Tin nông nghiệp Cơ giới hóa đồng bộ sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày

Cơ giới hóa đồng bộ sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày

Tác giả Văn Đình, ngày đăng 27/09/2017

Nếu như trước đây cơ giới hóa đồng bộ mới chỉ tập trung cho cây lúa thì nay đã bắt đầu mở rộng ra các cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn, ngô, đỗ tương nhưng tốc độ vẫn còn chậm. Hà Nội cần phải có một cơ chế đặc thù nào để hỗ trợ cho việc đó?

Máy kéo nhưng biết phun thuốc trừ sâu

Máy kéo không chỉ thay trâu

Trời nắng chang chang nhưng đám người vẫn xúm đông xúm đỏ quanh ô ruộng thí nghiệm của Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất (Hà Nội) để xem cuộc trình diễn của mấy loại máy Kubota mới gồm trồng sắn, trồng mía và phun thuốc sâu. Nhiều người vừa xem vừa liên tục bình luận kiểu rằng: “Ồ, máy kéo cũng biết phun thuốc trừ sâu à?". “Ồ máy kéo cũng biết trồng mía, trồng sắn, biết bơm nước, bón phân à?”.

Trước đây nông dân chỉ hiểu máy kéo chỉ là con “trâu sắt” thay cho con trâu thật cày bừa trên đồng nên nó chỉ thực hiện mỗi việc làm đất, kéo rơ móc, cả năm chỉ hoạt động được khoảng 2 tháng trong thời vụ còn lại 10 tháng nằm yên trong kho. Giờ, đối với họ, những nông dân miền Bắc những máy này quá mới mẻ.

Cũng đúng thôi vì hầu hết các tiến bộ KHKT mới bao giờ nông dân trong Nam cũng đi trước một bước trong việc áp dụng vì tư duy nhạy bén, vì sản xuất hàng hóa lớn hơn. Chứng kiến cảnh đó, anh Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp - thương mại tổng hợp Thạch Xá, huyện Thạch Thất tỏ ra rất tâm đắc.

Anh cho hay, địa phương mình có 200ha đất canh tác. Trong khi các ngành nghề như mộc, mây tre đan, làm bánh kẹo rất phát triển thì nghề nông gần đây bị lép vế. Sản xuất nông nghiệp kiểu truyền thống hiện nay rất khó vì phụ thuộc vào sức người, phải đi thuê cấy, chăm bón, thu hoạch trong khi đó lao động nông thôn mỗi lúc lại một khan hiếm khiến cho hiệu quả của cấy lúa không có.

Trước tình trạng đó, năm 2013 HTX quyết định cơ giới hóa một phần để giảm bớt chi phí. Lúc đầu đơn vị chỉ dám thuê một máy gặt về xem có phù hợp với đồng đất xã mình, xem có hiệu quả kinh tế hay không, khi đã khẳng định được chắc chắn phù hợp rồi mới mua một máy DC 35.

Dần dần, họ từng bước triển khai cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch. Ngoài cơ chế hỗ trợ của khuyến nông Hà Nội thì đơn vị còn dùng nguồn vốn thu được từ dịch vụ điện năng để hỗ trợ cho dịch vụ nông nghiệp.

Năm 2016 HTX tiến hành được 10ha, thu 490.000đ/sào cho cả 3 khâu gồm làm đất 130.000đ/sào; cấy + giống 230.000đ; thu hoạch 130.000đ. Tính ra rẻ hơn từ 40 - 50% so với dịch vụ bên ngoài. Cụ thể, nếu thực hiện theo cách cũ, làm đất mất 150.000đ, 2 công cấy mất 360.000đ, giống mất 50.000đ, thu hoạch mất 2 công gặt tay và 1 lần máy phụt 400.000đ.

Hiện tại HTX đã sắm được 6 máy gồm 2 máy cấy 6 hàng và 4 hàng, 2 máy gặt DC 35 và DC 70, 2 máy làm đất, đang tiến hành cơ giới hóa đồng bộ trên diện tích 13ha.

Việc hạn chế về diện tích áp dụng không liên quan đến khả năng của máy móc mà có nhiều lý do. Thứ nhất là gặp khó ở khâu mặt bằng sản xuất mạ. Do không có mặt bằng để làm mạ nên HTX vẫn phải hợp đồng với Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất. Thứ hai là do thói quen cấy dày của nông dân nên chuyển biến về nhận thức khá chậm. Thêm vào đó là địa hình canh tác khó khăn, manh mún cũng cản trở tốc độ mở rộng của cơ giới hóa đồng bộ…  

Bắc cầu nối với người nông dân

Nếu như trước đây cơ giới hóa đồng bộ mới chỉ tập trung cho cây lúa thì nay đã bắt đầu mở rộng ra các cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn, ngô, đỗ tương... Hà Tây (cũ) từng là nơi phát triển mạnh mẽ của đậu tương đông, ngô đông nhưng về sau phần do thiếu lao động, phần do hiệu quả thấp nên diện tích đã giảm xuống không ngừng. Dù Hà Nội về sau có nhiều chính sách cho vụ đông như hỗ trợ giống nhưng người nông dân vẫn không mặn mà bởi lao động trẻ thoát ly gần hết, chỉ còn lại những ông bà già thì làm sao làm lụng nổi giữa tiết trời giá lạnh căm căm?

Máy kéo nhưng biết trồng mía

Do đó, ông Lê Văn Minh, Tổng Giám đốc Cty TNHH Công nông nghiệp Hà Nội khẳng định phải đưa máy móc vào để cứu cho sản xuất vụ đông cũng như hỗ trợ cho các cây công nghiệp ngắn ngày khác. Nguồn lực đầu tư từ đâu, có nhiều không? Không nhiều, nếu vừa mua sắm máy mới vừa tận dụng chính những máy móc nông nghiệp đã có sẵn của các địa phương như máy cày, máy bừa.

Với 32 bộ thiết bị có thể lắp đằng trước, đằng sau vẫn cái máy kéo ấy có thể san ủi, khoét lỗ trồng cây, bón phân, thu rơm, gắp mía, bốc dỡ hàng…Thiết bị đầu cuối quan trọng là vì thế. Nó có thể tối ưu hóa máy nông nghiệp, giúp cho chúng hoạt động đúng theo công suất thiết kế, theo nhu cầu sử dụng hết sức đa dạng trong khi khoản đầu tư thêm là không nhiều. Một khi máy kéo được lắp thêm các thiết bị đầu cuối có thể gieo ngô, gieo đỗ, thu hoạch, văng phân, cắt cỏ, trồng sắn, san ủi đồng ruộng, tạo độ phẳng cho đất… dễ dàng.

Cũng theo ông Minh, nông dân suốt ngày vất vả, đầu tắt, mặt tối ngoài đồng ruộng nên giải phóng sức lao động mà nhất là giảm các công đoạn nặng nhọc chính là sứ mệnh của cơ giới hóa đồng bộ. Cty TNHH Công nông nghiệp Hà Nội luôn muốn trở thành chiếc cầu nối cho bà con về khoa học kỹ thuật bằng cách đào tạo huấn luyện dạng cầm tay chỉ việc, làm cùng nông dân để chuyển đổi nhận thức, hành vi; Cầu nối về dẫn vốn vay ngân hàng, quỹ khuyến nông, Liên minh HTX. Cầu nối về hình thành cung cách quản lý mới cho các HTX nông nghiệp với những hình thức dịch vụ được mở rộng thêm chứ không chỉ tự mình co cụm như các HTX kiểu cũ…

Máy kéo nhưng biết trồng sắn


Có thể bạn quan tâm

tien-giang-gia-thanh-long-tang-manh Tiền Giang: Giá thanh long… chom-chom-binh-phuoc-mat-mua-gia-tang-dan-van-khong-co-lai Chôm chôm Bình Phước mất…