Mô hình kinh tế Chợ Đồn Vào Vụ Thu Hoạch Quýt

Chợ Đồn Vào Vụ Thu Hoạch Quýt

Ngày đăng 17/12/2014

Có lẽ chẳng ai nhớ cây quýt được trồng ở các xã khu vực phía đông của huyện Chợ Đồn từ khi nào. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quýt đã trở thành cây trồng giúp nhiều hộ dân xã Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên, Đại Sảo có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo chân chị Lèng Thị Tươm, thôn Nà Cọ, một trong những hộ đầu tiên mở rộng diện tích trồng quýt và có thu nhập nhiều nhất xã Đông Viên từ loại cây trồng này.

Con đường dài gần 2km mà chúng tôi ngỡ phải dài hơn nhiều vì phải đi dọc theo con suối nhỏ, đá trơn dù đã được bà con giúp nhau dọn đá to nhưng vẫn khiến việc đi lại tương đối khó khăn, cũng may mùa quýt chín nước suối ít nên việc vận chuyển quýt đi bán cũng đỡ vất vả.

Đến nơi, khe Khuổi Và đây rồi, thở nhẹ nhõm vì vượt qua đoạn đường an toàn, ngẩng mặt nhìn xung quanh, quýt chín, những quả quýt chín vàng, sai trĩu cành làm vàng rực cả khu rừng, tiếng nói cười của người dân thu hoạch quýt rộn ràng khe Khuổi Và.

Chỉ tay lên vạt quýt có diện tích ước chừng hơn 1,5ha dù đã hái được gần tháng nay nhưng vẫn sai quả, chín vàng rực, chị Lèng Thị Tươm chia sẻ: Từ khi về làm dâu đã thấy vườn có cây quýt nhưng lúc đó chỉ trồng để ăn, không biết bón phân hay chăm sóc gì.

Đến những năm 1997, khi nhiều hộ dân ở Quang Thuận (Bạch Thông) trồng quýt, gia đình chị mua khoảng 20 cây về trồng trên khu đất đồi dốc này, cứ mỗi năm tự chiết cành và nhân rộng, cây hợp đất cứ thế phát triển. Cây quýt chiết nên cho quả nhanh, cứ sau khi trồng khoảng 3 năm là đã cho lứa quả đầu tiên.

Vườn quýt của gia đình chị Lèng Thị Tươm có những cây đã gần 20 năm tuổi nhưng vẫn cho quả sai. Nhờ cây quýt mà hàng năm gia đình chị có khoản thu nhập đáng kể. Vụ quýt năm nay được mùa, ngay đầu vụ gia đình chị thu hái tỉa những quả chín, mỗi ngày cũng có bán 1 tạ với giá bán giao 12.000 - 15.000 đồng/kg.

Khi vào mùa quả chín rộ, gia đình chị phải thuê từ 2-4 nhân công hái hàng ngày, mỗi ngày hái từ 6 tạ -1 tấn quả tùy thuộc vào thương lái đặt mua, giá phân loại quả dao động từ 8.000 - 11.000 đồng/kg. Sản lượng quýt năm nay của gia đình chị ước đạt khoảng 20 tấn quả, đem lại thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng.

Đi lòng vòng vườn quýt quanh khu vực khe Khuổi Và, dừng chân ở vườn quýt trên 300 cây của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Xuân Lễ ở thôn Nà Cọ, mái đầu đã bạc nhưng bác vẫn thoăn thoát đôi tay hái những quả quýt ở phía trên ngọn bằng chiếc thang tre tự làm. Vừa hái quả cựu chiến binh Nguyễn Xuân Lễ vừa cho biết: Cây quýt rất hay bị sâu đục thân ở gốc, vì vậy gốc cây quýt nhất thiết phải luôn luôn sạch cỏ.

Sau khi hái quả xong thì bón phân xung quanh gốc, một năm trong quá trình để có quả phun thuốc diệt sâu 3 lần. Quả quýt ở đất này có chất lượng không khác nhiều nơi có thương hiệu trên địa bàn tỉnh, quả tròn dẹt, vỏ nhẵn, màu vàng, múi to đều mọng nước, tép có màu vàng rơm, không nát, vị chua, ngọt dịu, mềm vừa phải, mùi rất thơm, bóc dễ.

Xã Đông Viên từ chỗ chỉ có vài hộ trồng quýt từ khoảng những năm 2000, thì đến nay cả xã có gần 54ha cam, quýt, trong đó khoảng 60% diện tích đã cho thu hoạch, tập trung nhiều ở khu Nà Vằn và lác đác ở Khuổi Peo, Đông Đong. Rời khe Khuổi Và khi những người nông dân vẫn đang hăng hái lao động, hái những quả quýt chín mọng với niềm vui được mùa, tiếng nói cười vẫn vang cả khe đồi để đến chiều những quả quýt được phân loại xếp gọn gàng vào những thùng xốp, rồi trở ra ngoài đường tập kết bán cho thương lái.

Đến xã Rã Bản, địa phương có diện tích quýt nhiều nhất huyện Chợ Đồn. Cây quýt đã trở thành cây trồng chủ lực của địa phương này trong công tác xóa đói giảm nghèo, số hộ có thu cả trăm triệu đồng mỗi năm không phải là hiếm. Vào vụ thu hoạch quả, cứ đến tầm 3-4 giờ chiều dọc trục đường Đông Viên - Rã Bản những xe tải thu mua quýt của thương lái lại đầy ắp những thùng quýt. Nhiều hộ diện tích nhiều, ít nhân lực thường bán cả vườn cho thương lái tự thu hoạch, còn đa phần các hộ dân tự thu hoạch rồi mới bán.

Gia đình anh Hoàng Văn Tuân, thôn Khuổi Già, xã Rã Bản có gần 2ha quýt, cả diện tích đã cho thu hoạch và trồng mới. Vườn quýt nhà anh được trồng khi anh còn thanh niên, mọi năm sai nhiều anh cho cả thương lái vào hái nhưng năm nay hai vợ chồng anh tự hái vừa tránh được việc quýt bị gẫy cành, sản lượng ước đạt trên dưới 5 tấn.

Vừa có thu hoạch từ quýt, đồng thời gia đình anh Tuân cũng trồng xen chanh, cũng mang lại thu nhập đáng kể. Nhờ quýt gia đình anh mua được đủ vật dụng trong gia đình như xe máy, ti vi, tủ lạnh…sửa sang nhà cửa được khang trang hơn. Không quá cầu kỳ trong việc chăm sóc nhưng giá trị kinh tế mang lại cao, có những cây quýt thu hái và bán mang về 1 triệu đồng là điều bình thường đối với những người nông dân gắn bó trồng quýt.

Quýt Chợ Đồn cũng được nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý của thương hiệu quýt Bắc Kạn. Điều này, không những được công nhận về chất lượng, mà còn góp phần tích cực quảng bá sản phẩm, nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, nhận thức của nông dân trong việc trồng, chăm sóc đúng quy trình nhằm mở rộng diện tích, không ngừng nâng cao chất lượng quả. Từ đó, góp phần tích cực giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho người trồng quýt...

Khi nắng chiều buông xuống là lúc những người nông dân “đua” nhau vận chuyển quýt đã thu hoạch ra bán cho thương lái tại điểm tập kết. Người bán, người mua hối hả, niềm vui của những người nông dân khi nông sản được mùa, được giá hiện rõ trên từng gương mặt.

Nguồn bài viết: http://baobackan.org.vn/channel/1121/201412/cho-don-vao-vu-thu-hoach-quyt-2355917/


Có thể bạn quan tâm

ron-rang-mua-cam Rộn Ràng Mùa Cam dong-rieng-duoc-mua-duoc-gia Dong Riềng Được Mùa, Được…