Mô hình kinh tế Chú Trọng Nhân Rộng Các Mô Hình Sản Xuất Mới

Chú Trọng Nhân Rộng Các Mô Hình Sản Xuất Mới

Ngày đăng 29/07/2013

Thực hiện nhiệm vụ năm 2012, huyện Bác Ái cơ bản đạt được mục tiêu đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2011-2015 và Nghị quyết của Huyện ủy đề ra từ đầu năm. Nổi bật là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có những chuyển biến tích cực.

Với địa bàn miền núi, Bác Ái xác định đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích nhằm ổn định đời sống nhân dân, hướng đến giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo theo hướng bền vững. Xuất phát từ chủ trương đúng đắn đó, huyện đã tập trung lồng ghép triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án. Hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có bước phát triển, rõ nét nhất là chuyển diện tích đất rẫy sang trồng lúa nước, cây cao su, cây ăn trái.

Những năm trước, huyện cũng đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nhưng chương trình thực sự mới lan tỏa rộng trong năm nay nhờ các hệ thống thủy lợi được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hàng chục km kênh mương cấp 2, cấp 3 của 6 công trình thủy lợi lớn nhỏ trên địa bàn được xây dựng và đưa và sử dụng trong năm, tưới tiêu cho 1.900 ha đất đó là điều kiện thuận lợi để huyện thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Từ nguồn vốn Chương trình 30a, 135 của Chính phủ, dự án Tam nông…, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền 9 xã triển khai 22 mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả khá cao như: Mô hình trồng cây cao su ở xã Phước Chính, Phước Thành; mô hình trồng cây ăn trái ở xã Phước Bình; mô hình trồng lúa nước ở xã Phước Đại, Phước Trung, Phước Tiến...

Theo ghi nhận của chúng tôi, các hộ tham gia thực hiện mô hình trồng lúa nước đều rất phấn khởi vì năng suất tăng gần gấp đôi, từ 4 tấn/ha trước đây lên 6 tấn/ha. Điều đáng nói là, việc thực hiện các mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con trong sản xuất theo hướng hàng hóa, bỏ dần phương thức lạc hậu.

Trong năm, huyện cũng đã tập trung chỉ đạo tận dụng thế mạnh vùng núi để phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo theo hướng nạc hóa. Hiện toàn huyện có 36 trang trại vừa và nhỏ, trong đó có 8 trang trại nuôi heo với tổng đàn lên tới 7.500 con. Đây là nét chuyển biến mới trong nuôi heo ở địa phương, khi mà lâu nay bà con chỉ biết nuôi heo thả rong, theo hình thức nhỏ lẻ. Kết quả trên góp phần tăng tổng đàn gia súc của địa phương lên hơn 31.000 con, vượt 8% kế hoạch, tăng 13,6% so với năm trước. Chăn nuôi phát triển tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, góp phần tăng trưởng trên địa bàn, đảm bảo an sinh xã hội.

Để thúc đẩy phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực, làm thay đổi nhanh bộ mặt nông thôn miền núi, trong năm 2012, địa phương chú trọng thực hiện các chương trình mục tiêu, nhất là các chương trình thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ. Tập trung quản lý có hiệu quả các công trình thủy lợi để nâng cao năng lực tưới tiêu, ổn định nguồn nước phục vụ sản xuất; hoàn chỉnh xây dựng và kiên có hóa các tuyến giao thông nông thôn, nội đồng; đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế theo hướng đạt chuẩn quốc gia.

Với nguồn vốn đầu tư phát triển hơn 93 tỷ đồng, huyện đã triển khai nhiều dự án, công trình và tiến hành hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo kế hoạch, đảm bảo đúng quy định quản lý đầu tư đối với từng nguồn vốn. Huyện đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 13 công trình, triển khai thi công 19 công trình, chuẩn bị đầu tư 47 công trình; người dân được hưởng lợi rất nhiều từ các chương trình, dự án.

Năm 2013 là năm “bản lề” thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2011-2015, huyện Bác Ái đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng 8,3%. Phấn đấu sản lượng lương thực đạt 15.000 tấn; tổng đàn gia súc tăng lên 40.000 con; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 6%.

Về nông, lâm nghiệp chú trọng tăng sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp quy hoạch sản xuất của từng xã, theo hướng ổn định diện tích cây lúa nước, mì, mía ở những vùng chủ động nước. Thực hiện luân canh cây trồng hợp lý nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại vừa và nhỏ, xây dựng các tổ hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Đối với chương trình mục tiêu, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ. Quản lý có hiệu quả các công trình thủy lợi để nâng cao năng lực tưới tiêu, ổn định nguồn nước phục vụ sản xuất. Đầu tư xây dựng các tuyến giao thông nông thôn, nội đồng, cơ sở vật chất giáo dục theo hướng đạt chuẩn quốc gia.

Để đạt được các chỉ tiêu của năm tới, giải pháp chủ yếu của huyện là tiếp tục tuyên truyền, vận động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách, chỉ tiêu cần phải thực hiện. Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án…


Có thể bạn quan tâm

to-chuc-lai-san-xuat-nghe-ca Tổ Chức Lại Sản Xuất… hieu-qua-mo-hinh-san-xuat-rau-ap-dung-phuong-phap-u-phan-huu-co-vi-sinh Hiệu Quả Mô Hình Sản…