Tin nông nghiệp Chuyển đất lúa sang trồng rau diếp cá

Chuyển đất lúa sang trồng rau diếp cá

Tác giả Văn Việt, ngày đăng 14/09/2018

Vài năm lại đây, cánh đồng Ma Lam ở thôn An Thiện (xã Tam An, Phú Ninh) trở thành nơi cung cấp rau diếp cá cho nhiều thương lái. Hiện 26 hộ dân thôn An Thiện thay vì trồng lúa đã chuyển qua chuyên canh rau diếp cá - một nguồn thu nhập mới và cao.

Rau diếp cá được cắt vào trong bao, trước khi thương lái đến thu mua. Thu hoạch rau diếp cá chờ thương lái đến mua. Ảnh: VĂN VIỆT

Bén duyên với vùng đất An Thiện từ năm 1991, đến nay cây rau diếp cá không ngừng được người dân địa phương mở rộng diện tích. Ban đầu chỉ có 3 hộ dân trồng trên diện tích khoảng 4 sào đất. Sau một thời gian, nhờ vào hiệu quả mang lại, hiện tại cánh đồng Ma Lam có đến 6ha trồng rau diếp cá.

Mỗi năm, 1 ruộng rau diếp cá có thể thu hoạch khoảng 12 đợt. Tính ra hằng năm, mỗi sào rau thu về vài chục triệu đồng tùy theo giá thị trường. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân mạnh dạn không trồng lúa nước, chuyển sang đầu tư chuyên canh loại rau này.

Cây diếp cá dễ canh tác. Ban đầu chỉ cần đầu tư 3 - 4 triệu đồng mua lưới che, đúc trụ bê tông và cấy gốc cây diếp cá. Công việc tiếp theo là chăm bón phân rồi chờ ngày thu hoạch, điều đặc biệt ở loài rau này là mỗi lần cấy có thể thu hoạch nhiều lần trong thời gian trung bình 5 - 7 năm. Chỉ cần bón phân chuồng và tự nhân giống nên ít gặp khó khăn trong việc mở rộng diện tích.

Bà Phan Thị Chính (thôn An Thiện) cho biết: "Trước đây nhà tôi có 2,5 sào đất trồng lúa, tuy nhiên vị trí canh tác khó khăn nên hiệu quả không cao. Thấy nhiều gia đình chuyển sang trồng cây rau diếp cá, ít tốn công mà đem lại hiệu quả kinh tế cao nên năm 2012 tôi quyết định chuyển sang trồng loại rau này".

Hàng chục hộ dân thôn An Thiện chuyển đất lúa sang trồng rau diếp cá.

Rau diếp cá có giá cao nhất vào mùa mưa và dịp gần Tết Nguyên đán, dao động 20 - 25 nghìn đồng/kg. Còn thời điểm bình thường, giá dao động 10 - 15 nghìn đồng/kg, giá thấp nhất cũng khoảng 6.000 đồng/kg.

Một trong những hộ dân có diện tích rau diếp cá lớn nhất thôn, ông V. chia sẻ: "Tôi trồng rau này được 7 năm nay. Ban đầu chỉ có 2 sào, nhận thấy hiệu quả khá cao nên thuê thêm 4 sào để trồng. Mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng".

Cây rau diếp cá đang dần trở thành cây trồng kinh tế chủ lực của người dân An Thiện và đã giúp cho nhiều hộ vươn lên làm giàu. Tuy vậy, việc trồng rau cũng gặp nhiều khó khăn, chỉ thích hợp nhất với ruộng có nước nhĩ, trong khi tại địa phương gần như không có loại ruộng này.

Theo ông Huỳnh Tuấn Nhật - Chủ tịch UBND xã Tam An, hiện nay rau diếp cá mang lại kinh tế cao, tuy nhiên đây là mô hình tự phát, nên đầu ra chưa ổn định. "Thời gian đến, chính quyền địa phương sẽ quy hoạch tập trung, hỗ trợ hạ tầng nông nghiệp (kênh mương thủy lợi, điện, giếng khoan, giàn che...) cho người dân. Từ đó xúc tiến để tạo nhãn hiệu cho mô hình rau diếp cá tại địa phương" - ông Nhật nói.


Có thể bạn quan tâm

nhan-rong-mo-hinh-trong-rau-huu-co-trong-truong-hoc Nhân rộng mô hình trồng… ong-long-cam-sanh Ông Long "cam sành"