Mô hình kinh tế Châu Bình (Bến Tre) Bốn Nhà Kết Lại

Châu Bình (Bến Tre) Bốn Nhà Kết Lại

Ngày đăng 17/07/2014

Vùng đất Châu Bình (Giồng Trôm - Bến Tre) là nơi có trái dừa nổi tiếng về chất lượng, nhà vườn được tập huấn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, nâng cao sản lượng dừa; kỹ thuật trồng xen, nuôi xen, nâng thu nhập trên cùng một diện tích; tổ chức lại sản xuất, giải quyết lao động, việc làm ở nông thôn.

Cái khó ló cái khôn

Năm 2011, trái dừa rớt giá, đời sống người dân gặp khó khăn, lãnh đạo xã Châu Bình bàn bạc với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu (CPXNK) Bến Tre tìm giải pháp tiêu thụ trái dừa ổn định. Vấn đề đặt ra là phải tổ chức lại sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Trước yêu cầu thực tế, xã xây dựng kế hoạch sản xuất với phương thức liên kết bốn nhà: nhà vườn, nhà khoa học, Nhà nước và nhà doanh nghiệp. Qui mô liên kết được tổ chức toàn xã gồm 29 tổ, 1.755 hộ tham gia với 1.236 ha dừa cho trái.

Ngay sau khi xây dựng tổ liên kết sản xuất, nhà vườn được tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng dừa, chăm sóc bảo vệ cây dừa tăng sản lượng trái, một việc mà trước đây nhà vườn chưa hề biết đến, họ chỉ trồng dừa theo tập quán, cách chăm sóc, bón phân thiếu tính khoa học; dừa cho trái không nhiều, chất lượng không cao.

Để thuyết phục nhà vườn làm theo, xã tổ chức xây dựng 17ha vườn dừa mẫu gồm 22 hộ tham gia. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xây dựng 11 mô hình trồng xen, nuôi xen gắn với vườn dừa mẫu. Các mô hình này được đầu tư đúng kỹ thuật, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt.

Từ mô hình vườn dừa mẫu, năm 2012, Chi cục Phát triển nông thôn chuyển 29 tổ liên kết thành tổ hợp tác sản xuất theo Nghị định 151 của Chính phủ. Đến tháng 6-2013, xã có 418ha được chủ vườn ký hợp đồng bán dừa cho Công ty CPXNK, việc thu mua dừa được Công ty bảo đảm theo giá thị trường. Trường hợp dừa rớt giá, Công ty vẫn thu mua không dưới 50.000 đồng/chục (12 trái).

Ngoài ra, để bảo đảm việc thu mua dừa được trôi chảy, Công ty trả thù lao cho tổ trưởng 60 đồng/trái. Nhà vườn thu hoạch dừa có xe đến tận nơi chở đi. Vườn trong sâu, có xe nhỏ đưa ra lộ lớn. Với phương thức này, mỗi tháng, xã bán cho Công ty CPXNK trên 100.000 trái dừa khô.

Từ mô hình vườn dừa mẫu hiệu quả, đến cuối năm 2013, xã có 817ha dừa được cải tạo bằng cách chặt bỏ cây tạp, trồng xen chanh, ca cao, bưởi da xanh, chuối già và nuôi xen gia cầm, tôm, cá… Các nhà vườn trong tổ sản xuất đều được hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trồng xen loại cây thích hợp thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường… Mỗi vườn dừa đều có thêm thu nhập trên cùng một diện tích có trồng xen, nuôi xen.

Phát triển bền vững

Ở Châu Bình cũng như nhiều vùng quê khác, tình trạng thiếu lao động làm thuê (bồi vườn, bẻ dừa, phát cỏ…) khá phổ biến; do đó, với người làm thuê, công việc làm không kịp, chủ vườn muốn thuê người rất khó khăn, nhiều khi trễ cả mùa vụ.

Trước nhu cầu cần lao động dịch vụ, Hội Nông dân (HND) nghĩ đến việc tạo công ăn việc làm cho người lao động bằng cách thành lập các đội lao động chuyên khâu, việc tổ chức lao động việc làm ở đây rất khoa học. Trước đây, đến mỗi kỳ thu hoạch dừa, nhà vườn phải tìm thuê người làm công và thường khi phải chờ đợi lâu vì trong ấp có ít người chuyên giựt (hái) dừa thuê.

Nếu tiếp tục sản xuất theo tập quán, vườn ai nấy thu hoạch thì không thể đảm bảo lượng dừa cung ứng kịp cho nhu cầu thu mua, chế biến sản phẩm, HND xã thành lập thử nghiệm 9 đội chuyên khâu giựt dừa, mỗi đội phục vụ cho một tổ hợp tác sản xuất. Tổ chức này thu hút nhiều lao động ở nông thôn thiếu việc làm.

Gia nhập đội giựt dừa, người có nghề, có sức khỏe đảm trách khâu giựt, người chưa rành nghề thì tập tành học hỏi và gom dừa… Mỗi người một việc, khâu thu hoạch nhanh gọn. Đội còn có lịch thu hoạch cho từng vườn dừa, chủ vườn không phải chờ đợi và mỗi thành viên trong đội đều có việc làm, thu nhập ổn định.

Cùng với đội giựt dừa, HND xã thành lập đội phun xịt bọ dừa ở mỗi ấp. Mỗi đội đều được thành viên đầu tư trang bị máy phun cao áp đảm bảo phun xịt được những cây dừa lão cao tít, nhờ vậy các vườn dừa ở đây đều xanh tốt, không bị mất sức, giảm trái do bọ dừa làm hư hại.

Hai đội giựt dừa và phun xịt thuốc diệt bọ dừa đều đáp ứng nhu cầu của nhà vườn. Với HND Châu Bình, việc tổ chức các đội được hướng dẫn từng bước cho vững chắc, sau đó rút kinh nghiệm và phát triển thêm các đội chuyên khâu. Theo yêu cầu của nhà vườn, HND xã đang hướng đến thành lập đội bồi vườn nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động, việc làm và nhu cầu của nhà vườn.

Tổ hợp tác sản xuất ở Châu Bình đưa kinh tế nông nghiệp ở vùng đất này ngày một phát triển bền vững, mỗi quí nhà vườn sinh hoạt tổ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt. Nhiều kinh nghiệm quý được nông dân phổ biến cho nhau như: ông Nguyễn Văn Chội ở ấp 2, với cùng số lượng phân mà nhà vườn khác bón một lần cho cả năm, ông chia ra bón sáu lần/ năm. Khi mưa nhiều, bón mỗi tháng 1 lần. Mùa nắng, bón 3 tháng 1 lần. Nhờ vậy, sản lượng dừa tăng từ 11.000 trái lên 11.600 trái/ha/năm, tình trạng dừa treo giảm nhiều.

Trong lúc nhà vườn ở nhiều địa phương chặt bỏ cây ca cao vì không trái, ông Nguyễn Văn Bự có kinh nghiệm là tỉa thưa, chừa mỗi khoảng dừa một cây ca cao, cây trồng xen vẫn cho trái sum suê.

Ở Châu Bình, còn có phong trào vườn xanh, sạch, đẹp. Theo chủ trương của xã, vào ngày 5 hàng tháng, các nhà vườn đồng loạt dọn dẹp cây, cỏ dại, tàu dừa rụng trong vườn, đắp lại bờ đi. Nổi bật trong phong trào này là vườn ông Nguyễn Văn Đấu ở ấp 8, bờ vườn được dọn dẹp sạch sẽ, tỉa thưa cây dừa, sản lượng tăng lên.

Hiệu quả của tổ hợp tác sản xuất ở Châu Bình đã nhân rộng diện tích trồng xen, nuôi xen, tăng được sản lượng dừa, nâng thu nhập trên cùng diện tích.


Có thể bạn quan tâm

can-giai-phap-lau-dai-cho-trai-cay-dac-san Cần Giải Pháp Lâu Dài… hieu-qua-mo-hinh-ghep-ca-phe-choi Hiệu Quả Mô Hình Ghép…