Mô hình kinh tế Chống Gia Cầm Lậu Ở Biên Giới Quyết Liệt Nhất Từ Trước Đến Nay

Chống Gia Cầm Lậu Ở Biên Giới Quyết Liệt Nhất Từ Trước Đến Nay

Ngày đăng 11/09/2014

Theo điều tra của PV NNVN, thời điểm này, tình hình nhập lậu gia cầm qua biên giới đang bị lực lượng chức năng ngăn chặn ráo riết.

Mặc dù vậy vẫn chưa thể khẳng định gia cầm lậu hoàn toàn sạch bóng ở biên giới Lạng Sơn.

Tập kết nhiều nhưng không dám tràn biên

Mặc dù đang là mùa nhập lậu gia cầm giống nhưng theo ghi nhận của chúng tôi tại nhiều điểm nóng buôn lậu gia cầm ở Lạng Sơn như tuyến biên giới các huyện Cao Lộc, Lộc Bình... tình hình khá yên ắng.

Điển hình nhất là ở các “tổng kho gà lậu" như Kéo Kham, Khuổi Mươi, Thụy Hùng (huyện Cao Lộc) hay vùng biên gần cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình), các đầu nậu buôn gà lậu khét tiếng từ trước đến nay đều không liên hệ được. Còn ở các điểm nóng tập trung nhiều "cửu gà" là người địa phương như Thụy Hùng, Dốc Quýt, Tam Lung lồng gà chất thành đống, đám "cửu gà" đang thất nghiệp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, kể từ khi lực lượng chức năng trên địa bàn Lạng Sơn tổ chức vây bắt ráo riết các vụ nhập lậu gia cầm, các đầu nậu không dám ra mặt, án binh bất động còn "cửu gà" cũng không dám nhận hàng vì sợ bị bắt giữ. Cùng lắm, chỉ có một vài "cửu gà" người địa phương băng rừng gánh về với số lượng rất ít.

Nhưng kể từ sau vụ Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ xe ô tô BKS 12C 02385 chở 690 kg gà thải loại ngày 6/9 vừa rồi ở thôn Tam Lung, xã Thụy Hùng thì toàn bộ khu vực này hoàn toàn yên ắng.

Từ đầu năm đến nay, dọc theo tuyến biên giới Lạng Sơn, rất nhiều lán trại dã chiến được lực lượng chức năng dựng lên để đối phó với nạn nhập lậu gia cầm. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến gia cầm lậu gần như bị ngăn chặn triệt để.

Khu vực đường mòn cây Mắc Mật từ cột mốc 1012 đến cột mốc 1013 (Kéo Kham, Đồng Đăng) từ trước đến nay là điểm nóng nhập lậu gia cầm số một ở vùng biên Lạng Sơn. Nguyên nhân bởi vị trí này chỉ cách bản Lũng Nghịu (trấn Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc), nơi tập kết, thu gom gà lậu cực lớn chưa đầy 1,5 km.

Để đối phó với thực trạng các cửu “cõng" gà theo đường rừng, Đồn biên phòng Hữu Nghị đã lập 4 lán trại dã chiến ở khu vực này. Mỗi lán luôn có từ 3-4 người túc trực 24/24, cơm ăn, nước uống đều phải vận chuyển từ dưới bản lên.

Trung tá Vũ Huy Phước, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Hữu Nghị nói rằng: "Thời điểm này giá gia cầm giống đang cao, các đầu nậu tìm mọi cách để đưa “hàng” về, phía bên kia cũng đã tập kết rất nhiều nhưng sau khi các cơ quan chức năng liên tiếp bắt giữ số lượng lớn trong thời gian gần đây thì tình hình thực sự đã tạm ổn.

Để đánh lạc hướng đội quân chim lợn luôn túc trực, theo dõi các lực lượng chức năng ở khu vực thị trấn Đồng Đăng, từ chiều, tổ công tác của chúng tôi phải đi vòng xuống ga Đồng Đăng rồi ém quân ở đó, chờ đến đêm mới lẻn vào khu vực biên giới phục kích gà lậu".

Mất gần một tiếng đồng hồ leo núi thì đến điểm giáp biên. Sau khi lực lượng biên phòng dựng các lán trại dã chiến ở khu vực này, giới "cửu gà" liên tiếp xé lẻ các đường mòn chạy dọc dãy núi đá cao dựng đứng, bố trí chim lợn từ bên kia biên giới theo dõi ngược lại lực lượng chức năng.

Tạ Kiên Vững, bộ đội biên phòng ở Mắc Mật tiết lộ: "Các đầu nậu cho cửu gà chia thành từng nhóm nhỏ, mỗi cửu gánh từ 30-40kg gà thịt hoặc 200 con gà giống một chuyến. Nếu gặp lực lượng chức năng, "cửu gà" thường tháo lồng hoặc quăng gánh xuống vực. Rất nhiều chim lợn được thuê lên khu vực này, các đầu nậu sẵn sàng trả giá cao để mua thông tin, nhưng nếu gà vẫn bị bắt thì đội quân chim lợn phải chịu trách nhiệm.

Thời gian vừa rồi, lực lượng chức năng liên tiếp bắt giữ với số lượng lớn nên nhiều chim lợn phải bỏ nghề. Nguồn tin từ trinh sát ngoại tuyến cũng báo về, các chủ gà ở Lũng Nghịu đang rất sốt ruột, gia cầm giống giá đang khá cao, được thu gom bên đó rất nhiều nhưng không có cách nào để vận chuyển qua biên giới.

Dường như các chủ gà biết được thông tin lực lượng chức năng tổ chức canh phòng cẩn mật nên suốt một đêm chúng tôi phục kích ở vùng biên này không có bất cứ gánh gà nào đi qua".

Cũng giống như “tổng kho gà lậu” Cao Lộc, giới gà lậu ở huyện Lộc Bình, nơi có cửa khẩu Chi Ma cũng rất yên ắng. Con đường độc đạo từ thị trấn Lộc Bình đi TP Lạng Sơn vốn tập hợp nhiều “phi đội gà bay” lao như tên bắn trong đêm bây giờ vắng hoe vắng hoét.

Thủ đoạn càng ngày càng tinh vi

Dựa vào các con số thống kê và tình hình thực tế có thể thấy rằng, cuộc chiến chống gia cầm lậu ở Lạng Sơn thực sự vô cùng quyết liệt. Tuy nhiên, cơ quan chức năng càng làm quyết liệt thì thủ đoạn của các đối tượng buôn bán gia cầm lậu càng ma mãnh, tinh vi.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết: Năm 2014 này, số lượng gia cầm lậu bị bắt giữ, tiêu hủy tăng đột biến. Đặc biệt là sau khi có những thông tin xuất hiện vi rút H7N9, H5N6...

Theo thống kê của Chi cục Thú y Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay cơ quan này đã tổ chức 202 vụ tiêu hủy 16.477 kg gà Trung Quốc thải loại, 685kg gà thương phẩm, 138.883 con gà giống, 162.537 con vịt giống... Ngoài ra còn một số lượng rất nhiều ngỗng, chim bồ câu...

Đặc biệt, trong tháng 7 và tháng 8, số lượng gia cầm giống nhập lậu bị cơ quan chức năng bắt giữ giao cho Chi cục Thú y tiêu hủy tăng đột biến. Chỉ trong vòng hơn một tháng đã tiêu hủy hơn 110 nghìn con gia cầm giống.

Đây là thời điểm người chăn nuôi gia cầm trong nước “xuống giống” để phục vụ tết, lợi nhuận từ buôn giống gia cầm lậu cao nên các đầu nậu điên cuồng tìm cách buôn. Cũng từ đầu năm, Công an tỉnh Lạng Sơn đã xử lý tới 101 vụ buôn bán, vận chuyển gia cầm lậu, tuy nhiên do lợi nhuận quá cao nên vẫn còn nhiều đối tượng bất chấp, liều lĩnh, sẵn sàng chống đối cơ quan chức năng.

Điển hình như vụ việc tại thôn Thâm Loỏng, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc. Khi lực lượng chức năng ập vào, bắt quả tang xe ôtô mang BKS 98C 03008 do Trần Văn Thưởng, trú tại Yên Hòa, Yên Mỹ, Hưng Yên điều khiển đang bốc xếp 1.500 con gà thải loại, một số đối tượng đã kích động người dân trong thôn chống đối, ném đá, cướp hàng, giữ ô tô...

Trong quá trình đưa tang vật và đối tượng ra khỏi địa bàn, tổ công tác đã bị bao vây, ném đá trộm khiến một số người bị thương.

Ngay sau đó, cũng tại khu vực này, ngày 13/8, Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thu giữ gần 2.000 con gia cầm giống gồm vịt, gà, ngỗng con tại điểm tập kết giáp ranh giữa thôn Khuổi Mươi và Thâm Loỏng đã bị nhiều đối tượng tổ chức cướp lại.

Rạng sáng 14/8, phát hiện các đối tượng tập kết gà thải loại vào một nhà dân trong thôn Nà Pài cũng thuộc xã Thụy Hùng, lực lượng chức năng ập vào nhưng bị chủ nhà khóa trái cửa. Phải mất một ngày, xin lệnh khám nhà, tích cực vận động vụ việc mới được giải quyết.

Tuy nhiên, kể cả khi lực lượng chức năng bắt giữ số gà thải loại gần 400 con trong ngôi nhà này, chủ nhà nhất quyết không nhận mà khai rằng số gà trên do một người khác gửi nhờ.

Theo Trung tá Vũ Huy Phước, Phó đồn trưởng ĐBP Hữu Nghị, thủ đoạn của các đầu nậu buôn bán gia cầm nhập lậu hiện nay rất tinh vi. Bọn chúng không bao giờ xuất hiện hay đứng ra thu gom mà chỉ liên hệ theo các đầu mối rồi cử người vào các thôn bản vận động người dân vận chuyển gà theo hình thức nhỏ lẻ.

Đây là vấn đề khiến lực lượng chức năng hết sức đau đầu do việc kiểm soát người dân ở khu vực biên giới hết sức khó khăn. Ví dụ như xã Thụy Hùng (huyện Bảo Lộc) tập hợp những tụ điểm tập kết gia cầm phức tạp. Hầu hết các gia đình trong xã đều có người tham gia vào vận chuyển thuê gia cầm lậu. Người dân không chỉ bao che hoạt động mà mỗi khi lực lượng chức năng bắt giữ thường xuyên bị chống đối.

Các đầu nậu bây giờ chỉ chịu trả tiền khi nhận được hàng nên mỗi lồng gà người vận chuyển phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Việc bắt giữ các “ông chủ” là bất khả thi.


Có thể bạn quan tâm

hom-nay-khai-mac-craft-viet-2014 Hôm Nay Khai Mạc Craft… ky-thuat-trong-rong-nho-tren-vi Kỹ Thuật Trồng Rong Nho…