Mô hình kinh tế Chủ Động Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi

Chủ Động Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi

Ngày đăng 12/07/2013

Đã gần một tháng nay, nhiều hộ nuôi tôm ở các địa phương trong tỉnh Quảng Bình lo lắng vì nhiều diện tích ao hồ đã xảy ra tình trạng tôm bị dịch bệnh gây chết hàng loạt, làm ảnh hưởng đến năng suất, thu nhập của người nuôi tôm...

Theo báo cáo của Sở Nông Nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có diện tích nuôi thủy sản mặn lợ là 929,1 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú 190,4 ha và diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 408,7 ha. Cụ thể diện tích nuôi tôm từng địa phương: Quảng Trạch 197,6 ha; Bố Trạch 251,8 ha; Đồng Hới 46,9 ha; Quảng Ninh 48,5 ha và Lệ Thủy 31,7 ha. Trong vụ nuôi này, toàn tỉnh đã thả 19,09 triệu con giống tôm sú và 225 triệu con giống tôm thẻ chân trắng.

Tuy nhiên, khi tôm nuôi mới 15 đến 45 ngày tuổi thì dịch bệnh phát sinh sớm và diễn ra hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đến nay, diện tích nuôi tôm bị bệnh khoảng 36,5 ha, chiếm gần 7,0% diện tích thả nuôi. Trong đó, dịch đốm trắng 12,5 ha (tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2012) và hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính trên 24 ha.

Đáng nói, hầu hết tôm chết là do mầm bệnh đốm trắng tồn lưu trong môi trường, vùng nuôi nên dịch bệnh năm nay đã xảy ra ở địa bàn các xã năm 2012 có dịch như: Quảng Thuận, Quảng Tiên (Quảng Trạch); Đồng Trạch, Hạ Trạch (Bố Trạch); Hàm Ninh (Quảng Ninh) và Bảo Ninh (Đồng Hới).

Riêng tôm chết có dấu hiệu hội chứng hoại tử gan tụy xảy ra ở tất cả các vùng nuôi bị bệnh. Đặc biệt, không chỉ có các hộ nuôi tôm với diện tích nhỏ lẻ bị dịch bệnh mà ngay những cơ sở, doanh nghiệp nuôi tôm cũng bị bùng phát dịch bệnh. Tại Công ty cổ phần Đức Thắng, ở xã Bảo Ninh, vụ nuôi này đơn vị tiến hành thả nuôi trên diện tích 40 ao với số lượng giống thả khoảng 24 triệu giống và áp dụng quy trình nuôi mới cho 30 ao.

Sau khi tôm được gần 1 tháng thì xuất hiện tình trạng tôm chết tại 9 ao nuôi theo quy trình cũ. Không ngoại lệ, vào thời điểm tôm thả được 18 ngày thì đã xuất hiện tình trạng tôm chết ở 9/12 ao nuôi tôm của Công ty TNHH thủy sản Hưng Biển do bị bệnh hoại tử gan tụy.

Theo các hộ nuôi tôm, năm nào tình trạng dịch bệnh ở tôm cũng xảy ra, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi. Tuy nhiên, so với các năm trước nhiều hộ thả nuôi tôm muộn hơn nhưng dịch bệnh năm nay xảy ra sớm hơn mọi năm và rải rác khắp các vùng nuôi. Trước tình trạng đó, các hộ dân đã nhanh chóng thu hoạch nhằm vớt vát lại phần nào đồng vốn, đồng thời, tiến hành phòng, chống dịch bệnh, tránh lây lan sang diện rộng.

Theo ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ngoài yếu tố về thời tiết là do điều kiện nắng nóng xen những đợt mưa giông gây bất lợi cho quá trình nuôi tôm, thì năm 2012 ít xảy ra mưa lũ lớn nên các loại vi rút có hại tồn tại trong môi trường nước đã gặp điều kiện thuận lợi để phát sinh, phát triển. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi tôm trong tỉnh còn thấp kém và môi trường nuôi chưa bảo đảm.

Một vấn đề nữa đáng lưu ý là nhiều người nuôi tôm trong tỉnh vẫn chưa thật sự ý thức cao trong việc tuân thủ, chấp hành nghiêm việc kiểm soát tôm giống trước khi thả tôm. Đáng kể, trong tổng số gần 244 triệu con giống thả nuôi trong toàn tỉnh thì đã có 55,28 triệu tôm giống tại các hộ nuôi nhỏ, lẻ không rõ nguồn gốc, không có phiếu kiểm dịch của cơ quan Thú y cấp (chiếm 22,7% lượng giống thả nuôi).

Mặt khác, công tác cải tạo ao hồ của một số hộ trước khi thả nuôi chưa được chú trọng đúng mức, mật độ thả giống quá dày, cho tôm ăn thức ăn quá nhiều, làm cho môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh tôm nuôi. Đáng nói hơn, khi phát hiện tôm bị chết, nhiều hộ nuôi không báo cáo chính quyền và cơ quan chức năng biết để được hỗ trợ tìm hiểu nguyên nhân và cùng xử lý dịch bệnh mà tự ý tháo nước từ ao nuôi ra môi trường, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Vì vậy, nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo bà con nuôi tôm nên cải tạo ao nuôi chu đáo, đúng quy trình; thả tôm nuôi với mật độ phù hợp. Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường trong ao nuôi, để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời. Bà con nuôi tôm nên tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất diệt khuẩn, nhằm ổn định môi trường ao nuôi.

Đồng thời, người nuôi tôm nên cho tôm nuôi ăn đúng khẩu phần, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, vi lượng để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi. Cùng với đó, người nuôi cũng cần thường xuyên liên lạc và nắm bắt các thông tin diễn biến về dịch bệnh để có biện pháp phòng ngừa thích hợp như thay nước, tăng tần suất kiểm tra tôm nuôi.

Đối với những ao nuôi khi phát hiện tôm có dấu hiệu không bình thường như tôm ăn nhiều hơn một cách bất thường hoặc giảm ăn, có đốm trắng trên vỏ, đỏ thân, đen mang, bơi lờ đờ, không định hướng... cần báo ngay với cán bộ khuyến ngư, thú y nơi gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm, nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh và xử lý kịp thời.


Có thể bạn quan tâm

chap-nhan-ban-lo-ca-tra-van-kho-tieu-thu Chấp Nhận Bán Lỗ, Cá… viec-nuoi-ca-long-da-vuot-qua-quy-hoach Việc Nuôi Cá Lồng Đã…