Tin nông nghiệp Chống nóng cho vật nuôi

Chống nóng cho vật nuôi

Tác giả Vũ Đình, ngày đăng 06/08/2019

Nắng nóng cao độ kéo dài, không chỉ con người mà đến cả vật nuôi ở Bình Định đều “há hốc mồm” khiến người chăn nuôi lo âu. 

Nắng nóng kéo dài, đàn heo thiếu nước tắm dễ dẫn đến dịch bệnh

Để bảo toàn cho đàn gia súc, gia cầm, ngành chức năng đã hướng dẫn những giải pháp chống nóng.

Khủng hoảng thiếu nước

Thời tiết tại Bình Định đang rất oi bức, có hôm nắng nóng lên đến 39 - 40 độ C. Nhiều nơi trên đã cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước cung ứng cho vật nuôi còn khủng hoảng hơn. Trong khi đó, mật độ chăn nuôi rất cao tại một số vùng ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, thị xã An Nhơn; nhất là huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh là “vựa heo miền Trung” đã khiến đàn vật nuôi khốn đốn. Nắng nóng, điều kiện chuồng trại chật chội, không thoáng mát, lại thiếu nước tắm khiến cho gia súc, gia cầm bị stress.

“Trước thực trạng trên, đàn trâu, bò dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp như tụ huyết trùng, phó thương hàn, loét da quăn tai, tiêu chảy, LMLM. Còn đàn heo bị các bệnh rối loạn sinh sản và hô hấp, tụ huyết trùng và các bệnh cúm, phó thương hàn, dịch tả, LMLM bủa vây. Những hộ nuôi gia cầm thì đang lo sốt vó với các bệnh cúm, tụ huyết trùng, Grumboro, Ecoli, dịch tả…”, ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục phó Chi cục Thú y Bình Định cho biết.

“Đối với đàn gia cầm, ngoài dịch bệnh, nếu thiếu nước chúng sẽ bị chết cả đàn gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi”, ông Quốc nói thêm.

Cũng theo ông Quốc, đối với các bệnh dịch tả heo, LMLM trên trâu bò và cúm gia cầm nhờ vừa được tiêm phòng xong đợt 1/2015 nên đã hạn chế được dịch bệnh.

Tuy nhiên, kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, dịch bệnh heo tai xanh thường xảy ra trong giai đoạn thời tiết nắng nóng kéo dài, nhất là tại những vùng chăn nuôi tập trung như huyện Hoài Ân và xã Hoài Mỹ thuộc huyện Hoài Nhơn. Đồng thời với bệnh tai xanh, trong thời tiết nắng nóng đàn heo cũng dễ phát sinh bệnh LMLM.

Tích cực phòng chống

Thời gian qua, giá các loại gia súc gia cầm tại Bình Định ổn định ở mức cao nên người chăn nuôi tăng đàn khá lớn. Hiện trên địa bàn tỉnh có đàn trâu, bò lên đến gần 280.000 con, tăng 3% so cùng kỳ năm ngoái; đàn heo 760.000 con, tăng 4,6%; đàn gia cầm trên 6,5 triệu con, tăng 2,8%. Đàn gia súc, gia cầm cao bao nhiêu thì trong thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài như thế này, nỗi lo của ngành chức năng và của người chăn nuôi cao bấy nhiêu.

“Dự báo trong thời gian tới vẫn tiếp tục nắng nóng kéo dài, để tránh thiệt hại lớn, chúng tôi đã khuyến cáo người chăn nuôi giảm đàn để giảm áp lực về cung cấp nước cho gia súc, gia cầm. Những vùng nuôi heo lớn cần phải bán bớt những con đã có thể xuất chuồng. Bò thì không nên thả ra ngoài trời để tránh nóng dễ dẫn đến say nắng.  Nỗi lo lớn nhất là nắng nóng đã khiến nguồn thức ăn trong tự nhiên cho trâu, bò bị chết cháy, trong thời gian tới sẽ thiếu nghiêm trọng nguồn thức ăn xanh”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong thời tiết nắng nóng, Chi cục Thú y đã triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, chú trọng công tác tiêm phòng vắc-xin các loại dịch bệnh nguy hiểm và thường xuyên tổ chức tiêu độc sát trùng chuồng trại. Thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin kịp thời từ mạng lưới thú y xã, phường, thị trấn về tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi và có biện pháp xử lý nhanh khi có dịch.

“Ngoài tiêm phòng LMLM cho 241.000 con trâu, bò và hơn 70.000 con heo trong đợt 1/2015, bằng các nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh, Chi cục Thú y đã mua vắc-xin CGC hỗ trợ các trạm thú y tiêm cho đàn gia cầm tại các địa phương có nguy cơ tái phát dịch cao.

Hiện Bình Định đã tiêm phòng cho 2,7 triệu con gia cầm; tiêm phòng dịch tả cho 523.654 con heo. Và vẫn đang tiếp tục tiêm bổ sung vắc-xin phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; phun thuốc tiêu độc, sát trùng chuồng trại; hướng dẫn bà con các biện pháp phòng chống dịch bệnh”, ông Quốc cho hay.

Đáng quan ngại là tình trạng mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh thú y tại nhiều địa phương vẫn diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng đến đàn vật nuôi vì dễ lây lan dịch bệnh. Một bộ phận người chăn nuôi còn có thói quen vứt xác gia súc, gia cầm bị dịch bệnh chết ra sông, suối, kênh rạch... nên mầm mống dịch bệnh luôn tiềm ẩn, có thể bùng phát, lây lan ra diện rộng bất cứ lúc nào.

Trước thực trạng này, ngành chức năng tại Bình Định đã yêu cầu các trạm thú y tăng cường công tác kiểm dịch, thực hiện đúng quy trình kiểm dịch, quy trình kiểm soát giết mổ; chú trọng công tác kiểm tra lâm sàng, kiểm tra động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra vào tỉnh, nhằm phát hiện sớm dịch bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời.

Mặt khác, còn yêu cầu lực lượng thú y các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên hỗ trợ người chăn nuôi tiêm phòng bổ sung vắc-xin phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm.


Có thể bạn quan tâm

nhung-dich-benh-hai-can-chu-y-trong-tuan-tu-6-12-8 Những dịch bệnh hại cần… nuoi-ga-an-toan-sinh-hoc Nuôi gà an toàn sinh…