Mô hình kinh tế Chủ động sản xuất vụ lúa đông xuân

Chủ động sản xuất vụ lúa đông xuân

Ngày đăng 22/11/2015

Lũ thấp, phát sinh nhiều mối lo

Năm nay, mực nước lũ thấp nên bà con nông dân vùng sản xuất lúa có thể thực hiện vệ sinh đồng ruộng sớm để xuống giống vụ lúa đông xuân 2015 - 2016, mà không chờ nước lũ rút hoặc phải bơm tát nước so với các năm trước.

Tuy nhiên, lũ thấp cũng phát sinh nhiều mối lo cho nông dân khi bước vào vụ sản xuất lúa quan trọng nhất trong năm.

Ông Phạm Minh Lê, ngụ xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Cách nay gần 2 tháng, ngay sau thu hoạch lúa thu đông 2015, gia đình tôi đã vệ sinh đồng ruộng và khai thông bờ bao cho nước lũ vào ruộng để phân hủy rơm rạ, tiêu diệt mầm bệnh và bồi đắp phù sa cho đất.

Tuy nhiên, năm nay nước lũ về ít nên gia đình cũng rất lo, sợ lúa mới gieo sạ có thể bị nhiễm độc hữu cơ do rơm rạ trên ruộng không được phân hủy tốt.

Do vậy, cận ngày xuống giống, gia đình quyết định dù tốn chi phí nhưng phải cố gắng làm vệ sinh đồng ruộng thật kỹ một lần nữa và chọn mua giống lúa OM 2518 cấp xác nhận, có khả năng chống chịu sâu bệnh cao về để gieo sạ cho 15 công ruộng".

Còn theo ông Nguyễn Đức Lưu, ngụ khu vực Phúc Lộc 2, phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, vụ đông xuân là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, do năng suất lúa cao, chất lượng tốt và có tính quyết định đến thời vụ, thời điểm xuống giống các vụ lúa sau.

Nếu vụ lúa đông xuân không có lời thì các vụ lúa sau rất khó kiếm lời, do vậy nông dân rất quan tâm đầu tư cho vụ lúa này.

Năm trước, nước lũ nhiều, nông dân xới đất từ sớm rồi ngâm ruộng lúa trong lũ, đến lúc gieo sạ chỉ cần dọn cỏ rác, xới đất sơ lại là xuống giống.

Nhưng vụ này lũ về ít, nông dân phải xới, trục nhiều lần nên tốn nhiều chi phí làm đất mà vẫn lo lúa có thể bị nhiễm độc hữu cơ.

Mực nước lũ thấp cũng là điều kiện cho các loại sâu bệnh và dịch hại lúa có điều kiện bùng phát, nhất là nạn chuột và ốc bươu vàng.

Lũ về ít, đồng ruộng không được bồi đắp phù sa, nhiều nông dân lo có thể xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước phục vụ sản xuất vào cuối vụ.

Làm đất chuẩn bị gieo sạ lúa đông xuân 2015 - 2016 tại phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Theo nhận định và dự báo của ngành chức năng, nhiệt độ từ tháng 9-2015 đến tháng 2-2016 trên phạm vi toàn quốc có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,50C.

Cùng thời điểm này, lượng mưa ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ nhiều khả năng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 20 - 50%.

Mùa mưa ở các khu vực này có khả năng kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm.

Đỉnh lũ năm 2015 trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc có khả năng ở mức báo động 1 nhưng thấp hơn trung bình nhiều năm.

Tổng lưu lượng dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông về khu vực ĐBSCL dự báo thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 - 40% nên trong các tháng đầu mùa khô năm 2015 - 2016, mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ sẽ cao hơn, sớm hơn cùng kỳ mùa khô 2014 - 2015 và trung bình nhiều năm.

Do vậy, các địa phương Nam bộ cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.

Chủ động cho mùa vụ

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, năm nay lũ thấp, khả năng nông dân sẽ xuống giống lúa nhanh và tập trung xuống giống phần lớn các diện tích trong con nước mùng 10 tháng 10 âm lịch.

Do vậy, cũng làm phát sinh mối lo về việc bị động trong khâu thu hoạch và phơi sấy lúa nếu các địa phương và nông dân không quan tâm chuẩn bị từ sớm.

Nhằm thực hiện thắng lợi vụ lúa đông xuân 2015 - 2016, ngay từ rất sớm, Sở đã xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất, kịp thời đưa ra các khuyến cáo và vấn đề cần lưu ý trong sản xuất vụ lúa này cho người dân biết để thực hiện tốt.

Dự kiến lịch xuống giống vụ lúa đông xuân 2015 - 2016 tại TP Cần Thơ gồm 2 đợt.

Đợt 1 từ ngày 15-11 đến 21-11-2015 (từ mùng 4 đến mùng 10 tháng 10 âm lịch); đợt 2 từ ngày 1 đến 8-12-2015 (từ 20 đến 27 tháng 10 âm lịch).

Để đảm bảo an toàn cho các đợt xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ yêu cầu các địa phương căn cứ kế hoạch chung của thành phố và diễn biến rầy nâu vào đèn tại mỗi địa phương, kết hợp với chế độ thủy văn để xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho địa phương.

Qua đó, vừa đảm bảo "né rầy", vừa giúp hạn chế chi phí bơm tát, ngập úng đầu vụ.

Các địa phương cần chủ động tuyên truyền, hướng dẫn nông dân ngay từ đầu vụ, không được chủ quan.

Khi bố trí lịch thời vụ phải tuân thủ theo nguyên tắc chung là "gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng", không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa khác nhau.

Mặt khác, giống lúa có tính quyết định trong việc bố trí mùa vụ nên cần chọn các giống phù hợp cho vùng sản xuất hoặc 3 vụ lúa trong năm để bảo đảm thời gian cách ly giữa các vụ lúa ít nhất 3 tuần.

Xây dựng cơ cấu giống lúa cho vụ đông xuân 2015 - 2016 đảm bảo cân đối, an toàn dịch bệnh, sử dụng giống bền vững, phù hợp với thực tế sản xuất và thị trường, giữ tỷ lệ cơ cấu phù hợp với các giống chủ lực như: Jasmine 85, giống OM 5451, OM 4218, OM 2517, OM 7347.

Quan tâm xây dựng vùng sản xuất giống lúa đặc sản, chất lượng cao, xây dựng kế hoạch sản xuất và chăm sóc để quản lý dịch hại, bảo vệ năng suất, sản lượng và an toàn cho sản xuất các vụ sau.

Trước tình hình lũ ít, khô hạn và các loại dịch hại được dự báo diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT thành phố đã khuyến cáo nông dân quan tâm làm tốt vệ sinh đồng ruộng.

Chú ý công tác thủy lợi để chủ động nước tưới tiêu và thực hiện tốt giải pháp "né rầy, ôm nước" khi cần thiết, cũng như đưa nước vào ruộng để che chắn lúa non, hạn chế sự gây hại của rầy nâu và các loại dịch hại nguy hiểm như: ốc bươu vàng, chuột.

Đồng thời khuyến khích nông dân tăng cường thực hiện các biện pháp sinh học trong diệt chuột, ốc bươu vàng và phòng trừ các loại sâu bệnh lúa nhằm giảm tác hại xấu đến môi trường và giảm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, các địa phương và nông dân trên địa bàn thành phố phải có kế hoạch chống hạn và chuẩn bị các khâu thu hoạch, phơi sấy lúa ngay từ đầu vụ.

Sử dụng giống từ cấp xác nhận trở lên để gieo sạ, đảm bảo lúa khỏe ngay giai đoạn đầu.

Thực hiện gieo sạ tập trung, đồng loạt theo lịch né rầy.

Nông dân không được lạm dụng phân bón và thuốc hóa học mà phải thăm đồng thường xuyên, bón phân, xịt thuốc theo nhu cầu cây lúa và theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Đồng thời quan tâm đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất.

Quan tâm củng cố, phát triển các mô hình cánh đồng lớn gắn với các hợp đồng bao tiêu vật tư đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quản sản xuất và tạo ổn định cho đầu ra sản phẩm…

Với nhiều giải pháp chủ động trong sản xuất được triển khai thực hiện, tin rằng dù gặp phải nhiều khó khăn nhưng nông dân tại TP Cần Thơ sẽ tiếp tục có một vụ mùa thắng lợi.


Có thể bạn quan tâm

chuan-bi-trong-nhieu-giong-mia-moi-cho-nang-suat-va-chu-duong-cao Chuẩn bị trồng nhiều giống… ca-phe-mat-mua-mat-gia Cà phê mất mùa, mất…