Mô hình kinh tế Chuyển Giao Kỹ Thuật Chăn Nuôi Cho Nông Dân Xã Chung Chải

Chuyển Giao Kỹ Thuật Chăn Nuôi Cho Nông Dân Xã Chung Chải

Ngày đăng 28/06/2013

Xã Chung Chải (huyện Mường Nhé), là địa bàn vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hiện chiếm 81%. Với chủ trương tuyên truyền, phổ biến kiến thức kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chủ động phát triển kinh tế hộ theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bằng nguồn kinh phí (DANIDA) Đan Mạch tài trợ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND xã Chung Chải xây dựng mô hình trình diễn nuôi vịt thịt an toàn sinh học tại bản Đoàn Kết.

Trước khi triển khai mô hình Trung tâm tổ chức tập huấn kỹ thuật (cách chăm sóc, làm chuồng, phòng trừ dịch bệnh) cho 22 hộ dân tộc Hà Nhì bản Đoàn Kết. Ngày 14/9/2012, mỗi hộ được cấp 50 con vịt giống CV SuperM 7 ngày tuổi, 415kg thức ăn/hộ, hoá chất sát trùng, vắc xin phòng bệnh. Sau gần 2 tháng nuôi có sự giám sát, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chính quyền địa phương và người tham gia mô hình, đàn vịt của 22 hộ đều phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 100%, trọng lượng trung bình 3kg/con.

Tính theo giá thị trường tại thời điểm tháng 10 trừ các khoản chi phí cho thu lãi trên 60 nghìn đồng/con vịt, trên 3 triệu đồng/hộ/đàn vịt 50 con. Qua tham quan hội thảo cho thấy, nếu nuôi 100 con vịt giống CV SuperM trong 2 tháng sẽ cho lãi trên 6 triệu đồng. Gia đình chị Lỳ Nhù Xó,  là một trong những hộ tham gia trình diễn mô hình, cho biết:

Từ bao năm nay gia đình tôi chỉ nuôi từ 6 – 10 con vịt giống địa phương, cho ăn bằng thực phẩm thừa, nuôi phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Hàng ngày cho vịt ăn 2 lần, buổi sáng thả vịt ra suối, tối vịt tự về, không đầu tư thức ăn hỗn hợp, thuốc phòng dịch bệnh. Nuôi theo phương pháp này vịt hay bị mất do nước cuốn trôi hoặc bị thú rừng ăn thịt, dịch bệnh và 6 tháng mới cho thu hoạch 2kg/con. Nay được phổ biến kỹ thuật nuôi mới vịt nhanh cho thu hoạch, năng suất cao, phòng được dịch bệnh tôi sẽ mạnh dạn nuôi nhiều để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Chung Chải, cho biết: Bản Đoàn Kết nói riêng và xã Chung Chải nói chung có tiềm năng đất đai, thị trường và nguồn nước rất thuận tiện cho phát triển nuôi trồng thủy sản và thủy cầm. Tuy nhiên, bà con địa phương nhiều năm nay vẫn chăn nuôi theo phương pháp truyền thống tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ, dịch bệnh xảy ra thường xuyên.

Do đó, phổ biến và chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông dân để thay đổi phương thức chăn nuôi cũ sang phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân là việc làm cần thiết, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Mặt khác, chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học sẽ cung cấp cho thị trường thực phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cũng theo ông Tuấn, xã Chung Chải có 10 bản của các dân tộc: Hà Nhì, Mông, Si La, hầu hết đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, rất cần nhiều chương trình, dự án được thực hiện, trình diễn tại nhiều bản để nông dân có điều kiện và cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật để chủ động phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Nhưng hơn ai hết người dân phải tự lực tự cường vượt qua khó khăn, không nên quá trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước như hiện nay.


Có thể bạn quan tâm

trien-vong-cay-ngo-lai-tren-dat-tai-dinh-cu Triển Vọng Cây Ngô Lai… hieu-qua-tu-mo-hinh-trong-lac-tb-25-tai-xa-keo-lom Hiệu Quả Từ Mô Hình…