Tin nông nghiệp Chôm chôm Long Khánh vào bảng vàng đặc sản quốc gia

Chôm chôm Long Khánh vào bảng vàng đặc sản quốc gia

Tác giả Quỳnh Như, ngày đăng 16/06/2016

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.

Việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chứng tỏ chôm chôm Long Khánh có danh tiếng và khẳng định chất lượng đặc thù mà chôm chôm vùng khác không thể giống được.

Theo sự bảo hộ này, chôm chôm ở mọi nơi khác không được gọi là chôm chôm “Long Khánh”. Chỉ có chôm chôm nhãn hoặc chôm chôm tróc, trồng tại các xã: Bình Lộc, Xuân Tân, Bảo Vinh, Bảo Quang (thị xã Long Khánh); Xuân Định, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); Xuân Thiện, Quang Trung, Gia Kiệm và Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất); xã Sông Nhạn, Xuân Quế, Bảo Bình và Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ), tỉnh Đồng Nai; được bảo quản, đóng gói tại các khu vực gồm: thị xã Long Khánh, huyện: Xuân Lộc, Thống Nhất và Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, mới được mang danh là chôm chôm Long Khánh.

Chôm chôm nhãn Long Khánh có vỏ màu xanh, vàng cam và vàng đỏ, mùi thơm, vị giòn và ngọt. Còn chôm chôm tróc Long Khánh có vỏ màu đỏ và đỏ đậm, râu dài, dày và đuôi có đốm xanh, vị ngọt.

Trong số gần 220 sản vật của cả nước mà Bộ Khoa học và Công nghệ từng thống kê, đến nay có 44 loại sản vật được bảo hộ chỉ dẫn địa lý như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, gần đây nhất là sá sùng Vân Đồn, cam Cao Phong, tiêu Quảng Trị, ngán Quảng Ninh. Ngoài ra, có bốn chỉ dẫn địa lý nước ngoài được bảo hộ tại Việt Nam là rượu Cognac (Pháp), Pisco (Peru), rượu Scotch whisky, tơ tằm truyền thống Isan Thái Lan.


Có thể bạn quan tâm

trong-dau-nuoi-tam-lam-choi-an-that Trồng dâu nuôi tằm -… bong-hong-9x-lam-giau-tu-nam-rom Bóng hồng 9x làm giàu…