Chú trọng khía cạnh thị trường
Để kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì việc định vị con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới và xây dựng thương hiệu quốc gia là rất cần thiết. Góp phần thực hiện mục tiêu đó, VietShrimp 2018 sẽ tập trung nhiều hơn đến vấn đề thị trường và khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam.
Tôm vẫn là điểm sáng của ngành thủy sản Ảnh: PTC
Số 1 vẫn là tôm
Trong những năm gần đây, xuất khẩu tôm Việt Nam đem về doanh số cao hơn xuất khẩu gạo, đưa tôm trở thành mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị thứ hai, chỉ sau cà phê. Giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2016 đạt 3,1 USD, chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, được cho là thành công của ngành. Nhiều chuyên gia dự đoán, kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm 2017 sẽ đạt 3,3 tỷ USD.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện Việt Nam đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới (sau Trung Quốc và Indonesia), với sản lượng 600.000 - 650.000 tấn/năm; Dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú với sản lượng 300.000 tấn/năm; Luôn nằm trong top 5 các nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới (cùng với Ecuador, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia) và đã xuất khẩu tới gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Quân tâm đến thị trường
Tiếp nối thành công của Hội chợ Triển lãm Quốc tế về ngành tôm Việt Nam lần thứ nhất năm 2016 (VietShrimp 2016), được sự đồng ý của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Bạc Liêu; Hội Nghề cá Việt Nam tiếp tục chỉ đạo Tạp chí Thủy sản Việt Nam tổ chức VietShrimp lần thứ hai năm 2018, diễn ra trong 3 ngày, 27 - 29/4/2018 tại Nhà hát Cao Văn Lầu, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
VietShrimp 2018 sẽ tập trung vào hai sự kiện chính. Thứ nhất là các gian hàng triển lãm với số lượng dự kiến tăng hơn so với năm 2016, thu hút các đơn vị trong và ngoài nước của chuỗi giá trị ngành tôm. Thứ hai là ba phiên hội thảo: Đổi mới để ngành tôm thành công; Đổi mới công nghệ nuôi tôm và tổ chức, liên kết sản xuất tôm thích ứng với biến đổi khí hậu. Các phiên hội thảo sẽ có tham gia của nhiều diễn giả là chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản nói chung, lĩnh vực tôm nói riêng trong nước và quốc tế.
Nếu chủ đề chính của các phiên hội thảo trong khuôn khổ VietShrimp 2016 là “đưa công nghệ lên ngôi” thì các phiên hội thảo trong khuôn khổ VietShrimp 2018 lại tập trung hướng đến việc tìm hiểu những yêu cầu của thị trường thế giới; Xu hướng chứng nhận quốc tế gắn với thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam; Khả năng cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới; Quy cách sản xuất bền vững, an toàn với môi trường và phát triển diện tích nuôi tôm sú sinh thái, tôm thẻ hữu cơ tại Việt Nam; Vấn đề dán nhãn và kiểm định chất lượng để xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường…; Từ đó, giúp các bên liên quan có điều kiện hiểu rõ hơn về những tiêu chuẩn, quy định của mỗi thị trường, hợp tác với nhau để cùng “win - win”.
VietShrimp 2018 kỳ vọng là nơi kết nối “bốn nhà” để tiếp tục thảo luận, chia sẻ nhằm tìm ra những bước đi cụ thể trước mắt và dài hạn để hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao lợi thế cạnh tranh của con tôm Việt trước bối cảnh hội nhập quốc tế.
>> Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: “VietShrimp 2016 đã rất thành công khi thu hút được những nhà khoa học, chuyên gia uy tín trong ngành; Sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; Cùng sự đồng hành, ủng hộ của bà con nông dân tại Bạc Liêu nói riêng, ĐBSCL nói chung. Mong rằng VietShrimp 2018 sẽ còn làm tốt hơn nữa, nhất là các phiên hội thảo chuyên đề sẽ mang đến nhiều thông tin hữu ích”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ