Tin nông nghiệp 'Chiếc đũa thần' giúp tăng sản lượng dừa sáp

'Chiếc đũa thần' giúp tăng sản lượng dừa sáp

Tác giả Minh Đảm, ngày đăng 20/09/2017

Dừa sáp là một loại đặc sản có tiếng của tỉnh Trà Vinh nói chung cũng như huyện Cầu Kè nói riêng. Đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên thành triệu phú.

Một vườn dừa sáp ở xã Hòa Tân

Trong tự nhiên, dừa sáp cho sản lượng trái sáp rất ít, chỉ chiếm 25% số trái trên một buồng, những trái còn lại có phẩm chất như trái dừa thường. Do đó, những trái dừa có sáp có giá bán rất cao. 

Giá thu mua từ các thương lái dao động từ 120.000 - 180.000 đồng/trái dừa sáp, cá biệt có thời điểm lên đến 200.000 đồng/trái. Nếu so với thời điểm hiện tại giá 1 trái dừa sáp bằng 12 trái dừa khô, còn những tháng dừa khô, giá xuống thấp thì 1 trái dừa sáp có giá trị bằng 60 trái dừa khô. 

Dừa sáp tập trung của yếu tại các ấp Chông Nô 1, Chông Nô 2, Chông Nô 3 của xã Hòa Tân (Cầu Kè). Theo thống kê của Phòng NN- PTNT Cầu Kè, huyện có khoảng 40.000 cây dừa sáp, trong đó gần 27.000 cây cho trái với sản lượng gần 40.500 trái sáp/tháng. Và huyện Châu Thành có gần 4ha và khoảng 800 cây dừa sáp. 

Thị trường tiêu thụ dừa sáp hiện nay tập trung chủ yếu ở TP.HCM, Đà Nẵng, và một số tỉnh ĐBSCL. Hiện tại, huyện Cầu Kè có HTX dừa sáp Hòa Tân đã được đăng ký nhãn hiệu và thương hiệu độc quyền trên toàn quốc từ năm 2012, là HTX trọng điểm phát triển dừa sáp của tỉnh. Do cung không đủ cầu, nhiều năm nay HTX đang tìm hướng đi mới phát triển cây dừa sáp. 

Ông Thạch Phu My, Giám đốc HTX Dừa sáp Hòa Tân cho biết: “Do sản lượng thấp, trước đây một số xã viên đã vì lợi nhuận nhất thời, nhất là những lúc khan hiếm dừa, đem bán dừa cho các thương lái bên ngoài, dẫn đến không đủ nguồn cung cho các doanh nghiệp mà HTX đã kí hợp đồng. Hiện tại chúng tôi thu mua được bao nhiêu dừa sáp thì bán ra ngoài thị trường bấy nhiêu, chứ không dám kí hợp đồng cố định nên đánh mất cơ hội mở rộng thị trường”.

Cũng theo ông My, nếu thời gian tới phát triển giống dừa sáp bản địa thì không thể đủ sản lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì vậy, HTX Hòa Tân đang tích cực phát triển số thành viên và mở rộng diện tích trồng dừa sáp. Quan trọng nhất là vận động bà con thay đổi giống dừa sáp bản địa bằng giống dừa sáp tạo ra từ phương pháp nuôi cấy phôi, một hướng đi quan trọng để tăng nhanh sản lượng dừa sáp.

TS Phạm Thị Phương Thúy, Phó Trưởng Khoa Nông nghiệp-Thủy sản (ĐH Trà Vinh) cho biết: “Tính trạng cơm dày, đặc ruột hay sáp của dừa sáp do gen lặn quy định. Trong điều kiện bình thường, phôi dừa sáp không thể nảy mầm. Bằng phương pháp nuôi cấy phôi, hay nói đúng hơn là “cứu phôi”, phôi trái dừa sáp được lấy ra nuôi dưỡng trong điều kiện dinh dưỡng đặc biệt sẽ phát triển thành cá thể hoàn chỉnh và mang đặc tính di truyền, 100% số trái dừa sẽ cho sáp. Về mặt kiểu hình thì trái dừa sáp cũng giống như trái dừa thường”. 

Dừa sáp được gắn tem chống hàng giả và lô gô nhận diện thương hiệu

Hiện nay, bằng phương pháp nuôi cấy phôi trường ĐH Trà Vinh đã cung cấp cho bà con nông dân các huyện Cầu Kè, Châu Thành gần 1.000 cây giống dừa sáp mới cho 100% số trái sáp. Đây là bước đột phá lớn về công nghệ, có thể thúc đẩy phát triển dừa sáp thời gian tới.

Ông Phạm Thanh Toàn, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè cho biết, cây dừa sáp là một trong những loại cây trồng chủ lực và có giá trị kinh tế của tỉnh, giúp giảm nghèo cho nhiều nông hộ tại địa phương. Tỉnh đang thực hiện dự án nâng cao chuỗi giá trị kinh tế từ dừa sáp và quy hoạch vùng phát triển bền vững để nâng cao sản lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Giống dừa sáp được tạo ra bằng phương pháp nuôi cấy phôi về mặt kinh tế đã giúp nâng sản lượng dừa sáp ra thị trường lên 4 lần, nâng cao thu nhập của nông hộ, tạo ra giống dừa chất lượng, giúp bảo tồn và phát triển nguồn gen quý của địa phương.


Có thể bạn quan tâm

neu-khong-nuoi-lon-thi-nong-dan-lam-gi Nếu không nuôi lợn thì… vinh-long-cung-co-chuyen-thuong-lai-o-at-mua-cau-non Vĩnh Long cũng có chuyện…