Chọn Nuôi Tôm Thẻ Hay Tôm Sú?: Khổ Vì Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng
Hiện nay, tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) tràn lan, không thể kiểm soát đã thật sự làm đau đầu ngành Nông nghiệp. Các nhà khoa học đã cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh từ đối tượng “ngoại lai” này. Bởi, TTCT gây tác động xấu đến môi trường và tính đa dạng sinh học, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững.
Khổ vì nuôi tôm thẻ chân trắng
So với năm 2012, diện tích nuôi TTCT trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu tăng cao đến chóng mặt. Trong đó, có những địa phương tăng gần 4 lần so với cùng kỳ. Nếu năm 2012, diện tích nuôi TTCT của huyện Phước Long khoảng 1.000ha, thì đến nay đã vượt hơn 5.000ha. Các địa phương khác như huyện Hồng Dân, Đông Hải, TP. Bạc Liêu… diện tích nuôi TTCT cũng tiếp tục tăng cao.
Thất trắng vì nuôi TTCT
Đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh vẫn chưa thống kê đầy đủ diện tích nuôi TTCT do người dân lén lút thả nuôi nhưng không khai báo. Đáng báo động là diện tích này chủ yếu tập trung ở vùng nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến - kết hợp, và cả vùng sản xuất lúa - tôm. Đây vốn là vùng cấm nuôi TTCT nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho những mô hình được xác định là ít rủi ro, cho hàng hóa chất lượng cao.
* Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo phát biểu tại hội thảo “Định hướng chiến lược nuôi tôm nước lợ bền vững tại Việt Nam” do Tổng cục Thủy sản tổ chức tại Bạc Liêu.
Vậy, đâu là nguyên nhân làm cho diện tích nuôi TTCT tăng cao? Có phải con TTCT mang lại lợi nhuận nhiều hơn so với con tôm sú? Qua điều tra thực tế, ở nhiều địa phương, sở dĩ người dân đua nhau nuôi TTCT chẳng qua là “liều”, có hộ gần như cùng đường nên phải chọn nuôi TTCT với hy vọng “được lấy, thất bỏ” vì có nơi, con giống TTCT gần như cho không. Nghĩa là doanh nghiệp sản xuất giống khuyến khích nông dân nuôi TTCT và cam kết khi nào trúng họ mới lấy tiền con giống, còn tôm chết thì họ tiếp tục đầu tư đợt giống khác.
Bà Trần Ngọc Ngoan (ấp An Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) nói: “Người dân ở ấp An Điền lâu nay chỉ nuôi tôm sú theo mô hình quảng canh kết hợp với các loại thủy sản khác. Năm 2012, do việc nuôi tôm sú gặp khó khăn, bị thiệt hại liên tục nên người dân mới nuôi TTCT. Giống TTCT được doanh nghiệp cho nên nông dân không tốn tiền mua. Song, nuôi TTCT thì rủi ro rất cao. Gia đình tôi thả nuôi 6 công TTCT nhưng chẳng thu hoạch được con tôm nào”. Hay hộ ông Huỳnh Văn Cum (cùng ngụ ấp An Điền) nuôi trên 15 công TTCT cũng thất trắng. Đến lúc này nhiều người mới hối hận, phải chi nuôi con tôm sú kết hợp với các loại thủy sản khác thì đâu đến nỗi phải trắng tay. Ít ra, nếu không thu được con tôm sú thì cũng còn có con cua, con cá.
Tự lấy dây “buộc mình”!
Đúng như các nhà khoa học đã cảnh báo, TTCT sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường và tính đa dạng sinh học, nhất là việc cạnh tranh nguồn thức ăn với các loại thủy sản bản địa. Đơn cử như huyện Phước Long, dù người dân chỉ mới thực hiện 1 vụ TTCT, nhưng họ phải đứng trước nguy cơ gánh chịu những hậu quả nặng nề do con TTCT gây ra.
Ông Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho rằng: “Qua đúc kết thực tiễn, chỉ mới nuôi một vụ nuôi TTCT mà nhiều nông dân đã phải đối mặt với khó khăn. Sau khi nuôi TTCT, việc nuôi tôm sú rất khó, tôm sú chậm lớn, bị thiệt hại vì trong ao nuôi không còn thức ăn (do TTCT ăn hết). Thậm chí, có người nuôi lại TTCT, nhưng TTCT cũng chậm lớn do không còn thức ăn. TTCT phải được nuôi bằng thức ăn công nghiệp, mà mô hình quảng canh lâu nay chỉ có việc tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có trong ao”.
Thực tế trên cho thấy, nông dân dường như đang tự lấy dây buộc mình và phải chịu thêm gánh nặng chi phí.
Trước đây, người dân nuôi con tôm sú theo mô hình quảng canh (không tốn thức ăn). Nay, nuôi TTCT thì phải đầu tư thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Các loại hóa chất này sẽ tác động xấu đến cây lúa, bởi ở vùng chuyển đổi vùng Bắc Quốc lộ 1A, lúa vẫn là cây trồng chiến lược và sử dụng chung hệ thống thủy lợi với con tôm.
Việc doanh nghiệp phát động nông dân đua nhau nuôi TTCT trong thời gian gần đây đáng để mọi người suy nghĩ. Không ít người cảnh báo, người nuôi tôm coi chừng bị “trúng bẫy” của các nhà sản xuất con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Xét ở góc độ an ninh kinh tế, việc nông dân bất chấp quy hoạch nuôi TTCT còn bị ảnh hưởng từ việc tranh mua loại tôm này của các doanh nghiệp Trung Quốc. Như địa bàn huyện Giá Rai, đã xuất hiện nhiều thương lái Trung Quốc tranh nhau mua TTCT nguyên liệu với các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh, trong khi Trung Quốc là nước dẫn đầu châu Á về sản lượng TTCT với hơn 300.000 tấn/năm (gấp 10 lần sản lượng so với Việt Nam) (?). Và bài học thương lái Trung Quốc thu mua tôm sú nguyên liệu yêu cầu bơm tạp chất để làm mất uy tín, thương hiệu con tôm sú Việt Nam vẫn còn đó!
Nông dân nghèo nuôi TTCT sẽ khổ…
Tại hội thảo “Định hướng chiến lược nuôi tôm nước lợ bền vững tại Việt Nam” (do Tổng cục Thủy sản tổ chức tại Bạc Liêu vừa qua), Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cảnh báo: “Việc nuôi TTCT sẽ đẩy người nông dân vào cảnh bị lệ thuộc hoàn toàn, nhất là con giống, vì đến nay, tôm bố mẹ TTCT vẫn phải nhập từ nước ngoài. Đáng nói hơn, nông dân nghèo mà nuôi TTCT sẽ rất khổ. Lý do là họ không có tiền mua con giống xét nghiệm với giá cao, nên sẽ phải mua tôm “cà-rem” và số tôm giống này chắc chắn nhiễm bệnh. Sẽ chẳng có doanh nghiệp sản xuất con giống nào lại bán tôm “cà- rem” chất lượng với giá rẻ bèo khi giá con giống TTCT cao cấp hai lần con tôm sú. Chúng ta sẽ thật sự “bó tay” nếu để TTCT mang mầm bệnh thoát ra ngoài môi trường”.
Lo lắng của Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo cũng là lo lắng chung của nhiều nhà khoa học tại hội thảo này, vì bài học xương máu đó đã được đúc kết từ nhiều quốc gia. Không phải ngẫu nhiên mà chính phủ ở nhiều nước châu Á lại ban hành Luật Chống nhập khẩu và nuôi TTCT du nhập từ Nam Mỹ. Bởi, TTCT đã làm cho khu vực Nam Mỹ mỗi năm bị thiệt hại hơn 0,5 tỷ USD do dịch bệnh từ vi-rút Taura Syndrome gây ra, mà nguyên nhân cơ bản là sự bất cẩn trong sản xuất tôm giống và các đàn giống du nhập từ nước ngoài.
Ở những nơi được đầu tư hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ, TTCT còn bị dịch bệnh, huống chi là Bạc Liêu, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, con tôm và cây lúa còn tranh nhau nguồn nước. Mặc khác, hơn 10 năm chuyển đổi sản xuất, nông dân Bạc Liêu đã phải đánh đổi quá nhiều, thậm chí phải trả một giá rất đắt mới hình thành nên những mô hình sản xuất hiệu quả như: tôm - lúa, tôm quảng canh cải tiến, cải tiến - kết hợp… cớ gì lại tự tay mình phá hủy nó!?
Với thực trạng nuôi TTCT không thể kiểm soát như hiện nay, khả năng TTCT thoát ra môi trường là sẽ khó tránh khỏi. Trách nhiệm này thuộc về ai? Hay lại đỗ lỗi cho ngành Nông nghiệp? Việc bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng về các mối nguy hại do con TTCT gây ra (mà nhiều nông dân, doanh nghiệp đang làm) phải chăng là họ đang tự trồng cho mình “trái đắng” và đẩy đời sau vào cảnh “khát nước”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ