trong chuỗi sản xuất, cung ứng TACN, sản phẩm chăn nuôi…

Cũng theo Cục trưởng Hoàng Thanh Vân, sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ mở đợt cao điểm thanh, kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi trên phạm vi toàn quốc, trong đó địa bàn trọng điểm là Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên.

Đối tượng kiểm tra là các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh TACN; các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gà; các cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật.

Thời gian từ tháng 1/11/2015 đến 28/2/2016. Cục Chăn nuôi vừa triển khai kế hoạch 8 quy trình VietGAHP (quy trình rút gọn của VietGAP để dễ thực hiện) đối với chăn nuôi bò sữa, bò thịt, dê sữa, dê thịt, lợn, gà, ngan vịt và ong mật, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và tiếp cận với các quy trình chăn nuôi của các nước trong khu vực ASEAN (AseanGAHP).

Khi áp dụng VietGAHP trong chăn nuôi sẽ làm giảm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm rủi ro dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, qua đó góp phần thực hiện thành công chương trình trọng điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ NN&PTNT đã phê duyệt trong năm 2015 và các năm tiếp theo.


Có thể bạn quan tâm

xay-dung-nong-thon-moi-can-giu-vung-tieu-chi-mem Xây dựng nông thôn mới… mong-som-duoc-xoa-no Mong sớm được xóa nợ