Mô hình kinh tế Chú Trọng Phòng Chống Dịch Bệnh Gia Súc Gia Cầm

Chú Trọng Phòng Chống Dịch Bệnh Gia Súc Gia Cầm

Ngày đăng 21/05/2014

Các địa phương cần công khai chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi biết, hợp tác trong công tác phòng chống dịch, không bán chạy gia súc, gia cầm mắc bệnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của địa phương.

Qua theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trong những năm gần đây cho thấy, những địa phương nào xây dựng Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm với các phương án cụ thể về kinh phí, nhân lực, vắc xin, hóa chất khử trùng…đều ngăn ngừa được dịch bệnh phát sinh hoặc xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch lây lan rộng và đã giảm thiểu chi phí ngân sách của địa phương và giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi do không phải tiêu hủy nhiều gia súc, gia cầm mắc bệnh (như các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bến Tre…).

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số địa phương chưa xây dựng kế hoạch hoặc đã xây dựng kế hoạch nhưng chưa phê duyệt kinh phí để triển khai thực hiện.

Xuất phát từ những kinh nghiệm thực tế trong công tác phòng chống dịch tại nhiều địa phương, đồng thời để chủ động và đạt hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo cân đối nguồn vắc xin dự phòng năm 2014 của Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức rà soát và phê duyệt kế hoạch dự trữ vắc xin tai xanh, cúm gia cầm và một số loại vắc xin khác để tiêm phòng bao vây khẩn cấp các ổ dịch.

Đồng thời, giao cho Chi cục Thú y tỉnh quản lý và sử dụng nguồn vắc xin dự trữ hoặc nguồn dự phòng ngân sách cho phòng chống dịch để đảm bảo việc tiêm phòng bao vây ổ dịch kịp thời và nhanh chóng triển khai các biện pháp dập tắt ổ dịch khi còn ở diện hẹp.

Các địa phương cần rà soát và quyết định mức hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch cho phù hợp với điều kiện của địa phương, công khai chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi biết, hợp tác trong công tác phòng chống dịch, không bán chạy gia súc, gia cầm mắc bệnh.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-ran-ri-voi-loi-nhuan-cao Nuôi Rắn Ri Voi Lợi… san-luong-khai-thac-thuy-san-dat-23-200-tan Sản Lượng Khai Thác Thủy…