Mô hình kinh tế Chuyện thường gặp trước khi vào vụ ép mía

Chuyện thường gặp trước khi vào vụ ép mía

Ngày đăng 07/08/2015

Niên vụ mía 2015-2016, toàn tỉnh xuống giống được gần 11.500ha, tập trung ở huyện Phụng Hiệp, thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy và huyện Long Mỹ. Trong đó, huyện Phụng Hiệp là địa phương chiếm diện tích nhiều nhất, với 7.805ha. Để người trồng mía an tâm sản xuất, hàng năm, trước khi vào vụ sản xuất thì các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đều tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu và đưa ra mức giá sàn bảo hiểm cho người dân và công đoạn này hiện đã hoàn tất. Theo đó, tổng diện tích mía được 2 doanh nghiệp bao tiêu đến thời điểm này là 11.225ha, đạt gần 97% so với diện tích xuống giống. Trong đó, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã ký hợp đồng được 9.467ha, tương đương sản lượng khoảng 762.000 tấn; còn Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát (Losuco) đã ký 1.785ha, tương đương sản lượng khoảng 151.800 tấn. 

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Casuco, cho biết: “Khoảng đầu tháng 3, Casuco bắt đầu cử cán bộ đến gặp lãnh đạo các địa phương nằm trong vùng mía nguyên liệu của công ty để tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu mía với người dân; đồng thời, triển khai các chính sách thu mua, giá sàn bảo hiểm, thông báo thời gian thu hoạch cho từng vùng… Nhờ vậy, nhiều năm qua, công tác phối hợp giữa công ty và chính quyền địa phương luôn có sự nhịp nhàng trong quá trình triển khai thu hoạch mía cho người dân, từ đó, hạn chế việc đốn mía sớm làm giảm năng suất và chữ đường”.

Mặc dù đã được ký hợp đồng bao tiêu, tuy nhiên, điều mà ngành chức năng và người trồng mía cảm thấy không hài lòng trong lúc này là việc chưa có sự thống nhất về thời gian vào vụ ép mía cũng như giá cả thu mua giữa các nhà máy đường. Theo kế hoạch, Casuco dự kiến vào vụ ép từ ngày 15 đến 20-9 (tương đương cùng kỳ năm trước) để mía đạt năng suất và chữ đường tốt nhất nhằm đảm bảo quyền lợi cho người trồng mía và doanh nghiệp; riêng Losuco dự kiến ngày vào vụ sớm hơn Casuco 1 tháng (ngày 15-8). Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc Losuco, cho rằng: “Vì giống mía chín sớm (ROC 16) năm nay chiếm diện tích khá lớn tại các vùng mía do công ty phụ trách (trên 60%) và hiện mía gần đạt độ chín. Ngoài ra, vùng mía của Losuco bao tiêu chủ yếu là vùng trũng, thường bị ngập khi lũ về nên công ty chỉ có thời gian thu mua đến tháng 11 phải dứt điểm. Chính những nguyên nhân trên, buộc Losuco phải vào vụ sớm để đảm bảo việc tiêu thụ và hạn chế thất thoát mía do lũ cho nông dân”.

Riêng về giá thu mua, theo lãnh đạo các địa phương, hiện Casuco đưa ra mức giá bao tiêu là 830 đồng/kg, mía 10 CCS, cân tại cầu cảng nhà máy; đối với Losuco, mức giá thu mua là 750-780 đồng/kg (cân xô tại ruộng), còn cân tại cầu cảng nhà máy là 950 đồng/kg (giá này chưa có văn bản), mía 10 CCS. Với sự chênh lệch về mức giá thu mua, hiện nhiều người trồng mía tỏ ra thắc mắc và không hài lòng. Ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, cho rằng: “Các doanh nghiệp nên có sự thống nhất trong việc đưa ra giá thu mua mía cho bà con. Việc có sự khác nhau về giá cả như hiện nay sẽ tạo ra sự so bì, doanh nghiệp rất khó thu mua mía”.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Tổng Giám đốc Casuco, cho hay: Hiệp hội sẽ có buổi làm việc với tất cả các nhà máy đường ở khu vực ĐBSCL để thống nhất về giá thu mua cũng như thời gian vào vụ thu hoạch mía. Riêng tỉnh Hậu Giang, cơ bản thống nhất thời gian bắt đầu đốn mía theo đề xuất của ngành nông nghiệp tỉnh. Hiện nay, mọi giá thu mua đưa ra vào thời điểm này của các nhà máy đường chỉ là giá sàn bảo hiểm, mức giá này sẽ được thay đổi khi bà con chính thức vào vụ thu hoạch, nhưng không thấp hơn giá sàn ban đầu.

Nhằm đảm bảo thu hoạch mía kịp thời, hạn chế thiệt hại do lũ cho bà con trồng mía trên địa bàn tỉnh, nhất là tại vùng mía nguyên liệu huyện Phụng Hiệp (vùng ngập lũ hàng năm), Sở NN&PTNT tỉnh đã đề ra kế hoạch thu hoạch mía dự kiến và được UBND tỉnh chấp thuận để các địa phương, nhà máy đường tham khảo, triển khai thực hiện. Theo đó, thời gian bắt đầu vào vụ thu hoạch mía kể từ ngày 10-9-2015 và kết thúc trong tháng 3-2016. Trong đó, huyện Phụng Hiệp là đơn vị đốn mía trước, các địa phương còn lại sẽ thu hoạch từ đầu tháng 10.

Bên cạnh đưa ra lịch thu hoạch mía, Sở NN&PTNT tỉnh còn đề nghị các địa phương có vùng mía nguyên liệu cần thực hiện việc rà soát lại diện tích mía trên địa bàn và có kế hoạch cụ thể về thời gian, diện tích mía cần thu hoạch ở từng khu vực cho phù hợp; chủ động gia cố đê bao, cống, đập để hạn chế mía bị thiệt hại do lũ; quan tâm trong việc hướng dẫn tổ chức, huy động lực lượng nhân công, phương tiện vận chuyển mía kịp thời; vận động người dân thực hiện tốt hợp đồng ký kết với doanh nghiệp.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các nhà máy đường khẩn trương hoàn tất công tác sửa chữa trang thiết bị và cố gắng ký kết hết diện tích mía trên địa bàn tỉnh. Sở NN&PTNT tỉnh kịp thời thông báo, dự báo tình hình lũ trên địa bàn và chuẩn bị kế hoạch đối phó khi có tình huống xấu; phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra công tác thu mua, đo chữ đường khi vào vụ chính thức nhằm đảm bảo tính khách quan và quyền lợi cho người trồng mía. Về thời gian, thống nhất bắt đầu vào vụ vào ngày 10-9, còn đối với giá thu mua, căn cứ theo mức giá của thị trường khi vào vụ thu hoạch, nhưng phải đảm bảo nguồn lợi nhuận cho bà con…

Mặc dù vẫn còn một số vấn đề chưa có sự thống nhất, tuy nhiên, về cơ bản, hiện các nhà máy đường, ngành chức năng của tỉnh và các địa phương đã có bước chuẩn bị khá chặt chẽ cho mùa thu hoạch mía sắp bắt đầu. Ngoài ra, có một thông tin đáng mừng cho người trồng mía là theo báo cáo của các nhà máy đường, hiện tình hình giá đường trên thị trường đang có chiều hướng tăng nên khả năng năm nay, bà con trồng mía sẽ có được mùa mía “ngọt”.


Có thể bạn quan tâm

de-nghi-xu-ly-hinh-su-trang-trai-dung-chat-cam Đề nghị xử lý hình… thu-nhap-vai-tram-trieu-dong-nho-tao-hong Thu nhập vài trăm triệu…