Tin nông nghiệp Chuyển trồng lúa sang ngô: Hướng đến đạt 1 triệu tấn ngô/năm

Chuyển trồng lúa sang ngô: Hướng đến đạt 1 triệu tấn ngô/năm

Tác giả Trần Quang, ngày đăng 07/07/2016

Hiệu quả kinh tế tăng 30%

Là đơn vị thực hiện dự án “Xây dựng mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp”- ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam- KHNN) cho biết: Theo kế hoạch của Bộ NNPTNT, quy hoạch chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng ngô vùng miền núi phía bắc (MNPB) giai đoạn 2015-2020 chủ yếu tập trung trên diện tích đất trồng lúa 1 vụ nhờ nước trời (vụ mùa) và chân đất có địa hình cao, khó khăn về nước tưới (vụ đông xuân).

Cụ thể, theo ông Thanh,  quy hoạch đến năm 2015 tổng diện tích lúa chuyển đổi sang trồng ngô là 55.200ha. Thực hiện chuyển đổi ở hầu hết các tỉnh trong vùng, tập trung tại các tỉnh như: Lạng Sơn, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Đến năm 2020 tổng diện tích lúa quy hoạch chuyển đổi sang trồng ngô sẽ tăng thêm 25.100ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi tập trung tại các tỉnh như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Thái Nguyên.

Theo đó, Viện KHNN Việt Nam đã phối hợp các viện, doanh nghiệp triển khai 20 mô hình của dự án, với quy mô 600ha tại 8 tỉnh vùng miền núi phía Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Lai Châu, Lào Cai, Hòa Bình). “Năng suất các mô hình đều đạt từ 6,1 tấn – 7,2 tấn/ha, hiệu quả kinh tế so sánh với trồng lúa tăng từ 20 – 30% (cao hơn từ 5 – 10 triệu đồng/ha). Qua đây cho thấy vùng MNPB phù hợp với mục tiêu chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô trong vụ xuân, xuân hè (do thiếu nước, hạn và lạnh cho sản xuất lúa ở vụ này). Đặc biệt, mô hình áp dụng máy làm đất tại Hà Giang, Quảng Ninh làm giảm chi phí nhân công lao động từ 2,5 – 3,0 triệu đồng/ha. Áp dụng hệ thống sấy, làm sạch, bảo quản tại Hà Giang làm giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch 6,5%” – ông Thanh nêu.

Vận động doanh nghiệp  tiêu thụ ngô cho nông dân

Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết,  Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 915/2016 về chính sách hỗ trợ để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô ở các vụ trong năm từ vụ hè thu 2016 đến hết vụ đông xuân 2018 - 2019 tại vùng Trung du MNPB, Bắc Trung Bộ, ĐBSCL, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Hỗ trợ một lần không quá 3 triệu đồng/ha chi phí về giống.

“Đến nay nhiều địa phương đã ban hành các chính sách hỗ trợ kinh phí để chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô (Quảng Ninh, Hà Giang, Yên Bái…) đạt hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho nông dân” – ông Định nhấn mạnh.

Là hộ trồng hơn 1.000m2 ngô biến đổi gen, ông Hà Văn Trường ở bản Lẳm (xã Mường Bon, huyện Mai Sơn) cho biết: “Bà con ở bản tôi quý lúa hơn ngô, nên lúa năng suất thấp họ cũng làm. Nhưng sau vụ này tôi trồng ngô thắng lợi, ai ra ruộng xem cũng thấy mừng, hứa vụ tới sẽ chuyển sang trồng ngô hết. Trồng ngô không phải tưới nhiều nước như lúa, chăm bón cũng ít hơn, đặc biệt là trồng ngô biến đổi gen có nhiều ưu việt nhất là kháng được sâu đục thân nên bà con rất tin tưởng”– ông Trường chia sẻ.

Sau khi thăm mô hình chuyển đổi ngô tại huyện Yên Châu (Sơn La), bà Phạm Thị Hà – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Giang cho biết: Việc đưa mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang đất ngô tại Sơn La cũng như trên địa bàn tỉnh Hà Giang rất hiệu quả, nâng cao thu nhập đáng kể cho nông dân nên được bà con đón nhận và đánh giá rất cao.

Tuy nhiên theo bà Hà, để phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng và nâng cao thu nhập cho nông dân, tỉnh cũng đề nghị Bộ NNPTNT cần mở rộng đối tượng cây trồng khác như cây đậu tương đưa về cho nông dân Hà Giang làm. Việc hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân là rất cần thiết giúp bà con yên tâm sản xuất, tăng thu nhập.

PGS-TS Trịnh Khắc Quang – Giám đốc Viện KHNN Việt Nam cho biết: Dựa trên các điều kiện tự nhiên, đất đai, kinh tế-xã hội, các giải pháp khoa học công nghệ và chính sách hỗ trợ, thúc đẩy, công tác quy hoạch phù hợp, giai đoạn 2017 –2020 vùng MNPB nếu chuyển đổi sản xuất thêm được vụ ngô xuân và xuân hè trên 1/3 tổng diện tích đất 1 vụ là 187.071ha của vùng (khoảng 60.000ha), với năng suất ngô vụ xuân, vụ xuân hè dự kiến đạt bình quân 6,0 tấn/ha, sẽ bổ sung thêm 360.000 tấn ngô/năm tại vùng MNPB cho tổng sản lượng ngô, góp phần đáng kể cho mục tiêu tăng 1 triệu tấn ngô đã đề ra của Việt Nam.

Được biết, Dự án “Xây dựng mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp” được Bộ NNPTNT giao cho Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam thực hiện từ tháng 1.2014 tại miền núi phía Bắc. Dự kiến đến hết năm 2016 dự án trên sẽ kết thúc.


Có thể bạn quan tâm

vai-thieu-vua-qua-bien-gioi-trung-quoc-da-tang-gia-gap-doi Vải thiều vừa qua biên… muon-gap-lon-phai-cach-ly-truoc-3-ngay-qua-phong-sat-trung Muốn gặp lợn phải cách…